Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Cùng với những cơ hội được mở ra từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, các cơ quan, đơn vị chức năng của TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm góp phần đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế của năm 2020 và những năm tiếp theo…

Các doanh nhân tìm hiểu sản phẩm nông nghiệp tinh chế đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại Diễn đàn xuất khẩu TP Hồ Chí Minh năm 2020.
Các doanh nhân tìm hiểu sản phẩm nông nghiệp tinh chế đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại Diễn đàn xuất khẩu TP Hồ Chí Minh năm 2020.

Bà Võ Ngọc Gia Cát, Giám đốc tiếp thị thương hiệu Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Trà Cát Nghi cho biết: “Các sản phẩm của công ty chúng tôi đã xuất khẩu trực tiếp được sang nhiều khu vực và quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Đông, ASEAN, Vương quốc Anh, Ấn Độ, Nga, Đài Loan (Trung Quốc)… Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thị trường giảm, phát sinh thêm nhiều giấy tờ khi làm thủ tục xuất khẩu…”. Đại diện một số DN xuất khẩu cho biết, với những thị trường lớn như châu Âu, DN cần hoàn chỉnh các giấy tờ cần thiết và có thông tin đầy đủ cũng như có đối tác tốt thì cơ hội xuất khẩu sẽ tăng lên nhiều. 

Với các mặt hàng nông sản, theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn Phạm Thiết Hòa, cần phải chế biến sâu thì mới xuất khẩu thuận lợi. Do vậy, muốn đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa thì DN phải tập trung đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại trong sản xuất và chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường hợp tác với đối tác trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tối ưu hóa hiệu quả của dịch vụ logistics trong xuất khẩu nông sản. Xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ thông qua cơ chế liên kết “6 nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, ngân hàng, nhà doanh nghiệp và nhà phân phối). Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia. Đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc cho nông sản. Tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho DN, hợp tác xã, hộ nông dân. Cùng với đó, Nhà nước quan tâm hơn nữa việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Theo chuyên gia kinh tế Ph.R.Bơ-cơ (Giám đốc Công ty TNHH Baker&Mckenzie Việt Nam), với 13 FTA song phương và đa phương đã có hiệu lực, hiệp định RCEP mới được ký kết, đang đàm phán hai FTA, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, có nhiều cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng mới. Tuy nhiên, để tận dụng được hết những cơ hội này, các DN Việt Nam cần phát huy cao độ khả năng sáng tạo của mình để tìm kiếm cơ hội mới trong trạng thái thay đổi, dịch chuyển các chuỗi cung ứng như hiện nay, đồng thời vươn ra thị trường nước ngoài... Muốn gia nhập được chuỗi giá trị toàn cầu, DN phải vượt lên chính mình, dám chấp nhận rủi ro để có thể trở thành DN quốc tế; bắt đầu từ việc chủ động nâng cao năng lực và đổi mới quy trình sản xuất, đầu tư cho công nghệ, nguồn nhân lực, tìm hiểu kỹ hơn luật pháp quốc tế… 

Ở góc độ chính sách phát triển, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần đào tạo được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, có giải pháp giảm chi phí logistics, giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng tăng độ minh bạch, ổn định, nhất quán…

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) Nguyễn Hữu Tín cho biết, ITPC sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các FTA, nhất là CPTPP, EVFTA, RCEP… nhằm giúp DN tiếp cận sâu và tận dụng hết mức các ưu đãi của các FTA. ITPC cũng định hướng xúc tiến và giúp DN phát triển thị trường xuất khẩu vào các quốc gia mà Việt Nam đã ký kết FTA bằng các hoạt động như: Tổ chức đoàn khảo sát thị trường; tổ chức hội thảo cung cấp thông tin thị trường; tổ chức cho DN tham gia các hội chợ trong và ngoài nước; kết nối DN trong nước với hệ thống bán lẻ trong nước và nước ngoài cũng như làm cầu nối giúp DN phát triển các hoạt động giao thương thông qua các sàn thương mại điện tử như Alibaba, Amazon… Bên cạnh đó, ITPC cũng tiếp tục tổ chức các cuộc kết nối trực tuyến giữa nhà nhập khẩu, nhà phân phối với nhà sản xuất trong nước… 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh, Lê Thanh Liêm cho biết, thành phố xác định mục tiêu hàng đầu trong bối cảnh hiện nay là hỗ trợ DN tiếp cận thông tin thị trường; cách thức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách hiệu quả cũng như gia tăng tỷ trọng nguyên liệu  trong nước trong cơ cấu sản phẩm hàng hóa xuất khẩu để duy trì tăng trưởng xuất khẩu, phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19. Qua đó, mong muốn DN chủ động định hướng lại các thị trường xuất khẩu, xác định lại giá trị của chuỗi cung ứng và vùng cung ứng nguyên liệu trong trạng thái bình thường mới…