Khởi nghiệp vì cộng đồng

Với nhiều bạn trẻ, khởi nghiệp không chỉ để kiếm tiền, mà đó còn là cách để họ tạo ra những giá trị tốt đẹp góp phần cải thiện đời sống cộng đồng xã hội. Chọn khởi nghiệp xã hội đòi hỏi các bạn trẻ phải thật sự kiên trì cùng quyết tâm cao độ.

Dự án vì cộng đồng của Bobi Craft đã tạo việc làm cho 400 phụ nữ khắp cả nước, kể cả người khuyết tật.
Dự án vì cộng đồng của Bobi Craft đã tạo việc làm cho 400 phụ nữ khắp cả nước, kể cả người khuyết tật.

Tỉ mẩn hướng dẫn, chỉnh sửa từng sản phẩm cho nhân viên, Nguyễn Trần Vân Thủy (32 tuổi), chủ nhân Bobi Craft, cơ sở chuyên làm thú nhồi bông xuất khẩu ở quận 12 cảm thấy yêu thích hơn công việc của mình đã chọn.

Là du học sinh ở Anh, một lần về nước nghỉ hè, Vân Thủy mua chìa khóa móc bằng len của những em nhỏ bán dạo, trong đầu cô lóe lên ý tưởng sản xuất và kinh doanh sản phẩm thủ công, vừa giới thiệu sản phẩm làm bằng tay, vừa tạo công ăn việc làm cho phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật… Vân Thủy và nhóm bạn của mình hỏi thăm, tìm gặp những thợ lành nghề để học hỏi, mời họ cùng tham gia dự án của mình. Thời gian đầu họ gặp muôn vàn khó khăn do thiếu vốn, ít kinh nghiệm. Vừa làm vừa chỉnh sửa, dần dần, những "đứa con tinh thần" cũng thành hình. Ngay từ đầu, Vân Thủy đã đặt mục tiêu xuất khẩu, do vậy sản phẩm đều làm theo tiêu chuẩn quốc tế từ chất liệu đến mẫu mã, nhất là phải tuyệt đối an toàn với sức khỏe.

Hiện, sản phẩm thú nhồi bông của Vân Thủy đã xuất khẩu đến hơn 10 nước trên thế giới, mở được chi nhánh tại Anh và Xin-ga-po. Quan trọng hơn, Vân Thủy đã biến ước mơ thành hiện thực khi cô tạo được việc làm cho hơn 400 phụ nữ ở khắp mọi miền đất nước. Người khuyết tật cũng có việc làm với thu nhập ổn định tại xưởng sản xuất ở TP Hồ Chí Minh. "Ðó chính là lý do tôi về nước để khởi nghiệp. Kiếm được tiền rất vui, nhưng giúp cho những người khác cùng có tiền, có cuộc sống vui tươi thì mình còn vui hơn", Vân Thủy chia sẻ.

Nhớ lại lý do bỏ việc làm có thu nhập cao để khởi nghiệp với Vexere.com, Trần Nguyễn Lê Văn (34 tuổi, ngụ quận Tân Bình) kể, những dịp lễ, Tết, anh thường thấy cảnh người dân vất vả chen lấn tại các bến xe để mua vé, từ đó, anh lên kế hoạch cho một mô hình đặt vé xe trực tuyến. Khác với kiểu bán vé truyền thống bằng cách mua trực tiếp tại bến xe hoặc thông qua đại lý, website này cho phép người dùng tìm và đặt mua trực tuyến của nhiều hãng xe. Hành khách có thể chọn vị trí, ghế ngồi phù hợp nguyện vọng. Giá vé linh hoạt với thị trường theo mùa. Người dùng cũng có thể mua hoặc thanh toán vé xe qua hệ thống các cửa hàng tiện lợi hay những địa điểm có liên kết với Vexere.

Ðến nay, Vexere.com đã trở thành website bán vé xe khách trực tuyến hàng đầu Việt Nam với 1,5 triệu người truy cập mỗi tháng; hơn 100 hãng xe với nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi tham gia. Năm 2019, Vexere huy động được 12.000 vé xe miễn phí tặng sinh viên nhập học. "Càng cho nhiều thì càng nhận được nhiều. Dự án của mình giúp được nhiều người, được cộng đồng hỗ trợ thì mình càng cố gắng, nỗ lực nhiều hơn…", Trần Nguyễn Lê Văn cho biết.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Hưng, mô hình doanh nghiệp xã hội sẽ là một cơ hội lớn cho những bạn trẻ đang nung nấu giấc mơ trở thành "người làm chủ". Ðây là mô hình sẽ trở thành xu hướng thịnh hành tại Việt Nam. Có rất nhiều vấn đề để doanh nghiệp vì cộng đồng quan tâm, như sự tăng trưởng nhanh dẫn đến các vấn đề xã hội gia tăng; sự lạm dụng quá mức nguồn tài nguyên; tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; tỷ lệ thất nghiệp cao; gánh nặng về chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội; an toàn thực phẩm…

Khởi nghiệp vốn đã khó, kinh doanh là việc khó khăn, kinh doanh vì cộng đồng còn gian nan hơn. Nó đòi hỏi sự dấn thân, ý tưởng phải thật sự khác biệt, chưa kể sự đầu tư về tiền bạc cũng như thời gian, công sức rất nhiều. Thêm vào đó, thị trường mà các doanh nghiệp vì xã hội bước vào chưa chắc rõ ràng như các sản phẩm dịch vụ thường thấy.

Ðã từng hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty VietFood Lê Thị Lâm cho rằng, ý thức về khởi nghiệp của các bạn trẻ hiện nay rất khác. Họ không còn coi thương trường là chiến trường như trước mà đã theo đuổi chiến lược "đại dương xanh" rất nhiều, tức là các bạn đã biết hợp tác với nhau rất chặt chẽ, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Họ nhìn câu chuyện khởi nghiệp sáng tạo vì xã hội là một cơ hội tất yếu. Có bạn trẻ còn sẵn sàng bỏ những dự án về công nghệ để làm dự án về xã hội, vì với họ, được giúp ích cho người dân, cho xã hội là điều tâm huyết.

Giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng TP Hồ Chí Minh (CSIP) Phạm Kiều Oanh cho biết, trong tất cả chương trình khởi nghiệp cho người trẻ vài năm trở lại đây mà bà từng có cơ hội được tham gia với tư cách ban giám khảo, cố vấn hay người truyền cảm hứng, luôn có ít nhất 20% số hồ sơ đăng ký đến từ các startup xã hội. "Chúng tôi không chỉ hỗ trợ vốn, kết nối các gói đầu tư với những dự án tiềm năng, chúng tôi còn mong muốn "mỗi một sáng kiến là một cánh én mang hy vọng và thúc đẩy sự tích cực cho xã hội" thông qua những mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo vì cộng đồng", bà Kiều Oanh kỳ vọng.