Kết nối “bốn nhà” trong cách mạng công nghiệp 4.0

TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất cả nước. Điều này một phần được thể hiện qua số lượng, quy mô và trình độ phát triển của các doanh nghiệp, nhà đầu tư tài chính, đơn vị trường học, viện nghiên cứu,... Tuy nhiên, sự kết nối giữa các đơn vị hiện rất lỏng lẻo. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc tìm được tiếng nói chung, sự kết nối chặt chẽ giữa các đơn vị đang đặt ra nhiều thách thức và kỳ vọng.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chứng kiến buổi ký kết hợp tác nghiên cứu khoa học-công nghệ giữa đại diện Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Mi
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chứng kiến buổi ký kết hợp tác nghiên cứu khoa học-công nghệ giữa đại diện Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Mi

Kết nối lỏng lẻo

Những năm qua, chính quyền thành phố đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy sự hợp tác, kết nối giữa cộng đồng khoa học và doanh nghiệp (DN). Một trong những dấu ấn nổi bật là hiệu quả của chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh của DN với chi phí thấp từ những năm 2000. Hiệu quả của chương trình không chỉ là việc nhiều DN chế tạo thành công thiết bị thay thế với chi phí chỉ bằng 30 đến 70% so với các thiết bị nhập khẩu mà còn hình thành được một “tam giác” liên kết giữa nhà nước, DN và nhà khoa học. Từ năm 2013 đến nay, các bên đã thực hiện 44 đề tài, dự án, tạo ra 265 sản phẩm, thiết bị có chất lượng hàng ngoại nhập nhưng giá thành chỉ bằng 20% đến 60%, tiết kiệm kinh phí 280 tỷ đồng từ chương trình này. Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH - CN) thành phố, giai đoạn 2011 - 2018, thành phố đã cùng với DN đầu tư nghiên cứu 147 dự án khoa học và công nghệ với tổng kinh phí hơn 530 tỷ đồng. Tuy nhiên, với số lượng hàng nghìn DN trên địa bàn đang hoạt động và không ngừng tăng theo hằng năm, những kết quả đạt được hiện vẫn hết sức khiêm tốn. Phó Giám đốc Sở KH - CN thành phố Nguyễn Kỳ Phùng nhìn nhận: Sự tương tác, kết nối giữa bốn nhà: Nhà nước, nhà DN, nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính hiện nay rất lỏng lẻo. Dù nội lực các đơn vị luôn được đánh giá cao khi đứng độc lập nhưng lại chưa có được một điểm chung kết nối vì sự phát triển của nền KH - CN phục vụ cho sự phát triển của thành phố.

Đứng ở góc độ DN, Phó Chủ tịch thường trực Hội DN Cơ khí - Điện TP Hồ Chí Minh Kiều Huỳnh Sơn nêu thực trạng: "Việc kết nối DN với các trường, viện là rất quan trọng nhưng lâu nay, việc này không có chuyển biến, các đơn vị vẫn trong thế chờ đợi lẫn nhau khiến mọi hoạt động nghiên cứu, hợp tác và kết nối luôn trì trệ. Trong lĩnh vực cơ khí điện, đổi mới công nghệ là yếu tố sống còn với DN, chúng tôi không thể ngồi chờ “cơ hội” mà luôn chủ động tìm hiểu, đầu tư máy móc từ bên ngoài để bắt kịp thị trường cho dù rất tốn kém". Ở góc độ nhà trường, TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận: “Giáo viên hiện nay đã không theo kịp yêu cầu của DN khi nhiều dự án họ không thể nghiên cứu. Một trong những nguyên nhân là các hoạt động nghiên cứu khoa học của giáo viên hiện chỉ nằm trong khuôn khổ nhà trường, không có nhiều dịp để tìm hiểu, cọ xát bên ngoài”. Tìm hiểu thực tế cho thấy, vai trò của mỗi “nhà” đều rất quan trọng nhưng các “nhà” đều đang gặp những hạn chế nhất định. Đơn cử, do chưa có điều khoản nào liên quan đến vấn đề hợp tác giữa các đơn vị cho nên Nhà nước cũng chỉ mới dừng lại ở mức khuyến khích; nhà trường khó khăn ở nguồn kinh phí, cơ sở vật chất; nhà đầu tư và DN lại có tâm lý e ngại, sợ thất bại khi bỏ kinh phí cho nghiên cứu khoa học.

Kết nối vì lợi ích chung

Để kết nối hiệu quả giữa “bốn nhà” trong cuộc cách mạng 4.0, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nêu vấn đề: DN muốn những gì để đột phá? Các trường đại học làm gì để hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu của DN? Các bên cần tìm ra công thức để kết nối được bốn nhà. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cách mạng công nghiệp đa ngành với đặc điểm là đòi hỏi phải có sự liên kết, liên kết giữa các DN với cơ quan nghiên cứu khoa học nhằm đổi mới công nghệ để tăng năng suất sản phẩm. Sự kết nối, mối quan hệ chặt chẽ giữa "bốn nhà" vì thế là vô cùng quan trọng và cấp thiết.

Theo ông Kiều Huỳnh Sơn, để các trường, viện và DN xích lại gần nhau, trước tiên các trường, viện hãy coi DN là đối tượng nghiên cứu, tiếp đó là khách hàng và sau cùng là đối tác đồng hành để tạo động lực cho công tác nghiên cứu, cập nhật thị trường. Các thỏa thuận, hợp tác giữa hai bên nên thực hiện theo nguyên tắc thị trường để nêu cao trách nhiệm và chia sẻ rủi ro. Vai trò giám sát, điều tiết và chi phối của Nhà nước trong các thỏa thuận này cũng sẽ rất quan trọng. TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ giải pháp: Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đang chia giảng viên thành các nhóm: Nhóm chuyên nghiên cứu, nhóm chuyên giảng dạy. Trường cũng yêu cầu giảng viên phải đến DN để tìm hiểu và cập nhật kiến thức. TS Dũng cũng nêu quan điểm: Để có công nghệ, để phát triển và nâng tầm, DN phải chấp nhận đầu tư, hoặc phối hợp nghiên cứu với các nhà chuyên môn.

Hiệp hội DN thành phố Hồ Chí Minh cũng nêu những đề xuất rất cụ thể cho từng “nhà” như: Vai trò cầu nối, hỗ trợ, chính sách và chính sách chia sẻ rủi ro để các bên cùng đồng hành. Trong khi đó, nhà trường khi phối hợp với DN cũng cần chuyên nghiệp hơn trong kết nối, thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với thực tế thị trường, còn với DN, cần liên kết với trường, viện để thu hút nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu của DN. Nhằm tạo điều kiện để “bốn nhà” liên kết, tạo sự phát triển chung vì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Sở KH - CN thành phố cũng đã kiến nghị Chính phủ sớm quyết định về việc trao quyền tự chủ cho trường đại học công lập, cho phép trường thành lập DN; thành phố ban hành cơ chế, chính sách ưu tiên kinh phí, dự án để gắn kết các trường, viện với DN; thành lập viện, trung tâm về công nghiệp để kết nối các “nhà” trong đó có sự hỗ trợ của chính quyền và nước ngoài.