Lan tỏa từ cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp

Qua hai lần tổ chức cuộc thi “Học sinh, sinh viên (HSSV) với ý tưởng khởi nghiệp”, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã nhận được gần 500 dự án đến từ các trường đại học, các trường trung học phổ thông (THPT) trong toàn quốc. Đến nay, trong số này, 70% số dự án đã có sản phẩm và 30% số dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử.

Trưng bày các dự án khởi nghiệp của sinh viên tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.
Trưng bày các dự án khởi nghiệp của sinh viên tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Tại cuộc thi "HSSV với ý tưởng khởi nghiệp" năm 2019, dự án mô hình Phòng thí nghiệm mở (Open Lab) của nhóm sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh giành giải nhì chung cuộc, chỉ xếp sau "chủ nhà" Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Open Lab vừa là phòng thí nghiệm vừa là nơi nghiên cứu những công nghệ mới, đồng thời là nơi chế tạo, chuyển giao công nghệ cho các đơn vị, doanh nghiệp (DN). Nhân sự của Open Lab phần lớn được các sinh viên của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đảm nhiệm để thực hiện các dự án chuyển giao cho DN. “Để một dự án khởi nghiệp đạt hiệu quả, trước tiên phải có ý tưởng tốt. Cùng với đó, tên của dự án khởi nghiệp phải gây sự chú ý và kế tiếp công tác truyền thông phải được đẩy mạnh để cho mọi người biết đến, để đưa dự án đến với xã hội, cộng đồng DN”, sinh viên Nguyễn Đào Xuân Hải, thành viên của nhóm Dự án Open Lab nói.
 
 TS Lê Hiếu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Cuộc thi "HSSV với ý tưởng khởi nghiệp" là một sân chơi hết sức ý nghĩa không chỉ đối với HSSV mà còn góp phần gắn kết giữa các cơ sở giáo dục đào tạo với DN, tạo cầu nối hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động GD và ĐT, khởi nghiệp. Trong thời gian qua, nhà trường rất chú trọng và tạo mọi điều kiện để cho SV khởi nghiệp. Cụ thể, trường đã tăng cường xây dựng các không gian khởi nghiệp sáng tạo, đẩy mạnh công tác hội nhập quốc tế, nghiên cứu khoa học… để thúc đẩy mọi ý tưởng sáng tạo của SV, giáo viên. Qua đó, SV nhà trường đi thi đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi khoa học - công nghệ, cuộc thi "HSSV với ý tưởng khởi nghiệp"… Đồng thời, SV nhà trường liên tục tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ có giá trị như Máy pha cà-phê JAVI, Rô-bốt Cô Ba...
 
 Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Hiện tại, nhiều dự án của HSSV đã được thành lập DN hoặc được các DN lớn mua lại để đưa vào sản xuất đại trà. Kết quả đó không lớn nhưng cũng đã tạo ra được điểm nhấn ban đầu đối với các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp dành cho các trường đại học và các bạn HSSV”. Tiếp tục hỗ trợ cho các HSSV có thêm tinh thần, động lực khởi nghiệp, mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ GD và ĐT phát động cuộc thi “HSSV với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ 3 - năm 2020 (SV-STARTUP 2020) với mong muốn tạo nên một sân chơi, bổ ích sáng tạo, thiết thực đối với HSSV trong toàn quốc. Đồng thời, hy vọng sức lan tỏa của cuộc thi là một động lực không nhỏ để thúc đẩy tinh thần, học tập rèn luyện của các bạn HSSV ở tất cả các ngành, các lĩnh vực từ bậc phổ thông đến bậc đại học.
 
 Cuộc thi SV-STARTUP-2020 gồm năm vòng thi: Vòng thi cơ sở, vòng thi bán kết, vòng đào tạo, vòng bình chọn, vòng chung kết. Thời hạn Ban tổ chức cuộc thi nhận hồ sơ dự thi từ các trường, các Sở GD và ĐT trước 12 giờ ngày 15-10. Vòng thi chung kết diễn ra trong hai ngày, từ ngày 18 đến 19-12 tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Về cơ cấu giải thưởng, đối với các dự án khởi nghiệp của SV: Một giải nhất với tiền thưởng 60 triệu đồng bằng tiền mặt, gói hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ triển khai dự án trị giá 115 triệu đồng và cơ hội tham gia đàm phán để nhận đầu tư số tiền 40.000 USD. Hai giải nhì, mỗi giải gồm 40 triệu đồng bằng tiền mặt và cơ hội đầu tư từ các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp. Ba giải ba và bốn giải khuyến khích. Đối với các dự án khởi nghiệp của học sinh trung học cơ sở, THPT: Một giải nhất với tiền thưởng 30 triệu đồng và cơ hội đầu tư từ các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp. Hai giải nhì, ba giải ba và ba giải khuyến khích.
 
 Từ năm 2016, với mong muốn đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng toàn diện hơn. Trong các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, các trường đại học nói riêng và ngành giáo dục nói chung có một vai trò hết sức quan trọng. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30-10-2017 về việc phê duyệt đề án "Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025". Mục tiêu của đề án là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho HSSV trong thời gian học tập tại các nhà trường. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ HSSV hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp.
 
 Cũng theo ông Nguyễn Hữu Độ, để hỗ trợ HSSV khởi nghiệp, đối với các trường phổ thông cần triển khai đồng bộ ba nhiệm vụ chính: Xây dựng các chương trình truyền cảm hứng cho HS; tổ chức các hoạt động đào tạo giúp HS có các kiến thức cơ bản về khởi nghiệp; tạo môi trường trải nghiệm giúp HS có thể ứng dụng các kiến thức hình thành các dự án khởi nghiệp. Đối với các trường đại học cần có lộ trình từng bước triển khai các nội dung: Xây dựng và tạo cơ chế chính sách, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp của SV phù hợp với đặc điểm của từng trường; xây dựng nội dung, chương trình đào tạo về khởi nghiệp chính khóa hoặc ngoại khóa; bố trí cơ sở vật chất, hình thành các không gian khởi nghiệp trong cơ sở đào tạo phù hợp với các nhóm ngành đào tạo; bố trí đội ngũ cán bộ đủ mạnh để hỗ trợ toàn diện các hoạt động khởi nghiệp của SV từ việc tư vấn, hình thành ý tưởng đến việc kết nối với các hoạt động triển khai dự án, ý tưởng khởi nghiệp… Cùng với đó, nhà trường cần có các hoạt động kết nối với DN, kết nối nguồn lực từ các cựu SV và nhất là sớm nghiên cứu và xây dựng các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cấp trường để tiến hành sản xuất thử, triển khai thí điểm các dự án khởi nghiệp.