Lại chuyện sử dụng điện thoại của học sinh

Thông tư 32 ban hành điều lệ trường trung học cơ sở (THCS), trường trung học phổ thông (THPT) và trường phổ thông có nhiều cấp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) sẽ có hiệu lực từ ngày 1-11 với nhiều điểm mới, đón nhận sự quan tâm từ dư luận. Thế nhưng, thông tin liên quan việc sử dụng điện thoại di động của học sinh trong môi trường học đường đang ghi nhận những ý kiến trái chiều.

Việc ứng dụng công nghệ hợp lý sẽ giúp học sinh tiếp thu được nhiều kiến thức mới và có thêm trải nghiệm thú vị khi đến trường. Trong ảnh: Học sinh THPT thành phố Hồ Chí Minh trải nghiệm thiết bị công nghệ hỗ trợ giáo dục của Bộ GD và ĐT.
Việc ứng dụng công nghệ hợp lý sẽ giúp học sinh tiếp thu được nhiều kiến thức mới và có thêm trải nghiệm thú vị khi đến trường. Trong ảnh: Học sinh THPT thành phố Hồ Chí Minh trải nghiệm thiết bị công nghệ hỗ trợ giáo dục của Bộ GD và ĐT.

Điều 37 của Thông tư 32 nói về các hành vi học sinh không được làm. Theo đó, mục 4 của điều này ghi rõ hành vi học sinh không được làm là “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Ngay lập tức, nội dung này nhận về luồng ý kiến đa chiều từ dư luận, nhất là đông đảo phụ huynh có con đang theo học tại các trường THCS, THPT. Đứng ở góc độ của nhà nghiên cứu giáo dục, bà Lê Thị Ngọc Nhẫn, Phó Viện trưởng Khoa học giáo dục Nam Việt cho rằng, về thực chất, Thông tư 32 lần này của Bộ GD và ĐT chỉ “nới lỏng” một chút so với thông tư trước kia về việc sử dụng điện thoại di động và các thiết bị công nghệ. Như vậy, thay vì tuyệt đối cấm học sinh sử dụng điện thoại di động thì giờ đây học sinh sẽ được sử dụng loại phương tiện này phục vụ việc học khi có sự cho phép của giáo viên. “Tôi thấy quy định này rất bình thường, chỉ “mở” so với trước kia một chút và đưa ra điều kiện để học sinh được phép sử dụng điện thoại trong lớp. Theo tôi việc này không quá khó để giáo viên lo lắng. Lúc này, điện thoại di động sẽ trở thành dụng cụ học tập, hỗ trợ tra cứu thông tin nên tôi tin giáo viên có thể kiểm soát được. Chúng ta đang khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin nên việc học sinh dùng điện thoại di động tra cứu thông tin dưới sự hướng dẫn, quản lý của giáo viên trong giờ học không có gì quá khó hiểu. Vấn đề là các trường phải có quy định cụ thể về việc này và giáo viên mỗi lớp có đủ kỹ năng quản lý, kiểm soát học sinh. Chúng ta đưa ra những quy định cụ thể, yêu cầu học sinh tuân theo, có thể xử phạt những hành vi sử dụng điện thoại sai mục đích”, bà Nhẫn phân tích. 

Theo bà Nhẫn, điều quan trọng nhất là giáo viên, nhà trường giải thích rõ cho học sinh hiểu không cấm không có nghĩa là được dùng tự do tùy sở thích mà chỉ dùng khi giáo viên yêu cầu. Muốn giảm bớt áp lực quản lý, giáo viên cần dặn trước cả lớp bài học cần sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin. Giáo viên sẽ là người tìm hiểu trước các đường link, trang, mục cần truy cập và ghi rõ lên bảng để học sinh vào đúng chỗ, tìm đúng nguồn được yêu cầu. Ngoài việc tra cứu thông tin để làm bài tập nhóm, hỗ trợ quá trình học tập, việc sử dụng điện thoại trong nhà trường là không được phép. 

