Mưu sinh thời dịch bệnh

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều công nhân, người lao động (NLĐ) ở TP Hồ Chí Minh  bị mất việc làm, giảm lương. Tuy nhiên họ không than vãn hay ngồi chờ trợ cấp, mà tự bươn chải, tìm kế mưu sinh cho gia đình.

Người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh.
Người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh.

Vẫn để nguyên chiếc áo công nhân trên người, chị Huỳnh Thị Thu Thạnh (53 tuổi, quê An Giang) khệ nệ vác bao ve chai về phòng trọ. Đổ vội chiếc bao để kiểm đếm “thành quả” thu được, chị Thạnh vui mừng: “Nay may quá, nhặt được khá nhiều vỏ lon bia, lon nước ngọt. Có hôm chỉ toàn nhặt được chai nhựa với ni-lông, bán không được mấy đồng”. 

Làm công nhân tại Công ty TNHH SX-TM Cẩm Long (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) chuyên sản xuất bao bì, túi xốp, dù có thâm niên 10 năm nhưng lương chị Thạnh chưa tới 6 triệu đồng/tháng. Dịch dã khiến đồng lương công nhân thêm eo hẹp. Để đủ chi phí sinh hoạt, chị Thạnh nhặt nhạnh thêm ve chai, đồ đồng nát trong xí nghiệp và những khu vực lân cận để bán kiếm thêm tiền. Những gì có thể bán được, chị Thạnh đều lượm đem về. “Một tuần tôi gom bán một lần, trước vỏ lon còn bán được 1.000 đồng/ký, nay chỉ còn 500 đồng/ký. Bán được 50.000 đến 70.000 đồng, tôi dành dụm mua thêm sữa cho cháu ngoại đang học mẫu giáo. Giờ, có ai thuê tôi đi rửa chén, giặt đồ thêm buổi tối tôi cũng nhận. Làm gì ra tiền thì tôi đều cố gắng”, chị Thạnh tâm sự.

Dù may mắn khi chưa bị liệt vào danh sách mất việc, nhưng nhiều công nhân vẫn tìm việc làm thêm để tăng thu nhập. Tất bật xếp xe, dắt xe cho khách, anh Võ Trung Tiến (37 tuổi, quê Kiên Giang) công nhân Công ty PouYuen cho biết, trông xe là “nghề tay trái” của mình. Công việc theo ca, sau giờ làm ở công ty, anh Tiến vào ca chiều từ 16 đến 20 giờ, lương 80.000 đồng. “Vợ tôi cũng phụ giữ xe. Mỗi ngày, hai vợ chồng kiếm thêm được 160.000 đồng từ việc giữ xe. Dù rất mệt bởi xe đông, nhưng bù lại mình có thêm khoản thu nhập lo chi phí ăn uống, đỡ phần nào trong lúc khó khăn”, anh Tiến cho hay. 

Trong căn phòng trọ quây tôn, nóng hầm hập nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường 47 (phường Bình Thuận, quận 7), đây là nơi ở cũng là “xưởng may dã chiến” lúc dịch Covid-19 hoành hành của vợ chồng chị Nguyễn Thị Ly (40 tuổi, quê Lâm Đồng). “Thất nghiệp kéo dài, hai vợ chồng gom hết tiền rồi vay mượn thêm để sắm chiếc máy may cũ mưu sinh. Tôi đến các cơ sở nhận hàng đồ thun về gia công. Ngồi từ sáng đến nửa đêm, may được chục bộ nhận 100.000 đồng. Ai nhờ sửa đồ, mạng, vá tôi cũng nhận”, chị Ly vừa nói, vừa chỉ tấm biển hiệu nhận sửa quần áo treo ngoài cổng nhà trọ. Chiếc quạt máy nhỏ trong phòng trọ không đủ xua cái nóng ngày hè, chị Ly trải lòng, chị còn hai con đang tuổi ăn tuổi lớn gửi ông bà ở quê. Nhiều khi nhớ con cũng không dám về thăm vì sợ tốn kém, gia đình biết chị mất việc càng thêm lo. “Dù khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng gửi tiền đầy đủ để lo cho các con như trước. Khổ, khó bao nhiêu mình cũng cố được, còn sức khỏe thì vẫn có thể làm kiếm tiền, dù bây giờ tìm việc không dễ dàng như trước. Nhưng tôi hy vọng mọi chuyện sẽ qua nhanh ”, chị Ly thở dài.

Ngay khi bị mất việc do Công ty Pungkook Sài Gòn chuyên may ba-lô, túi xách (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) không có đơn hàng, chị Nguyễn Thị Lai (41 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè) chuyển sang nhận may đồ thun cho các xưởng tư nhân. Mỗi bộ may hoàn chỉnh, chị Lai nhận được 10.000 đồng. Nếu chịu khó, mỗi ngày cũng có thể ráp được 10 đến 15 bộ, kiếm hơn trăm ngàn đồng. Chị Lai là một trong gần 1.000 công nhân bị công ty sa thải từ giữa tháng 5-2020. Chị có hơn sáu năm gắn bó với nghề, lương tầm 5 triệu đồng/tháng, trong đó hết nửa số tiền lương để dành trả tiền nhà trọ, học phí cho con. Dù không dư dả nhưng ổn định, có đồng ra, đồng vào. Công việc đang bình thường, bỗng công ty thông báo giải thể, toàn bộ công nhân viên thất nghiệp khiến chị chới với. Chị Lai vừa làm thủ tục xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, vừa “rải” hồ sơ nhiều nơi xin việc mới, nhận hàng may gia công tại nhà…

Theo bà Lê Thị Kiều Phượng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố), để tạo điều kiện cho NLĐ sớm quay lại thị trường lao động, Trung tâm đã tăng cường thu thập thông tin cung - cầu lao động qua website vieclamhcm.net; thường xuyên kết nối với doanh nghiệp (DN) nắm bắt thông tin về vị trí việc làm cần tuyển dụng và cập nhật lên website để NLĐ dễ dàng đăng ký, tra cứu thông tin, tìm kiếm việc làm; kết nối việc làm trực tuyến cho NLĐ và DN qua sàn giao dịch việc làm trực tuyến. 

Ngoài ra, Trung tâm phối hợp với các phòng lao động - thương binh và xã hội quận, huyện để hỗ trợ công tác tuyên truyền và kết nối cung - cầu lao động cho DN và NLĐ trên địa bàn thành phố thông qua hình thức trực tuyến. NLĐ cũng sẽ được mời tham gia các phiên, sàn giao dịch việc làm và được DN tuyển dụng phỏng vấn trực tiếp.

Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP Hồ Chí Minh (trực thuộc Thành đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng cho hay đang phối hợp các cơ sở để tập hợp danh sách những NLĐ bị mất việc, chưa có việc làm nhằm kết nối với các DN có nhu cầu tuyển dụng. Trung tâm cũng sẽ phối hợp với các quận, huyện tổ chức các chương trình ngày hội việc làm, chương trình tiếp xúc NLĐ...