Khai thác lợi thế giao thông đường thủy

Mặc dù được xem là có nhiều tiềm năng, nhưng do thiếu đầu tư, đến nay giao thông đường thủy ở TP Hồ Chí Minh vẫn chưa phát triển xứng tầm. Thành phố cần tập trung đầu tư giao thông đường thủy để san sẻ gánh nặng giao thông đường bộ và tạo động lực phát triển cho cả Vùng kinh tế trọng điểm (KTTÐ) phía nam.

Bến phà Bình Khánh (trên sông Soài Rạp) đưa đón khách và các phương tiện giao thông qua lại giữa huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.
Bến phà Bình Khánh (trên sông Soài Rạp) đưa đón khách và các phương tiện giao thông qua lại giữa huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Thành phố có 110 tuyến giao thông đường thủy với tổng chiều dài gần 1.000 km, trong đó, 11 tuyến hàng hải với tổng chiều dài hơn 220 km; 92 tuyến đường thủy nội địa tổng chiều dài gần 599 km; năm tuyến đường thủy Trung ương với 13,5 km, hai tuyến đường thủy nội địa chuyên dùng với chiều dài 2,6 km... Với mật độ bình quân 0,181 km/1.000 dân và đạt 0,465 km/km2, thành phố có mật độ đường thủy bằng 73% so với đồng bằng sông Cửu Long, khu vực có mật độ đường thủy lớn nhất nước. Ngoài ra, hệ thống mạng lưới đường thủy trên địa bàn thành phố không chỉ kết nối liên tỉnh mà còn kết nối liên vùng, chắp nối miền trung, miền bắc và giao lưu quốc tế.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh cho biết, theo Quy hoạch cảng biển nhóm 5, cảng biển thành phố là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), bao gồm các khu cảng biển chính: Khu bến cảng Cát Lái trên sông Ðồng Nai là khu bến, cầu cảng cho tàu có tải trọng đến 30 nghìn tấn hoạt động. Bến cảng Hiệp Phước trên sông Soài Rạp là khu cảng biển chính của cảng biển thành phố trong tương lai, chủ yếu làm hàng tổng hợp, công-ten-nơ, tiếp nhận tàu tổng tải trọng đến 50 nghìn tấn.

Khu bến cảng trên sông Sài Gòn là khu bến cảng, cầu cảng cho tàu có tải trọng đến 30 nghìn tấn hoạt động. Khu cảng trên sông Nhà Bè tiếp nhận tàu có tải trọng đến 30 nghìn tấn. Dự kiến, sản lượng vận chuyển hàng hóa thông qua các cảng trong năm 2020 từ 112,67 triệu đến 116,94 triệu tấn, năm 2025 từ 133,03 triệu đến 141,48 triệu tấn, năm 2030 từ 145,47 triệu đến 159,98 triệu tấn.

Nhận định của các chuyên gia cho rằng, hệ thống các cảng trên địa bàn thành phố được đầu tư xây dựng khá hiện đại, thiết bị nâng cẩu tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác cảng. Vị trí các cảng kết nối thuận lợi giao thông đường thủy, tuyến vành đai, trục giao thông chính, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Vùng KTTÐ phía nam. Qua đó, đã thúc đẩy lượng hàng hóa thông qua các cảng ở thành phố tăng đều trong những năm gần đây, bình quân tăng hơn 7%/năm. Tuy nhiên, do hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy tăng nhanh, nhiều cảng đang rơi vào tình trạng quá tải.

Cụ thể, cảng Cát Lái có mức độ tăng trưởng nhanh, bình quân hơn 10% năm. Hiện đạt hơn 66 triệu tấn vượt công suất quy hoạch 52 triệu tấn, dẫn đến tăng áp lực giao thông đường bộ khu vực sau cảng, gây nên tình trạng ùn tắc giao thông khu vực (nhất là khu vực quận 2, quận 9), dẫn đến tăng chi phí vận tải đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng. Theo thống kê, trung bình hằng ngày có khoảng 19 nghìn đến 20 nghìn xe ô-tô ra vào khu cảng Cát Lái, trong những ngày cao điểm lên đến 26 nghìn lượt xe ra vào dẫn đến ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Ngoài ra, một số cảng nằm gần các khu dân cư, kết nối giao thông đường bộ vào các cảng còn khó khăn, tình trạng ùn tắc giao thông cũng thường xuyên xảy ra. Trong khi đó, tại khu cảng biển Hiệp Phước trên sông Soài Rạp theo quy hoạch sẽ là khu cảng biển chính của cảng biển thành phố trong tương lai. Tuy nhiên, đến nay, do chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ, sản lượng hàng hóa thông qua khu cảng này còn thấp, dự kiến trong năm nay đạt khoảng 10 triệu tấn, tức chỉ đạt khoảng một phần ba so với công suất là 33 triệu tấn.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam Lê Duy Hiệp cho biết: Ðể thúc đẩy phát triển kinh tế cho TP Hồ Chí Minh và cho cả Vùng KTTÐ phía nam cần chú trọng quy hoạch mạng lưới hạ tầng logistics và đầu tư hạ tầng cho khu vực, nhất là đầu tư cho hạ tầng vận tải thủy nội địa, hệ thống các cảng biển một cách đồng bộ, hiệu quả. Các chuyên gia cũng nhận định, hệ thống cảng, mạng lưới đường thủy đã góp phần quan trọng trong việc trung chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố và các tỉnh Vùng KTTÐ phía nam. Tuy nhiên, chưa được khai thác tối đa về lợi thế, tiềm năng nên hệ thống cảng, bến thủy nội địa, giao thông đường thủy còn hạn chế, manh mún, phân bổ chưa đều tại các khu vực có nhu cầu vận chuyển hàng hóa lớn.

Thời gian tới, thành phố cần phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển và luồng vào cảng, ưu tiên đầu tư các bến cảng chính khu vực Hiệp Phước, giảm tải hàng hóa tại khu vực Cát Lái. Cùng với đó, duy tu nạo vét luồng Soài Rạp nhằm phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa của thành phố và các tỉnh, thành phố lân cận và gắn với phát triển dịch vụ logistics cho toàn khu vực. Tập trung phát triển vận tải đường thủy nội địa, như cải tạo, nâng cấp và hoàn thành đạt cấp kỹ thuật các luồng tuyến vận tải kết nối các cảng biển, các tuyến nối tắt, các tuyến vận tải hành khách từ thành phố đi các địa phương khác.

Bài và ảnh: HUY MINH

Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh vừa gửi Cục Ðường thủy nội địa Việt Nam Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa tại thành phố giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tổng vốn cần đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông đường thủy kết nối liên vùng hơn 21 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư này được Sở GTVT thành phố đề xuất xây dựng bằng vốn ngân sách và vốn xã hội hóa. Ðối với mạng lưới giao thông đường thủy nội địa tập trung đầu tư ba tuyến kết nối khu đông thành phố tới cảng Cát Lái, quận 2; bốn tuyến từ nội thành kết nối đến cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè và hai tuyến vành đai kết nối với các tỉnh lân cận.