Khơi nguồn sáng tạo

Suốt 45 năm qua, TP Hồ Chí Minh luôn là một trong những cái nôi khởi nguồn của nhiều phong trào thi đua yêu nước sáng tạo. Các phong trào thi đua mang tính đột phá đã ra đời, phát huy được sức mạnh của của toàn xã hội, trở thành động lực, đòn bẩy cho thành phố vượt qua nhiều thách thức để vươn lên…

Các điển hình tiên tiến giao lưu tại Đại hội Thi đua yêu nước TP Hồ Chí Minh lần thứ 7 (2020 - 2025).
Các điển hình tiên tiến giao lưu tại Đại hội Thi đua yêu nước TP Hồ Chí Minh lần thứ 7 (2020 - 2025).

“Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020 là phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động. Hưởng ứng phong trào này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Hơn 40 năm trước, các hoạt động “xóa đói, giảm nghèo” xuất hiện tại thành phố đã nhanh chóng trở thành phong trào rộng lớn, lan tỏa khắp cả nước. Vào thời điểm khó khăn ấy, phong trào “xóa đói, giảm nghèo” đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, làm thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình kém may mắn trên địa bàn thành phố. Thành phố cũng là nơi khởi đầu những phong trào mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp như xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, chăm lo gia đình chính sách.

Sau ba năm thực hiện (2016 - 2018), chương trình “Giảm nghèo bền vững” đã hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 10 về “giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn chương trình “Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 - 2020 bình quân 1%/năm” và tiếp tục triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững hai năm 2019, 2020. Từ phong trào thi đua “Giảm nghèo bền vững”, thành phố đã thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng; hoạt động của hệ thống an sinh xã hội được bảo đảm, góp phần chăm lo những người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.

Không chỉ thực hiện tốt, hiệu quả các phong trào thi đua do Trung ương phát động, TP Hồ Chí Minh còn phát động nhiều phong trào thi đua mang lại hiệu quả thiết thực cho công cuộc xây dựng và phát triển thành phố. Các phong trào thi đua: “Giảm ô nhiễm môi trường”, “Cải cách hành chính”, “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, “Thanh niên thành phố khởi nghiệp - lập nghiệp”; phong trào thi đua “Dân vận khéo”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”… đã không ngừng lan rộng, đi vào chiều sâu, phát huy được sức mạnh cộng đồng.

Từ cuối năm 2018, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về thực hiện cuộc vận động “Người dân không xả rác ra đường và kênh, rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Thực hiện cuộc vận động này, đến nay, toàn thành phố đã giảm 715 trong số 747 điểm tồn đọng rác gây ô nhiễm môi trường; trang bị thêm hơn 34.000 thùng rác công cộng; xã hội hóa lắp đặt, bổ sung hơn 28.000 ca-mê-ra an ninh kết hợp giám sát chất lượng vệ sinh môi trường trên đường phố và dọc các tuyến kênh, rạch; có hơn 2.000 công trình, mô hình của quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các tổ chức chính trị - xã hội đưa vào thực hiện góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Thành phố cũng đã chỉ đạo các địa phương kết hợp thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU với phong trào thi đua 200 ngày chào mừng đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đến tháng 5-2020, thành phố có 190 phường, xã, thị trấn đạt danh hiệu “Phường - xã - thị trấn không xả rác ra đường và kênh, rạch”, đạt tỷ lệ 59%.

Từ các phong trào thi đua yêu nước, nhiều tấm gương tiêu biểu, nhiều nhân tố mới, nhiều điển hình tập thể, cá nhân với hàng nghìn sáng kiến, giải pháp hữu ích trên hầu hết các lĩnh vực đã xuất hiện, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Điển hình như tập thể y, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Nhân dân 115. Từ một cơ sở y tế chỉ với 200 giường bệnh, 200 nhân viên, trang thiết bị cũ kỹ, sau 30 năm nỗ lực phấn đấu, Bệnh viện Nhân dân 115 đã trở thành bệnh viện đa khoa hạng I tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật của ngành y tế thành phố với 2.500 công chức, viên chức, người lao động; 1.600 giường bệnh, 33 khoa lâm sàng, cận lâm sàng, 10 phòng chức năng và hai đơn vị trực thuộc Ban Giám đốc. Bác sĩ Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, bệnh viện đã thành lập trung tâm đột quỵ đầu tiên của Việt Nam. Năm 2019 vừa qua, bệnh viện trở thành trung tâm đột quỵ đầu tiên của châu Á đạt kỷ lục “Chuẩn vàng điều trị đột quỵ của châu Âu và Hội đột quỵ thế giới”. Bệnh viện cũng là nơi đầu tiên trên cả nước áp dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID của Đại học Stanford (Mỹ), mở ra cơ hội vàng cho người bệnh đột quỵ đến muộn.

Hay nhiều cá nhân là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua như cô giáo Phạm Thị Thanh Nhung có những đóng góp cho ngành giáo dục thành phố; “vua bánh mì” Kao Siêu Lực, ông chủ tạo ra bánh mì thanh long giải cứu trái cây cho nông dân trong thời gian dịch Covid-19; là kỹ sư Tống Hữu Châu, người đưa cá koi Việt Nam ra thị trường quốc tế, nghiên cứu sinh với đam mê sáng tạo Hoàng Trung Hiếu…, đã đóng góp những giá trị thiết thực cho sự phát triển của thành phố…

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, khẳng định: “Chỉ có thi đua, chúng ta mới tạo ra sự đột phá và huy động được nguồn lực to lớn của xã hội để phát triển. Qua thi đua, chúng ta mới hình thành được môi trường tốt cho đổi mới sáng tạo. Do đó, thành phố sẽ tiếp tục tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phong trào thi đua yêu nước trở thành một xu hướng chủ đạo của xã hội”.

Với tinh thần thi đua ấy, cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân TP Hồ Chí Minh cùng đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 10, góp phần xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành một thành phố thông minh, đô thị sáng tạo, có chất lượng sống tốt, xứng đáng là thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu…