Hướng đến du lịch thông minh

Những năm qua, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển ấn tượng. Cùng với những thành tựu vượt bậc của công nghệ thông tin, ngành du lịch thành phố đứng trước cơ hội xúc tiến quảng bá và mở rộng thị trường, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn hơn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu du lịch. Những cơ hội mới đó đã đặt ngành du lịch thành phố vào lộ trình chuyển đổi số mạnh mẽ, phù hợp xu hướng phát triển du lịch thông minh.

Du khách tham quan Bảo tàng Tôn Đức Thắng, quận 1.
Du khách tham quan Bảo tàng Tôn Đức Thắng, quận 1.

Là quận trung tâm của TP Hồ Chí Minh, quận 1 tập trung nhiều công trình kiến trúc, văn hóa tiêu biểu của thành phố. Chính vì thế, quận được xem là trung tâm du lịch quan trọng bậc nhất, là điểm đến không thể bỏ qua của mỗi du khách khi đặt chân đến thành phố. Tuy nhiên, đến nay, các thiết chế văn hóa, công trình kiến trúc lịch sử tại quận 1 chỉ dừng lại ở mức độ phục vụ nhu cầu tham quan theo phương thức đơn giản: Ði và thấy. Ðây là phương thức tham quan không còn được du khách thế giới ưu tiên lựa chọn. Anh Nguyễn Xuân Hùng, một hướng dẫn viên du lịch chia sẻ: "Khi chúng tôi đưa đoàn khách đến tham quan các địa điểm như Bưu điện thành phố, Nhà thờ Ðức Bà, sau phần giới thiệu, du khách chỉ đi tham quan chung quanh rồi chụp vài tấm hình làm kỷ niệm. Ngoài ra, du khách không có hình thức nào để tương tác với các địa điểm tham quan nêu trên". Các bảo tàng trên địa bàn quận 1 cũng chưa có sự đầu tư đúng mức về phương thức trưng bày mà vẫn giữ cách trưng bày truyền thống như trước đây. Ðiều này ít nhiều gây cản trở đến sự trải nghiệm của du khách.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, trong môi trường du lịch thông minh, ứng dụng in-tơ-nét vạn vật (IoT) tích hợp các cảm biến, định vị (GPS), bản đồ thông minh,… rất quan trọng để phục vụ du khách. Hạ tầng mạng, viễn thông,... phải mạnh để có thể vận hành thông suốt dòng chảy dữ liệu này. Cùng với đó, để ứng dụng trở nên thông minh hơn, cần có nguồn dữ liệu phong phú được liên thông, kết nối tích hợp và chia sẻ trên một hạ tầng thông tin của thành phố. Ông Nguyễn Công Thị, chuyên gia Smart City, Tập đoàn VNPT cho biết, du lịch thông minh là một thành phần của đô thị thông minh, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hình thành hệ sinh thái du lịch và tạo lợi ích tương hỗ giữa ba đối tượng: du khách, chính quyền, doanh nghiệp. Xây dựng du lịch thông minh sẽ mang đến những giá trị mới, trải nghiệm mới cho du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững. Chính vì thế, hiệu quả của du lịch thông minh phụ thuộc vào quá trình xây dựng đô thị thông minh.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết: Thành phố là một trong những địa phương công bố đề án đô thị thông minh sớm nhất cả nước. Sau 18 tháng triển khai, thành phố đã chuẩn bị những bước quan trọng, trong đó việc xây dựng kho dữ liệu dùng chung, phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, tích hợp và chia sẻ, xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội là những cơ sở dữ liệu quan trọng không chỉ trong công tác quản lý hành chính nhà nước mà cho nhiều ngành, trong đó có du lịch. Theo đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, ngành du lịch thành phố những năm gần đây đã có nhiều bước phát triển nhanh chóng với tăng trưởng hằng năm bình quân đạt 11 đến 12% nhờ vào những nỗ lực triển khai chuỗi các giải pháp tổng thể trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, của các dịch vụ du lịch và công tác quảng bá, truyền thông. Tuy nhiên, nếu đứng ngoài xu hướng của du lịch thông minh, điểm đến thành phố sẽ lạc hậu. Chính vì thế, cùng với xây dựng đô thị thông minh, lãnh đạo thành phố cũng rất quan tâm việc xây dựng chiến lược du lịch thông minh cho thành phố.

Chuyên gia Nguyễn Công Thị chia sẻ, thành phố đang xây dựng trung tâm du lịch thông minh để tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của đô thị trên tất cả các lĩnh vực, qua đó giúp lãnh đạo các cấp giám sát và quản lý chất lượng dịch vụ một cách tổng thể. Ðây là một thành phần của hệ thống trung tâm điều hành thành phố thông minh. Trung tâm sẽ hỗ trợ du khách tiếp nhận, xử lý những kiến nghị, phản ánh của du khách, giúp du khách có những trải nghiệm tốt nhất. Theo ông Lý Minh Tuân, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông, thành phố đã phê duyệt đề án đô thị thông minh, trong đó bốn trụ cột chính gồm: trung tâm dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở, trung tâm điều hành đô thị thông minh, trung tâm mô phỏng quy hoạch chiến lược và trung tâm an toàn thông tin. Ðây là những trụ cột quan trọng để phục vụ việc phát triển du lịch thông minh. Ông Lý Minh Tuân nhận định, việc hoàn chỉnh bức tranh du lịch thông minh là quá trình và chặng đường TP Hồ Chí Minh đang hướng tới. Ðể đẩy nhanh tiến độ, thành phố cần xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó việc đẩy nhanh hình thành hạ tầng thông tin cho thành phố là hết sức quan trọng.

Phó Chủ tịch UBND quận 1 Lưu Trung Hòa cho biết: Theo đề án "Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025", quận 1 là địa phương được chọn thí điểm với tất cả tám hệ thống thông minh được tích hợp dựa trên nền tảng xây dựng chính quyền điện tử. Một trong số đó là hệ thống du lịch thông minh, bao gồm xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, xây dựng trung tâm kiểm soát du lịch thông minh và các dịch vụ thông minh phục vụ khách du lịch. Theo đó, ứng dụng công nghệ số vào phát triển du lịch văn hóa di sản trên địa bàn quận 1 hứa hẹn sẽ mang lại những hiệu quả tích cực không chỉ cho quận mà còn "nâng cấp" hình ảnh du lịch của cả thành phố.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: Lượng khách du lịch quốc tế đến TP Hồ Chí Minh chiếm 50% số du khách quốc tế đến Việt Nam. Trong 10 năm tới, thành phố sẽ xem đây là ngành kinh tế trọng điểm, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Ðể triển khai xây dựng du lịch thông minh, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị ngành du lịch thành phố huy động các doanh nghiệp đóng góp ý kiến, tạo cơ sở dữ liệu. Việc phát triển du lịch thông minh cần bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng và lợi ích của người dân, không làm mất ổn định cuộc sống người dân trong quá trình phát triển du lịch.