Kinh tế tuần hoàn, nền tảng phát triển bền vững

Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) thuộc Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP Hồ Chí Minh vừa được thành lập là một trung tâm nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao giải pháp khoa học - công nghệ, chính sách trong phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại Việt Nam trên nền tảng một hệ sinh thái Doanh nghiệp - Chính phủ - Đại học, giữ vai trò kết nối nền KTTH của thế giới với Việt Nam và ngược lại…
 

Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh ra mắt Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn.
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh ra mắt Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn.

Theo PGS, TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng ICED, khái niệm KTTH dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống. Nền KTTH chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và trong phạm vi này, là các mô hình kinh doanh. 

Nói một cách đơn giản, KTTH là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác, hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. KTTH góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm ô nhiễm môi trường. 

Tại nước ta, ICED xuất phát từ ý tưởng muốn kết hợp nguồn lực của Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh và doanh nghiệp trong nước nhằm đưa ra giải pháp, gợi ý chính sách cho Chính phủ giải quyết các vấn đề liên quan phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường theo định hướng của Đảng và Nhà nước. 

Áp dụng chính sách KTTH, trước nhất là làm thay đổi chất lượng môi trường sống, do đặc tính của KTTH là biến rác thải của ngành này thành nguồn tài nguyên của ngành kia, đồng thời góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu. Tiếp đến, mô hình kinh tế này giúp tìm kiếm và phát triển công nghệ mới để sử dụng các nguồn tài nguyên thay thế cho nguyên liệu thô và năng lượng hóa thạch. Bên cạnh đó, KTTH giúp Việt Nam tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất. 

Mô hình KTTH sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế. Mô hình này tạo ra các cơ hội kinh tế, nhất là đối với doanh nghiệp và nhà khoa học trong hoạt động thiết kế, tái chế và sáng tạo. Việc giải quyết các vấn đề liên quan tình trạng khan hiếm nguyên liệu, sử dụng năng lượng bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất rác thải trong từng công đoạn của vòng đời sản phẩm, tái sử dụng nguyên vật liệu có sẵn… đòi hỏi sự đầu tư đáng kể về nguồn nhân lực khoa học có trình độ, góp phần làm tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế. 

Theo chia sẻ của PGS,TS Nguyễn Hồng Quân, để phát triển KTTH, nước ta đang gặp nhiều thách thức, tập trung chủ yếu ở các khâu:  Nhận thức - hợp tác - đổi mới - công nghệ - chính sách. Thách thức lớn nhất hiện nay là làm thay đổi nhận thức của người dân và doanh nghiệp về mô hình và giá trị của KTTH. Việc nhận thức đúng bản chất của KTTH bắt đầu từ khâu thiết kế đến triển khai trong tất cả ngành, lĩnh vực. Điều này phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và chính sách của Nhà nước. 

Việt Nam là nước đang phát triển nhưng phần lớn các công nghệ đều lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ cho nên khó tối ưu hóa dây chuyền sản xuất để giảm thấp nhất các rủi ro hoặc thay đổi nguyên liệu như mong muốn. Nước ta hiện chưa có đủ hành lang pháp lý cho phát triển KTTH dễ dẫn đến một nền KTTH mang tính tự phát và manh mún. Việt Nam chưa có bộ tiêu chí nhận diện, đánh giá và phân loại chính xác mức độ phát triển của KTTH. Do vậy, thiếu thông tin để biết được nền kinh tế chúng ta đang nằm ở đâu trong quá trình phát triển KTTH. Chúng ta chưa có đội ngũ chuyên gia giỏi về thiết kế, tái chế, tái sử dụng…

Với những mục tiêu đã xác định, trước mắt, ICED sẽ hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, xây dựng chiến lược phát triển và hình thành các nhóm nghiên cứu; kết nối doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và cộng đồng khoa học (trong nước và quốc tế) trong nghiên cứu các giải pháp công nghệ, đổi mới sáng tạo và tư vấn chính sách phát triển KTTH. Thời gian tới, ICED sẽ triển khai từ 15 đến 20 đề tài nghiên cứu khoa học, dự án liên quan đến KTTH, phục vụ nhu cầu và xu hướng phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Chuyển giao từ 5 đến 10 công nghệ về KTTH cho doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, nhất là ở TP Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm phía nam và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. ICED cũng sẽ thực hiện các báo cáo khoa học và công bố quốc tế liên quan KTTH; tổ chức từ 5 đến 10 lớp bồi dưỡng kiến thức về KTTH cho các nhóm đối tượng khác nhau nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng…