Góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống

Qua 20 năm triển khai thực hiện, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không ngừng được nâng cao chất lượng. Với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, phong trào này đã khơi dậy được tiềm năng, sức mạnh của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư…, tạo thành sức mạnh tổng hợp, góp phần xây dựng thành phố có chất lượng sống ngày càng tốt hơn…

Đường sách, một địa chỉ văn hóa tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh.
Đường sách, một địa chỉ văn hóa tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh.

Gia đình ông Nguyễn Viết Quản là một trong những hộ gia đình văn hóa tiêu biểu của quận 6. Nhiều năm nay, bản thân ông Quản luôn thực hiện nếp sống đẹp để xây dựng gia đình, khu phố từ những việc rất nhỏ và là tấm gương sáng cho người khác làm theo. 

Mỗi sáng đi tập thể dục về, khi thấy rác trên vỉa hè trước nhà mình, ông liền lấy chổi làm vệ sinh. Ông không chỉ làm sạch nhà mình mà còn quét rác cho cả một dãy nhà nơi mình đang ở. Có người thấy ông làm thế khuyên ông nên quét nhà mình thôi, làm vậy chi vất vả, nhưng ông chỉ cười, trả lời: “Vệ sinh là vệ sinh chung vì cộng đồng, có mất gì đâu”. Một hôm, có việc phải đi sớm, khi trở về con phố Tháp Mười quen thuộc, ông Quản đã thấy con đường sạch sẽ tự bao giờ. Một người dân cho biết, có một thanh niên gần nhà đã thay ông làm sạch đường phố. Nghe được điều này, ông cảm thấy vui trong lòng khi biết việc làm của mình đã có bà con ủng hộ và làm theo…

Từ năm 2000 đến nay, bên cạnh đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, quận Bình Thạnh cũng đã nỗ lực xây dựng, phát triển các hoạt động văn hóa nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn. Một trong những sáng tạo riêng của quận Bình Thạnh là phát huy hiệu quả mô hình Tổ dân phố - Mặt trận văn hóa. Từ mô hình này, các Tổ dân phố - Mặt trận văn hóa đã thể hiện tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, góp phần tích cực trong việc triển khai vận động nhân dân thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Vì thành phố văn minh, sạch đẹp, an toàn”.

Thông qua vai trò của Tổ dân phố - Mặt trận văn hóa, các phong trào đã đi vào đời sống người dân, phát huy mặt mạnh của từng khu dân cư, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động phong trào. Nhiều hoạt động văn hóa như “Liên hoan tiếng hát ba thế hệ” được tổ chức hai năm một lần đã trở thành sự kiện truyền thống của quận; là hoạt động văn hóa, văn nghệ thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các giới tham gia, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần tại cộng đồng dân cư…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan khẳng định, sau 20 năm triển khai, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có bước phát triển nhất định, chất lượng các danh hiệu văn hóa được nâng cao. Phong trào đã gắn kết được với nhiều cuộc vận động và chương trình hành động cách mạng, phát huy vai trò tự quản của người dân gắn với vai trò chỉ đạo và tổ chức hoạt động của các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp, qua đó, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống và làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân trên địa bàn. Thông qua phong trào, các nền tảng giá trị đạo đức được quan tâm gìn giữ, các quy tắc ứng xử văn hóa được hình thành, từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn dân cư. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo tiền đề và điều kiện cho việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân bằng hình thức tự quản ở cộng đồng. Tình làng nghĩa xóm; tinh thần tương thân, tương ái giúp nhau phát triển kinh tế, nâng chuẩn hộ nghèo, cận nghèo, góp phần nâng cao chất lượng khu phố, ấp văn hóa... được phát huy mạnh mẽ.

Với sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ, đi vào chiều sâu, phong trào đã góp phần huy động mọi nguồn lực của xã hội trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống tinh thần phong phú ở cơ sở. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp, góp phần đưa phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển mạnh mẽ. Đến nay, TP  Hồ Chí Minh có 17 trung tâm văn hóa; 17 trung tâm thể dục thể thao; bảy trung tâm văn hóa - thể thao... cấp quận, huyện. Toàn thành phố có gần 21 triệu lượt hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 23.967 lượt khu phố - ấp được công nhận danh hiệu “Khu phố - Ấp văn hoá”; 1.657 lượt phường, xã, thị trấn đạt danh hiệu “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Xã đạt chuẩn văn hóa - văn minh đô thị” và “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”,…
Thành phố cũng đã hỗ trợ vốn vay từ Quỹ Xóa đói, giảm nghèo cho hơn một triệu lượt hộ dân; tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 196.437 lượt lao động; thực hiện miễn, giảm học phí cho khoảng 427.244 lượt học sinh; hỗ trợ 2.257 hộ nghèo sử dụng xe 3-4 bánh tự chế chuyển đổi nghề khác để sinh sống. Hỗ trợ xây dựng 26.610 căn nhà tình thương, sửa chữa chống dột 14.169 căn nhà; xây mới, sửa chữa 880 căn nhà tình nghĩa, thực hiện hỗ trợ pháp lý cho 65.013 lượt người nghèo thuộc các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình,…

Để phong trào ngày càng đi vào thực chất, nhất là góp phần xây dựng một không gian Văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố, mỗi cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo các chỉ đạo vào xây dựng đời sống văn hóa; phát huy vai trò chủ động sáng tạo của các chủ thể văn hóa. Các địa phương cần thu hút các nguồn lực xã hội hóa vào phát triển; coi trọng hơn công tác gia đình, coi yếu tố gia đình là hạt nhân, nền tảng trong xây dựng văn hóa cơ sở… 

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, thành phố luôn xác định việc triển khai thực hiện và phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng gắn với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người thành phố. Chính vì thế, thành phố chú trọng xây dựng văn hóa và con người thành phố phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; đồng thời mang nét đặc trưng của văn hóa Nam Bộ, văn hóa TP Hồ Chí Minh, từng bước hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người thành phố, tạo môi trường và điều kiện để con người phát triển toàn diện hơn trong tương lai không xa…