Kỳ vọng giải pháp mới trong cải tạo chung cư cũ

Sau hơn bốn năm triển khai, chương trình cải tạo chung cư cũ tại TP Hồ Chí Minh mới đạt 1% so với kế hoạch đề ra, gây nhiều lo lắng cho người dân. Trước thực trạng này, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư nhằm tạo chuyển biến mới cho chương trình.

Chung cư Nguyễn Kim (quận 10), một trong những dự án chung cư cũ hiếm hoi được xây dựng mới.
Chung cư Nguyễn Kim (quận 10), một trong những dự án chung cư cũ hiếm hoi được xây dựng mới.

Chung cư Ngô Gia Tự (quận 10) được xây dựng từ năm 1968 nay đã xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa sự an toàn của người dân cư ngụ tại đây. Tuy nhiên, sau nhiều năm khởi động các kế hoạch xây dựng mới, đến nay, việc di dời, hỗ trợ, tái định cư cho người dân vẫn chưa hoàn thành.

Tương tự, chung cư Trúc Giang (quận 4) được xếp loại D (cấp nguy hiểm) có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Năm 2019, đã chọn được chủ đầu tư xây dựng mới. Sau khi xây dựng mới, người dân sẽ được bố trí tái định cư tại chỗ theo tỷ lệ quy đổi 1 m2 sàn căn hộ cũ sẽ được tái định cư bằng 1,1 m2 sàn căn hộ mới. Nếu ai không có nhu cầu ở chung cư thì bán lại cho chủ đầu tư với giá 27,5 triệu đồng/m2. Trong tổng số 123 hộ đang ở chung cư thì đã có 119 hộ đồng thuận, dọn đến nơi tạm cư, tuy nhiên do còn vướng bốn hộ không đồng tình cho nên suốt một năm qua dự án này vẫn giẫm chân tại chỗ.

Các chung cư như: lô A, B, C cư xá Vĩnh Hội (quận 4); chung cư 155 - 157 Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão (quận 1)… cũng rơi vào tình cảnh không thể xây dựng mới do không đạt được sự thống nhất, đồng thuận của 100% hộ dân…

Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, theo kế hoạch, giai đoạn 2016 - 2020, thành phố sẽ cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới 237 chung cư (chiếm 50%) trong số 474 chung cư có trước năm 1975 bị xuống cấp, hư hỏng. Trong đó, 15 chung cư cấp D phải di dời, tháo dỡ, đầu tư xây dựng mới. Tuy nhiên, đến nay chỉ có hai chung cư cũ hoàn thành xây mới; ba chung cư với khoảng 2.000 căn hộ đang thi công dang dở. Nguyên nhân chính là do vướng một số khó khăn về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng như: Ðối với chung cư không phải cấp D phải có sự đồng thuận của 100% hộ dân; còn ít cơ chế ưu đãi nhà đầu tư; chưa phân cấp, phân quyền nhiều cho quận, huyện trong việc đầu tư, xây mới chung cư cũ...

Trước những bế tắc nêu trên, TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Xây dựng tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định số 101/2015/NÐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 20-10-2015 (có hiệu lực ngày 10-12-2015) về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Hướng đề xuất là: Nếu Nhà nước đầu tư xây mới chung cư cũ hư hỏng nặng, nguy hiểm cho người ở thì chỉ cần 50% số chủ sở hữu chung cư đồng ý; Nhà nước sẽ cưỡng chế di dời các hộ còn lại (không đồng ý) để triển khai dự án. Thành phố cũng kiến nghị chỉ bồi thường, tái định cư trong xây dựng, cải tạo lại chung cư bằng căn hộ chung cư chứ không bồi thường bằng tiền. Trường hợp có từ 50% số chủ sở hữu chấp thuận phương án Nhà nước đưa ra, số hộ còn lại không đồng ý thì Nhà nước sẽ cưỡng chế di dời để xây mới. Những chủ căn hộ bị cưỡng chế chỉ nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ bằng giá trị trung bình của các chủ sở hữu đã chấp thuận.

Ngoài ra, UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung vào dự thảo nghị định mới nội dung quy định về tỷ lệ đồng thuận của các chủ sở hữu tại hội nghị nhà chung cư để lựa chọn chủ đầu tư đối với chung cư có kết luận kiểm định cấp C là 80%. Ðây là tỷ lệ đồng thuận để lựa chọn chủ đầu tư chứ không phải là tỷ lệ đồng thuận để tháo dỡ xây dựng lại nhà chung cư…

Nhiều chuyên gia xây dựng cho rằng, kiến nghị của thành phố nếu được chấp thuận sẽ là lối ra cho tình trạng nhiều chung cư cũ có nguy cơ đổ sập mà không thể phá bỏ để xây dựng lại chỉ vì theo quy định hiện hành việc cải tạo, xây mới chung cư cũ phải được sự đồng thuận của 100% chủ sở hữu. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh, cần bổ sung "Chỉ tiêu quy hoạch về dân số" vào nghị định mới theo hướng tạo điều kiện cho nhà đầu tư dự án xây dựng lại chung cư cũ, vừa bảo đảm đủ quỹ nhà để thực hiện tái định cư tại chỗ, kể cả tái định cư các hộ khẩu ghép, vừa có thêm căn hộ để kinh doanh, thu hồi vốn và có lãi hợp lý.

Cùng với đó, ban hành các chính sách ưu đãi miễn tiền sử dụng đất dự án xây dựng lại chung cư cũ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực này nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước…