Kết nối nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực

Lâu nay, nhiều trường nghề đào tạo hàng nghìn học viên mỗi năm nhưng khi ra trường đi làm vẫn không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp (DN), phải đào tạo lại. Ðiều này gây không ít lãng phí về nguồn lực của xã hội, tạo tâm lý lo lắng cho cả nhà trường, DN và học viên. Ðể tháo gỡ "nút thắt" này, thời gian qua, nhiều trường nghề, DN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp tháo gỡ hiệu quả.

Học viên Trường trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương trong giờ thực hành.
Học viên Trường trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương trong giờ thực hành.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có 435 cơ sở dạy nghề; số lượng người trong độ tuổi lao động qua đào tạo nghề là hơn 2,8 triệu người, đạt tỷ lệ 75%. Trong giai đoạn 2016 - 2020, mỗi năm thành phố cần khoảng 270 nghìn việc làm, trong đó có 130 nghìn vị trí mới.

Dù đạt tỷ lệ 75% lực lượng lao động đã qua đào tạo nhưng số lượng lao động đáp ứng được yêu cầu công việc tại DN lại khá thấp. Ðiều này phản ánh chất lượng đào tạo nghề tại các trường cũng như việc kết nối giữa nhà trường và DN là khá thấp. Trước thực trạng nhà trường thiếu học viên, DN không tuyển được lao động lành nghề, một số đơn vị đào tạo nghề và DN đã có những giải pháp kết nối hiệu quả.

Trưởng phòng Ðào tạo Trường trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương Nguyễn Ðắc Hiển cho biết, nhiều năm qua, việc đào tạo nghề cho học viên không chỉ giới hạn trên giảng đường và xưởng thực hành mà nhà trường đã ký kết hợp tác cùng 60 DN để nâng cao kiến thức thực tế và tay nghề cho học viên. Ở môi trường đó, sau khi tốt nghiệp, học viên dễ dàng tìm được việc làm phù hợp, thậm chí còn lựa chọn DN mình sẽ làm việc.

Thông qua việc kết nối với DN, Trường trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương đã đào tạo được 3.444 học viên có tay nghề cao và có việc làm ổn định. Học viên khi nhập học đã được nhà trường cam kết việc đào tạo thực tế tại DN và có việc làm sau khi tốt nghiệp. Nhà trường và DN cam kết "đầu ra" cho toàn bộ học viên theo học 11 nghề do trường đào tạo.

Hiệu trưởng Trường cao đẳng Quốc tế TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Ðăng Lý cho biết, mô hình liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp - học viên đã được nhà trường triển khai từ lâu. Ðiểm hay của mô hình này là học viên có nhiều quyền lợi, từ việc được tiếp cận với công nghệ, máy móc mới tại DN đến quyền lựa chọn nơi làm việc sau khi tốt nghiệp. Trong quá trình ký kết với DN, học viên được quyền lựa chọn DN và DN phải cạnh tranh để giữ được học viên giỏi. Về phía DN, việc gắn kết với nhà trường, đặt hàng đào tạo là hướng đi phù hợp để có nguồn lao động chất lượng, ổn định.

Tương tự, mô hình kết nối "hai nhà" cũng được thực hiện hiệu quả tại Trường cao đẳng Lý Tự Trọng. Kết quả này thể hiện ở việc thu hút học viên khi chỉ tiêu tuyển sinh của trường tăng lên trong những năm gần đây. Không chỉ dừng lại ở việc hướng nghiệp, tuyển sinh trên diện rộng, trường còn tổ chức cho học viên tham quan môi trường học tập, tư vấn, định hướng và bảo đảm việc học nghề, công việc trong tương lai cho các em. Hiệu trưởng Trường cao đẳng Lý Tự Trọng TP Hồ Chí Minh Phạm Hữu Lộc cho biết, hiện nay, nhà trường đang hợp tác với nhiều DN trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành phố lân cận để cùng đào tạo, giúp học viên thực hành. Việc duy trì tốt sự hợp tác này mang lại lợi ích cho cả nhà trường, DN, nhất là học viên có việc làm đúng chuyên môn và năng lực khi ra trường.

Ở góc độ DN, nếu DN tìm kiếm người lao động qua trung gian hoặc các kênh khác thì chất lượng lao động khó bảo đảm, nhưng khi đã đặt hàng các cơ sở đào tạo sẽ tìm được đúng nơi, đúng người, giúp DN tiết kiệm thời gian và công sức. Giải pháp này cần được triển khai rộng rãi hơn, thông qua đó góp phần định hướng nghề nghiệp cho người lao động sát với nhu cầu thị trường, đồng thời nâng cao chất lượng dạy và học nghề…

Tuy vậy, trong thực tế, không phải trường nào, DN nào cũng có điều kiện cần và đủ để thực hiện việc kết nối này. Một trong những khó khăn hiện nay của nhiều trường nghề chính là không đủ cơ sở vật chất, thiết bị để học viên thực hành. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, công tác dạy nghề hiện nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn như việc phân luồng cho học sinh trung học cơ sở thời gian qua chưa mạnh; việc định hướng giáo dục nghề nghiệp cho các em cũng chưa thật sự hiệu quả; thông tin thị trường lao động cũng như nhu cầu thị trường chưa có tính định hướng cho xã hội và thị trường.

Giám đốc Trung tâm Ðào tạo và Bồi dưỡng giáo viên (Viện Nghiên cứu Giáo dục, Ðại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Ngọc Tài cho rằng, do công tác hướng nghiệp ở trường phổ thông hiện nay chưa hiệu quả cho nên học viên rơi vào tình trạng bối rối trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Các trường nên thành lập phòng tham vấn tâm lý, hướng nghiệp để tiếp cận các học sinh từ sớm hơn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đội ngũ giảng viên cần được thường xuyên tập huấn bồi dưỡng và đi thực tế tại DN để cập nhật các kiến thức mới về công nghệ, xu hướng thị trường; thúc đẩy đổi mới các hoạt động quản trị nhà trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đào tạo. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của thành phố cần thực hiện các giải pháp tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hay, tăng cường sự kết nối để công tác dạy nghề đi vào chiều sâu, đào tạo được đội ngũ lao động có chất lượng đáp ứng ngay được yêu cầu của công việc. Việc cải thiện chất lượng tay nghề như vậy cũng sẽ góp phần tạo hiệu ứng tốt đối với một lượng lớn học sinh trung học phổ thông đang phân vân giữa việc học nghề hay học lên đại học.