Gỡ vướng về nghĩa vụ tài chính trong các dự án nhà ở

UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản tháo gỡ vướng mắc về thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) khi xác nhận đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Nút thắt về nghĩa vụ tài chính bổ sung được gỡ bỏ sẽ giúp hàng chục dự án nhà ở trên địa bàn thành phố có thể tiếp tục được triển khai.

Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh từng bước được tháo gỡ khó khăn. Trong ảnh: Các dự án nhà ở tại TP Thủ Đức.
Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh từng bước được tháo gỡ khó khăn. Trong ảnh: Các dự án nhà ở tại TP Thủ Đức.

Nhiều dự án gặp khó

Theo quy định của pháp luật hiện hành, trước khi chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở ký hợp đồng mua bán, thuê, mua nhà ở hình thành trong tương lai mà thu tiền trả trước của người mua, thuê mua nhà ở thì phải có văn bản xác nhận đủ điều kiện của Sở Xây dựng. Trong khi đó, trên thực tế, có nhiều dự án nhà ở sau khi có chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dự án thì có sự điều chỉnh tăng chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc (tăng hệ số sử dụng đất và số lượng nhà ở trong dự án). Điều này dẫn đến phát sinh nghĩa vụ tài chính bổ sung. Thế nhưng, thời gian cụ thể để doanh nghiệp hoàn thành phần nghĩa vụ tài chính bổ sung này lại không được xác định cụ thể. Bởi khi xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung, các cơ quan chức năng phải rà soát pháp lý, nguồn gốc về đất đai, thuê tư vấn thẩm định giá trị quyền sử dụng đất và phải thông qua Hội đồng thẩm định giá đất, nên mất nhiều thời gian. Chính bất cập này dẫn tới, dù doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng, triển khai xây dựng hoàn thành phần móng đối với chung cư, hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng nhưng vẫn không được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai tại dự án.

Điển hình như dự án khu dân cư Sài Gòn Xanh (quận 8) do Công ty Địa ốc Xanh (trước là Công ty TNHH Thành Thủy) làm chủ đầu tư chỉ vì hơn 120 m2 đất chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung mà toàn bộ dự án không thể triển khai từ năm 2019 đến nay. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh, những vướng mắc về quy định thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung đã tồn tại nhiều năm nay. Hiệp hội cùng các doanh nghiệp cũng kiến nghị nhiều lần và đến nay mới được giải quyết.

Linh động gỡ vướng

Để tháo gỡ cho các doanh nghiệp, ông Lê Hoà Bình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đồng ý cho Sở Xây dựng thành phố thực hiện hai nội dung. Thứ nhất, Sở Xây dựng được xác nhận dự án đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai đối với toàn bộ dự án trong trường hợp dự án có thay đổi quy hoạch nhưng không tăng hệ số sử dụng đất, diện tích sàn xây dựng (như thêm tầng hầm, mở rộng diện tích sàn tầng hầm). Thứ hai, Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai đối với số lượng nhà ở tại dự án tương ứng theo các chỉ tiêu quy hoạch mà chủ đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ tài chính trong trường hợp dự án thay đổi chỉ tiêu quy hoạch (tăng hệ số sử dụng đất, diện tích sàn xây dựng, số lượng căn hộ). Sau khi chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục xem xét cho phép chủ đầu tư được tiếp tục được bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai đối với số lượng nhà ở còn lại trong dự án theo quy định. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc phát sinh, giao Sở Xây dựng sẽ tổng hợp, báo cáo và đề xuất giải quyết ngay cho UBND thành phố Hồ Chí Minh để xem xét, chỉ đạo thực hiện.

Theo ông Huỳnh Ngọc Châu, Giám đốc Công ty bất động sản Á Châu Land, bấy lâu nay, cứ nhắc đến cụm từ "nghĩa vụ tài chính bổ sung" là hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều mệt mỏi. Nếu chờ đủ thủ tục pháp lý mới mở bán thì doanh nghiệp mất cơ hội, thậm chí phá sản, còn nếu huy động vốn của khách hàng thì vi phạm pháp luật. Do vậy, việc thành phố cho phép Sở Xây dựng tháo gỡ các bất cập trong thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung là chủ trương đúng, trúng và kịp thời. Với tháo gỡ này, các doanh nghiệp bất động sản sẽ đẩy nhanh được tiến độ thực hiện dự án, tránh tình trạng do cơ quan quản lý nhà nước không xác nhận đủ điều kiện được bán mà doanh nghiệp "làm liều" bán dưới dạng "lúa non" thông qua hợp đồng đặt cọc/góp vốn... như bấy lâu nay.