Khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có khoảng 6.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Năm 2019, thành phố đặt mục tiêu phát triển thêm 20.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Để đạt mục tiêu, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn để tuyên truyền sâu rộng về quyền lợi, khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Người dân làm thủ tục tại cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Người dân làm thủ tục tại cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn thành phố, gồm 14 thành viên, do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Thanh Liêm làm trưởng ban. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là xây dựng quy chế hoạt động theo định hướng phân công nhiệm vụ cụ thể và gắn trách nhiệm phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN với từng thành viên; tham mưu, đề xuất với UBND thành phố xây dựng kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; kiểm tra đôn đốc, đánh giá và hướng dẫn về công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN. BHXH thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo, định kỳ sáu tháng, hằng năm báo cáo kết quả thực hiện với Ban Chỉ đạo.

Từ sự vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền của các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, người dân thành phố đã quan tâm đến BHXH tự nguyện. Tại quận 1, BHXH quận tổ chức gặp gỡ trực tiếp tiểu thương các chợ Bến Thành, Dân Sinh… gọi mời tham gia BHXH tự nguyện; gặp các Ban điều hành khu phố, tổ trưởng tổ dân phố để phối hợp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Chị Nguyễn Thị Lan (ngụ quận 1) chia sẻ: Chị từng đi làm và tham gia BHXH bắt buộc tại doanh nghiệp được gần mười năm. Giờ đây, chị Lan ở nhà làm nội trợ và kinh doanh, buôn bán nhỏ. Chị Lan không rõ bây giờ có thể tham gia BHXH tự nguyện và dùng sổ BHXH trước đây để đóng tiếp, cộng dồn thời gian được không? Bà Lê Thị Hồng Thu (43 tuổi, tiểu thương chợ Bến Thành, quận 1) sau khi dự buổi tư vấn về BHXH tự nguyện, đã gặp cán bộ BHXH để hỏi rõ thêm về cách đóng, các quyền lợi được hưởng. “Tôi đã nghe về BHXH tự nguyện và thành phố đang khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện nhưng chưa rõ bản thân mình thì nên tham gia thế nào? Tôi mong muốn tham gia BHXH tự nguyện để về già có lương hưu, chủ động cuộc sống”, bà Thu chia sẻ.

Tại quận 5, BHXH quận phối hợp, mời chị em phụ nữ tới trao đổi các vấn đề về BHXH, BHYT. Vừa hoàn tất hồ sơ tham gia BHXH tự nguyện, chị Lê Ngọc Hân (ngụ quận 5) cho biết, mức thu nhập mà chị chọn tham gia BHXH tự nguyện là 3,4 triệu đồng. Như vậy, mỗi tháng chị bỏ ra hơn 730.000 đồng đóng BHXH tự nguyện. Chị Hân vui vẻ: “Đây là mức tôi có thể bỏ ra đóng được, coi như một khoản tiết kiệm để 20 năm nữa, về già được hưởng lương hưu. Có lương hưu, sẽ tự chủ hơn, không phải phiền phức đến con cái nhiều khi tuổi cao”. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (ngụ phường 4, quận 5) lo ngại: “Nếu 55 tuổi, đến tuổi về hưu mà vẫn chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì làm sao để được hưởng lương hưu”? Bà Thúy cũng băn khoăn không rõ khi người dân tham gia BHXH tự nguyện thì Nhà nước có hỗ trợ gì không?

Để giải đáp những thắc mắc nêu trên, Phó Trưởng phòng Khai thác thu nợ, BHXH thành phố Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết: Người dân có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện tại đại lý thu (UBND xã, phường); đại lý thu Bưu điện hoặc BHXH quận, huyện trên địa bàn thành phố. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Khi tham gia BHXH tự nguyện, người dân được hưởng lương hưu khi thỏa mãn điều kiện: Nam từ đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 55 tuổi và đủ 20 năm đóng BHXH trở lên. “Khi về hưu còn được cấp thẻ BHYT và mức thanh toán chỉ 5% thay vì 20% khi tham gia BHYT hộ gia đình. Người thân cũng được hưởng tử tuất nếu người đóng không may qua đời. Hoặc, người dân được hưởng chế độ BHXH một lần nếu không đủ điều kiện hưu trí hoặc muốn nhận sớm”, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh chia sẻ.

Về mức đóng, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết, mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng lựa chọn đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng/tháng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (27,8 triệu đồng). Luật BHXH quy định từ ngày 1-1-2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Theo đó, các đối tượng thuộc diện hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 30%, hộ cận nghèo là 25%, và các đối tượng khác là 10%. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (hiện nay mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn là 700.000 đồng, được hỗ trợ 46.200 đồng đối với hộ nghèo, 38.500 đồng đối với hộ cận nghèo, 15.400 đồng đối với các hộ còn lại). Về phương thức đóng, Giám đốc BHXH quận 5 Lâm Phong cho biết: Người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng hằng tháng, ba tháng, sáu tháng, 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá mười năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng ngay lương hưu.