Liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ

Liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú cho các tua du lịch dài ngày, làm mới các điểm đến. Sự liên kết này là tiền đề quan trọng để từng bước nâng chất lượng các điểm đến du lịch…

Du khách tham quan Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh.
Du khách tham quan Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh.

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ có lợi thế, tiềm năng tự nhiên với đồng bằng và bình nguyên rộng, có các sông lớn và dài, có nhiều hồ lớn và hệ sinh thái núi rừng đa dạng, là cái nôi của phong trào cách mạng trong các cuộc kháng chiến với nhiều di tích; có nhiều lễ hội văn hóa dân gian, các lễ hội tâm linh, tín ngưỡng cùng sự phong phú của ẩm thực… Tuy nhiên, những lợi thế này chưa được khai thác hiệu quả, lượt khách du lịch tương đối lớn nhưng phân bổ không đồng đều; tổng doanh thu từ du lịch còn thấp, chưa thu hút nhiều khách du lịch cao cấp; cơ sở vật chất còn thiếu; tính liên kết trong phát triển du lịch còn hạn chế, nhất là liên kết xúc tiến, quảng bá.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh, Lê Thanh Liêm cho rằng, việc kết nối giữa 17,8 triệu dân và 31 triệu lượt khách du lịch mỗi năm của vùng Đông Nam Bộ với gần 20 triệu dân và 40 triệu lượt khách của vùng đồng bằng sông Cửu Long thông qua đầu mối giao thương và giao thông là TP Hồ Chí Minh sẽ giúp mở rộng thị trường khách du lịch, tăng cơ hội đầu tư phát triển dự án, sản phẩm du lịch cho nhau; giúp TP Hồ Chí Minh thu hút khoảng 50% lượng khách quốc tế, đóng góp 25% doanh thu du lịch của cả nước.

Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trịnh Hàng, cần phối hợp tạo điều kiện để các hãng lữ hành nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc nhằm nâng cao hơn sức cạnh tranh. Việc cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng khả năng cạnh tranh của ngành du lịch trong dài hạn. Cần rà soát, điều chỉnh các quy hoạch hạ tầng như hệ thống cấp điện, nước, vệ sinh môi trường, thông tin liên lạc phục vụ cho các khu du lịch trọng điểm, nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các điểm, khu du lịch.

Từ kinh nghiệm của địa phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Phong cho biết, trong bối cảnh bình thường mới sau dịch Covid-19, cần truyền thông, xúc tiến quảng bá hình ảnh, gặp gỡ và đối thoại với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để có những biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư phát triển, mở rộng kinh doanh tạo đà phục hồi.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh Nguyễn Hồng Thanh cho hay, Tây Ninh nằm ở vị trí cầu nối giữa TP Hồ Chí Minh và thủ đô Phnôm Pênh, Vương quốc Cam-pu-chia. Tỉnh đang tập trung xây dựng môi trường du lịch thân thiện, một điểm đến an toàn cho du khách nhằm phát triển các sản phẩm du lịch tâm linh, lễ hội, lịch sử, sinh thái, văn hóa cộng đồng, văn hóa ẩm thực. Tây Ninh rất đồng tình với sáng kiến của TP Hồ Chí Minh về thực hiện liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ và đang áp dụng chính sách giảm giá từ 10 đến 30% đối với các dịch vụ du lịch.

Đại diện Tập đoàn Sun Group cho biết, chỉ riêng Khu du lịch Núi Bà Đen của Tây Ninh với chương trình kích cầu giảm giá vé cáp treo sâu, đã đón 84.682 lượt khách trong tháng 5-2020, tăng gần 26% so với cùng kỳ. Rõ ràng, việc tăng cường liên kết giữa các vùng, miền, địa phương, hướng tới hình thành sản phẩm du lịch đặc sắc, lôi cuốn, hấp dẫn du khách, trong đó có vùng Đông Nam Bộ là hết sức cần thiết, nhất là trong giai đoạn này.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước Đỗ Minh Trung đề nghị: “Tỉnh đã có tuyến du lịch quốc tế “Một ngày đi bốn nước” có điểm khởi hành từ tỉnh Bình Phước (Việt Nam) và điểm kết thúc là tỉnh U-bon Rat-cha-tha-ni (Thái-lan). Ngành du lịch các địa phương vùng Đông Nam Bộ cần đẩy mạnh trao đổi thông tin, hợp tác phát triển nhằm đa dạng các sản phẩm du lịch cho toàn tuyến vì mỗi địa phương đều có nét đặc sắc riêng, nếu cùng đưa vào chung một tua thì rất đa dạng, hấp dẫn du khách hơn”.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Mộng Bình cho hay, mô hình du lịch vườn trái cây tại thành phố Long Khánh đang phát triển mạnh, thu hút gần 5.000 người/ngày vào dịp cuối tuần trong mùa trái cây, góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao giá trị nông sản cho người dân. Đồng Nai rất muốn liên kết hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng…

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đề nghị, các tỉnh, thành phố khi thực hiện hoạt động quảng bá, tiếp thị thì quảng bá cho cả vùng, thay vì chỉ tiếp thị, giới thiệu riêng về điểm đến của địa phương mình. Điều này sẽ góp phần làm tăng tần suất tiếp thị, quảng bá du lịch của cả vùng ra thị trường quốc tế. TP Hồ Chí Minh đã có chương trình và sẽ đánh giá các khách sạn, điểm đến du lịch để nâng cấp đạt chất lượng quốc tế; đào tạo những người quản lý khách sạn, điểm đến du lịch và đào tạo nhân lực cho vùng. Các tỉnh, thành phố cần tăng cường liên kết kêu gọi đầu tư tư nhân, FDI vào hạ tầng du lịch; đẩy mạnh liên kết phát triển nguồn nhân lực của ngành. Du lịch vùng phải gắn với xu hướng du lịch thông minh và du lịch có trách nhiệm để phát triển bền vững…