Trong phần diễn giải của mình với báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học, Bộ GD và ĐT cho biết, trong Thông tư 32 không ghi câu “cho phép sử dụng điện thoại trong lớp để phục vụ học tập”. Như vậy, Điều 37 của Thông tư 32 vừa được ban hành có thể hiểu là trong trường hợp cụ thể nào đó, ở một hoạt động cụ thể mà thầy, cô giáo thấy việc học sinh sử dụng điện thoại đáp ứng tốt cho việc khai thác các tư liệu học tập thì giáo viên có thể cho phép. Như vậy, về phần lớn thời gian thì học sinh vẫn không được sử dụng điện thoại ở trường, chỉ được sử dụng khi nào giáo viên thấy cần thiết và cho phép học sinh. Tán thành quy định này, ông Phạm Thái Sơn, một phụ huynh có hai con đang theo học bậc THCS tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây là bước thay đổi tiến bộ, điều rất cần trong giai đoạn hiện nay. Ông Sơn nói, nếu nhà trường và giáo viên làm tốt việc định hướng, quản lý thì việc sử dụng điện thoại di động trong lớp không quá đáng lo. Điều phụ huynh lo là việc quản lý chỉ là hình thức rồi mặc học sinh muốn làm gì thì làm. “Theo tôi, tại mỗi lớp cần có khu vực để điện thoại di động của học sinh để vừa bảo đảm an toàn, vừa siết chặt mục đích sử dụng. Chỉ khi giáo viên yêu cầu, học sinh mới sử dụng điện thoại di động tra cứu thông tin giúp tiết học sống động, phong phú thông tin hơn. Tuy sẽ vất vả hơn một chút nhưng nếu giáo viên chịu khó, có kỹ năng quản lý và hiểu biết về công nghệ, theo tôi việc quản học sinh dùng điện thoại không quá phức tạp. Học sinh bậc THCS, THPT cũng lớn rồi và các em sẽ biết điểm dừng nếu nhà trường có các quy định thật nghiêm liên quan đến nội dung này”, ông Sơn nói.

Trong khi đó, mấy ngày nay, khi nghe dư luận xôn xao về việc nên hay không nên cho học sinh sử dụng điện thoại di động, chị Nguyễn Thị Hồng, một giáo viên tiểu học tại quận 2 cũng hơi băn khoăn. Chị nói, việc này nói thì dễ nhưng khi triển khai sẽ có nhiều tình huống phát sinh khó lường trước, vì vậy, áp lực của nhà trường và giáo viên là không hề nhỏ. Tuy nhiên, về hướng tích cực, chị Hồng cho biết vẫn ủng hộ điểm mới này của Thông tư 32. Chị cho biết, chị cũng có con học tiểu học và mỗi ngày thường cho bé sử dụng điện thoại hoặc máy tính để nghe tiếng Anh, chơi vài trò chơi giải trí tầm 15 đến 20 phút trong sự kiểm soát của ba mẹ. “Tôi thấy việc đó không có gì đáng ngại và con tuân thủ đầy đủ các cam kết đã đề ra. Tại các trường học bây giờ, việc sử dụng công nghệ để khóa/chặn các phần mềm, ứng dụng không còn quá khó khăn nên nếu làm kỹ chúng ta sẽ loại được khả năng học sinh lạm dụng điện thoại di động, xao nhãng việc học. Nhưng theo tôi các trường và cả giáo viên cần có thời gian chuẩn bị để đưa ra nhiều tình huống trước khi áp dụng vào thực tế. Giáo viên trẻ còn dễ quản lý chứ giáo viên cao tuổi phải kiểm soát hết mấy chục học sinh rành hơn cô về công nghệ thì e rằng rất khó. Sau cùng, chúng tôi vẫn trông chờ vào ý thức chấp hành của học sinh. Chỉ khi các em tuân thủ các quy định, biết đâu là điểm dừng thì việc sử dụng điện thoại di động trong tiết học mới bài bản và hiệu quả thực sự”, chị Hồng lý giải.

Vẫn còn ý kiến đa chiều về vấn đề này nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, từ đây đến ngày Thông tư 32 có hiệu lực, các trường cần có sự định hướng cụ thể với giáo viên và đưa ra những quy định khắt khe để siết chặt việc sử dụng điện thoại di động ngay cả trong mục đích học tập. Đến khi nào nhà trường bảo đảm được độ an toàn với thông tin truy cập từ chiếc điện thoại thông minh mà học sinh mang đến giờ học, phụ huynh mới thật sự an tâm. Và khi đó, điện thoại di động mới phát huy thế mạnh hỗ trợ tra cứu thông tin, bổ sung kiến thức của mình.