Góp sức cho thành phố thêm xanh

Xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, văn minh đô thị là hoạt động được thành phố quan tâm triển khai từ nhiều năm nay. Hàng nghìn công trình xanh ra đời từ sự chung tay, góp sức của người dân, góp phần làm thành phố thêm xanh, thân thiện hơn.

Người dân quận Bình Thạnh tham gia trồng cây góp phần tăng thêm không gian xanh nơi mình sinh sống.
Người dân quận Bình Thạnh tham gia trồng cây góp phần tăng thêm không gian xanh nơi mình sinh sống.

Là một phường nằm ở vị trí trung tâm của quận, từ năm 2008, nhân dân phường Bến Thành (quận 1) chung tay thực hiện phong trào "Mỗi tuần 15 phút vì đường phố văn minh - sạch đẹp". Phong trào được phát động ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của người dân để rồi các năm sau đó, nếp sinh hoạt này trở thành một điểm nhấn của phường về xây dựng đô thị văn minh sạch đẹp. Theo MTTQ phường Bến Thành, chỉ một năm sau đó, phong trào này đổi tên thành "Mỗi tuần 15 phút vì thành phố văn minh - sạch đẹp" và được UBND quận 1 chọn là mô hình điểm để nhân rộng thực hiện ở chín phường còn lại của quận. Ðều đặn vào sáng thứ bảy hằng tuần, các phường luân phiên tổ chức hoạt động ra quân tổng vệ sinh môi trường tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, các khu vực di tích văn hóa, lịch sử, khu vực trung tâm thành phố, khu vực đông khách du lịch; tuyên truyền, vận động khách vãng lai và du khách hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh đường phố; các hoạt động tại khu phố, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị vẫn duy trì thường xuyên. Với những tác động tích cực từ sáng kiến của nhân dân, năm 2017, phong trào này đã được đưa vào một trong các nội dung chính về đạt chuẩn văn minh đô thị giai đoạn 2017 - 2021.

Là người gắn bó với công tác thiện nguyện và bảo vệ môi trường nhiều năm nay, Thượng tọa Thích Huệ Công, Trưởng Ban Phật giáo người Hoa thành phố; Quyền Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 8, Trưởng Ban Bảo trợ Hội Chữ thập đỏ quận 8, Trụ trì chùa Long Hoa đã có nhiều đóng góp thiết thực nhằm tuyên truyền, vận động phong trào chung về bảo vệ môi trường tại địa bàn quận 8. Từ năm 2010, vào ngày 19 âm lịch hằng tháng, Thượng tọa Thích Huệ Công cùng đồng bào phật tử người Việt và người Hoa thực hiện thả từ 500 kg đến 1.000 kg cá xuống kênh Ðôi và kênh Tàu Hủ - Bến Nghé cải thiện môi trường sinh thái. Thượng tọa Thích Huệ Công cũng là người đề xuất mô hình "Ngày hội vì dòng kênh xanh" và nhận được sự ủng hộ, tham gia đông đảo của các vị chức sắc, phật tử.

Hưởng ứng các phong trào về xây dựng văn minh đô thị, bảo vệ môi trường của Thành ủy, Ủy ban MTTQ thành phố, khắp nơi trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều phong trào "xanh hóa" rất có hiệu quả và thiết thực đối với môi trường sống. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố
Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu, cuộc vận động "Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước" bước đầu đã khơi dậy sức sáng tạo, nâng cao nhận thức của người dân về ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường. Ðiều này thể hiện ở kết quả cụ thể mà thời gian qua, các tầng lớp nhân dân, đơn vị trên địa bàn đã triển khai sâu rộng để thay đổi bộ mặt đô thị của thành phố. Cùng với việc UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch xây dựng thành phố xanh - thân thiện môi trường giai đoạn 2020 - 2025, các cơ quan đơn vị sẽ có cơ sở để triển khai nhiều hơn các hoạt động về tăng mảng xanh cho thành phố. Theo đó, kế hoạch đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể: có 100% tuyến đường có vỉa hè ổn định, có quy mô từ 3 m trở lên được trồng cây xanh; trung bình hằng năm tăng 5 ha/năm mảng xanh. Ðồng thời, đầu tư xây dựng 150 ha đất công viên; tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán đạt 41%; chỉ tiêu cây xanh đô thị đạt 0,65 m2/người. Thành phố cũng đề ra mục tiêu mỗi phường, xã, thị trấn, mỗi cơ quan, công sở, bệnh viện, trường học phải có công trình phát triển mảng xanh mang hình thức phù hợp với điều kiện từng địa phương, đơn vị... Thành phố phấn đấu duy trì kết quả hoàn thành xử lý, chuyển hóa điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải thành các công viên, mảng xanh, công trình phục vụ cộng đồng trong năm 2020.

Khi các phong trào, mô hình triển khai nhiều, hiệu quả về văn minh đô thị, làm đẹp môi trường đã được chứng minh kết quả qua thực tiễn. Tuy nhiên, nhân dân trên địa bàn rất quan tâm đến vấn đề nhiều công trình xanh sau khi hoàn thành một thời gian đã bị xâm chiếm, hư hỏng, thậm chí là bị biến thành bãi rác mới. Giải quyết vấn đề này, nhiều đơn vị, địa phương đã có sự phối hợp hiệu quả để bảo đảm môi trường. Quận 1 đã ký kết với Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp giữ vững các công trình xanh, sạch, đẹp mà nhân dân đã triển khai trước đó, trong đó giải pháp về tuyên truyền, vận động, nhân rộng các nhân tố điển hình được các đơn vị chú trọng thực hiện thường xuyên. Tương tự, giải pháp của Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị thành phố đề xuất: phải kiên quyết với hành vi xả rác bừa bãi ra đường. Với nỗ lực xây dựng thành phố văn minh đô thị mà thành phố đang triển khai thì những hành vi như thế cần phải được xử lý bằng các chế tài nghiêm khắc; đồng thời phải làm kiên trì, quyết liệt để nâng cao ý thức của người dân. Ðơn vị này cũng đề xuất lắp đặt ca-mê-ra tại các vị trí công cộng để giám sát và phát hiện các hành vi xả rác, nhằm kịp thời xử lý. Với các ứng dụng khoa học công nghệ như hiện nay, nếu các cơ quan chức năng quyết tâm, phối hợp đồng bộ thì môi trường, cảnh quan thành phố sẽ từng bước được cải thiện, góp phần tiến tới xây dựng một môi trường trong lành, đáp ứng nhu cầu đời sống của nhân dân thành phố.

Bài và ảnh: QUANG QUÝ