Mạnh tay dẹp chợ tự phát

Trong khi nhiều chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh ế ẩm do ảnh hưởng dịch Covid-19 thì các chợ tự phát, ven đường lại hoạt động rất nhộn nhịp. Mặc dù các cơ quan chức năng nhiều lần ra quân lập lại trật tự tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, để ngăn chặn các điểm chợ tự phát, nhưng chỉ một thời gian ngắn thì… đâu lại vào đấy.
 

Mạnh tay dẹp chợ tự phát

Trên nhiều tuyến đường quanh khu vực chung quanh chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) như Vũ Tùng, Bùi Hữu Nghĩa…, nhiều chợ tự phát mọc chen ra giữa đường. Đủ các loại âm thanh từ các loa hàng rong, tiếng người chào mời, kèn xe inh ỏi từ sáng sớm đến chiều tối khiến khu vực này thường xuyên kẹt xe. Phần lớn thực phẩm tươi sống không được bảo quản, che chắn; rau củ quả không rõ nguồn gốc, xuất xứ với giá rẻ, chỉ từ 10.000 -
 
 15.000 đồng/kg... Khu vực chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), các con đường phía sau hai bên hông chợ là Đinh Điền, Phạm Văn Hai, Dương Vân Nga… đều bị chiếm dụng nghiêm trọng, biến thành chợ tự phát quy mô “khủng”. Tiểu thương che ô dù san sát, bày biện với đủ thứ hàng hóa từ thịt cá, trái cây, rau củ, bánh mứt… đến cả mỹ phẩm, quần áo. Khách vô tư chạy thẳng xe vào các chợ tự phát khiến giao thông khu vực này tê liệt. Còn chung quanh chợ Hòa Bình (quận 5), các tuyến đường Nhiêu Tâm, Bạch Vân, Chiêu Anh Cát lâu nay đã bị chợ tự phát lấn chiếm; dọc theo đường số 1 và số 8 (bên hông chợ Tân Mỹ, quận 7) cũng có khu chợ tự phát nhộn nhịp. Dọc đường Võ Văn Kiệt giao với An Dương Vương (quận Bình Tân), xe đẩy hàng rong xếp hàng dài cả trăm mét làm giao thông ùn tắc trong giờ cao điểm. Thậm chí, ngay trung tâm quận 3, các con hẻm chung quanh chợ Vườn Chuối, Bàn Cờ, hẻm 430 đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 11) thông ra đường Trần Văn Đang cũng rơi vào tình cảnh chợ tự phát họp tràn lan. Bà Nguyễn Thị Bông (65 tuổi, ngụ quận 3) than thở: “Chợ tự phát kinh doanh tấp nập không thua gì chợ truyền thống, thậm chí họ còn bán đến chiều muộn. Nước, rác thải từ các hoạt động mua bán gây ô nhiễm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị tổ dân phố nhưng không ăn thua”.
 
 Trong khi, trong chợ truyền thống, tiểu thương bán buôn ế ẩm thì bên ngoài ở chợ tự phát, người bán hàng không kịp. Bà Thiện (tiểu thương chợ An Đông, quận 5) bức xúc: “Chúng tôi bán hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, Ban quản lý chợ thường xuyên lấy mẫu kiểm tra để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), nhưng kinh doanh vô cùng ế ẩm. Lúc trước có 10 người mua, giờ chỉ còn 1 đến 2 người, giảm tới 90%. Kinh doanh khó khăn, đủ các loại thuế, khoán bao vây, trong khi chợ cóc, chợ tự phát không mất đồng thuế nào, hàng hóa kém chất lượng, giá nào họ cũng bán lại luôn đông khách. Nếu cứ để tình trạng chợ tự phát bên cạnh chợ truyền thống thì rất bất công cho tiểu thương”. Giám đốc chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền Phan Thanh Tân cho biết, Ban quản lý chợ đã phối hợp với UBND phường 7, quận 8 và UBND xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh dẹp tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường thời gian qua. Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn, tình trạng này lại tái diễn. “Chợ tự phát là vấn đề nan giải hiện nay. Chúng tôi phối hợp với lãnh đạo phường dẹp chợ tự phát nhiều lần nhưng sau đó lại tái phát. Các chợ này kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm ATTP, mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng đến chợ truyền thống, bởi khi có người mua phải hàng kém chất lượng ở chợ tự phát lại “đổ” cho Bình Điền” - ông Phan Thanh Tân nói.
 
 Lý giải vì sao chợ tự phát quanh khu vực chợ Phạm Văn Hai đã tồn tại nhiều năm qua, gây không ít khó khăn cho tiểu thương trong chợ nhưng vẫn khó dẹp, Ban quản lý chợ Phạm Văn Hai thừa nhận điều này ngoài tầm quản lý. Tương tự, Ban quản lý chợ Bà Chiểu cũng không thể quản lý đối với chợ tự phát chung quanh chợ. Theo Ban quản lý, chợ Bà Chiểu có 1.474 quầy, sạp kinh doanh đủ các ngành hàng. Trong khi chợ tự phát có gần gấp đôi số tiểu thương tham gia. “Chúng tôi đang triệt để lập lại trật tự vỉa hè ở khu vực quanh các xí nghiệp trên địa bàn. Dù rất khó dẹp 100% do số lượng các hộ kinh doanh tự phát rất đông, nhưng quận quyết tâm dẹp cho bằng được tình trạng nêu trên. Thật ra không phải chúng tôi không làm được nhưng cần phải có biện pháp xử lý căn cơ, như vận động các hộ vào chợ buôn bán, hỗ trợ họ có nơi kinh doanh ổn định chứ không phải cứ dẹp, dập” - đại diện Ban quản lý một chợ ở quận Tân Bình nói . Trưởng Ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho biết: Các chợ tự phát là vấn đề “đau đầu” trong công tác quản lý ATTP, bởi nếu hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, 236 chợ truyền thống đang dần đi vào chuẩn hóa thì ATTP tại hàng nghìn chợ tự phát trên địa bàn thành phố vẫn đang bị bỏ ngỏ.
 
 MỚI đây, UBND thành phố đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể để dẹp các chợ, điểm kinh doanh tự phát. Trước hết, cấp ủy, chính quyền, ban, ngành các địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ trật tự, mỹ quan đô thị, an toàn vệ sinh thực phẩm, quyền lợi người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng chủ động làm tốt công tác quản lý cán bộ, nhân viên, kiên quyết xử lý những người thiếu trách nhiệm hoặc cố tình bỏ qua cho các vi phạm của người dân tại các chợ, điểm kinh doanh tự phát lấn chiếm lòng, lề đường. Thành phố cũng lập các đoàn thanh tra, kiểm tra thực hiện những biện pháp xử lý dứt điểm các chợ, điểm kinh doanh tự phát, trả lại sự thông thoáng cho đường phố, tạo điều kiện để người dân đi lại thuận tiện, giảm tai nạn giao thông, giữ gìn mỹ quan đô thị, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chống hàng giả, hàng nhái.