Hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục hải quan khi thực hiện CPTPP

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang mở ra hàng loạt cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam tại các nước thành viên nhờ vào những ưu đãi đặc biệt về thuế quan. Cùng với đó, Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh cũng đang triển khai nhiều chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan nhanh chóng, tiết kiệm chi phí. Qua đó có thể tận dụng hiệu quả những ưu đãi trong CPTPP.

Cán bộ Cục Hải quan thành phố kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu.
Cán bộ Cục Hải quan thành phố kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu.

Nhiều điểm mới trong CPTPP

Phát biểu tại tọa đàm "Chính sách thuế và thủ tục hải quan khi thực hiện CPTPP" do Báo Hải quan tổ chức mới đây, Phó Tổng cục trưởng Hải quan Nguyễn Dương Thái chỉ ra một số điểm đáng lưu ý trong Hiệp định CPTPP. Cụ thể, các nước CPTPP cam kết xóa bỏ từ 97% đến 100% các dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam đáp ứng quy tắc xuất xứ theo quy định của CPTPP (tùy theo cam kết của từng nước). Ðiều đó có nghĩa hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào các nước thành viên sẽ được miễn, giảm thuế tương ứng cam kết. Ngược lại, Việt Nam cũng cam kết loại bỏ thuế quan lên 86,5% các dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước thành viên trong vòng ba năm, tuy nhiên vẫn duy trì hạn ngạch thuế quan đối với một số mặt hàng như đường, trứng, muối và ô-tô đã qua sử dụng.

Bên cạnh đó, CPTPP được thừa hưởng các quy tắc xuất xứ và thủ tục xuất xứ tiên tiến từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cụ thể là các quy tắc xuất xứ CPTPP khuyến khích sự hội nhập sản xuất của các quốc gia thành viên và thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh giữa các quốc gia thành viên. Về mặt này, quy tắc xuất xứ CPTPP chấp nhận cơ chế cộng gộp từng phần, trong đó bất kỳ tỷ lệ phần trăm giá trị gia tăng nào được tạo ra bởi bất kỳ quốc gia thành viên CPTPP nào đều được ghi nhận và cộng gộp trong việc xác định nguồn gốc của hàng hóa. Theo đó nguyên tắc cộng gộp có thể được sử dụng để tạo ra chuỗi cung ứng hội nhập lớn hơn. Thủ tục chứng nhận xuất xứ trong CPTPP cũng được đơn giản hóa. Theo truyền thống, giấy chứng nhận xuất xứ phải được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu hoặc nước sản xuất ra hàng hóa. Còn trong CPTPP, lần đầu tiên các nhà nhập khẩu được phép chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa mà họ nhập khẩu trên cơ sở thông tin hàng hóa do nhà sản xuất hoặc xuất khẩu cung cấp. Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Dương Thái lưu ý, chứng nhận xuất xứ của nhà nhập khẩu sẽ không được áp dụng cho hàng nhập khẩu vào Việt Nam tối đa 5 năm sau khi CPTPP có hiệu lực. Ðây là một cách tiếp cận thận trọng được thiết kế để bảo vệ sản xuất trong nước và chống lại tình trạng sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ giả trong thời gian Việt Nam đang hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước.

Ðối với thị trường trong nước, việc tham gia CPTPP có thể tạo ra áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp khi mở cửa thị trường cho các nước CPTPP tiếp cận thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có điều chỉnh sản xuất để có cạnh tranh tốt hơn. Ðối với hàng nhập khẩu vào Việt Nam, cam kết của CPTPP linh hoạt nhất trong các FTA tham gia với 66% biểu thuế phải cắt giảm trong khi các nước phải cắt giảm từ 80% đến 95%. Ðặc biệt, một số mặt hàng nông sản còn được duy trì hạn ngạch thuế quan với lộ trình cắt giảm dài. Ðiển hình như mặt hàng thuốc lá có lộ trình cắt giảm thuế lên tới 20 năm, các doanh nghiệp phải nắm được các điểm linh hoạt này để làm sao trong quá trình đó chuyển đổi hiệu quả để hội nhập thành công không chỉ trong CPTPP mà còn ở các đối tác khác có năng lực cạnh tranh cao hơn CPTPP.

Thông quan ngay tại cầu cảng

Phó Cục trưởng Hải quan thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Nghiệp cho biết, trước áp lực từ Chính phủ về cải cách hành chính, Cục Hải quan thành phố đang triển khai một số giải pháp nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp. Cụ thể, trong Thông tư 39 (sửa đổi từ Thông tư 38), công tác tham vấn giá chuyển từ sau thông quan sang trong thông quan, làm cho thời gian thông quan bị kéo dài hơn. Vì vậy, Cục Hải quan đã lựa chọn 500 doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật, có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước để tiến hành tham vấn giá một lần. Ngoài ra, trong Thông tư 39 có quy định về giá không đổi, nghĩa là sau khi tham vấn một lần thì mức giá đó được áp dụng cho những lần sau nếu giá không đổi. Tuy nhiên trên thực tế có trường hợp giá không đổi nhưng giá vận chuyển, giá bảo hiểm thay đổi. Do đó, Cục Hải quan đã đề nghị Tổng cục Hải quan vẫn áp dụng mức giá tham vấn một lần trước đây cho doanh nghiệp nếu giá bảo hiểm, giá vận chuyển có thay đổi mà không liên quan đến giá giao dịch. Hải quan thành phố cũng đề nghị những doanh nghiệp thường xuyên nhập nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, có ký hợp đồng dài hạn thì không tiến hành tham vấn giá trong thông quan mà chuyển sang sau thông quan.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp Tổng công ty Tân Cảng ở cảng Cát Lái thực hiện thông quan hàng ngay tại cầu cảng đối với nguyên liệu và một số hàng hóa đã được thông quan trên hệ thống. Nghĩa là theo Luật Hải quan, doanh nghiệp được khai báo trước 15 ngày, do đó cơ quan hải quan sẽ kiểm tra trước cho doanh nghiệp để có thể thông quan và giao hàng cho doanh nghiệp trực tiếp ngay tại cầu cảng. Ông Nghiệp cũng chỉ ra ba lợi ích đối với doanh nghiệp khi triển khai kế hoạch này. Thứ nhất là doanh nghiệp không tốn tiền bốc công-ten-nơ lên xuống bãi, không tốn tiền lưu kho, lưu bãi. Thứ hai, Tổng công ty Tân Cảng cam kết với cơ quan hải quan là sẽ giảm 10% toàn bộ dịch vụ logistics cho doanh nghiệp. Thứ ba, doanh nghiệp sản xuất sẽ giảm được lượng hàng tồn kho, bởi trước đây doanh nghiệp phải chuẩn bị lượng hàng tồn kho bảy đến 10 ngày, khi tham gia chương trình này thì hàng tồn kho sẽ giảm xuống còn hai đến ba ngày. Về phía cảng cũng được lợi, là lượng hàng hóa có tăng lên trong thời gian tới thì cũng sẽ không sợ bị tồn đọng.