Giúp doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn

Sau hơn một tháng tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng dịch Covid-19, phần lớn các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải tại thành phố đều chật vật vì mất nguồn thu, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều xã viên, người lao động. Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố đưa ra nhiều kiến nghị với mong muốn thành phố và ngân hàng nhanh chóng hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn.

 Sau mùa dịch Covid-19, xe buýt hoạt động trở lại nhưng vẫn vắng khách.
Sau mùa dịch Covid-19, xe buýt hoạt động trở lại nhưng vẫn vắng khách.

Ông Nguyễn Văn Quý, một xã viên của Hợp tác xã (HTX) xe buýt thành phố lo lắng: "Từ khi thành phố thực hiện lệnh ngưng hoạt động xe buýt đến ngày được phép mở cửa chạy trở lại đã hơn một tháng, đồng nghĩa với nguồn thu của xã viên bị mất. Không chỉ mất thu nhập, bản thân tôi cũng không có tiền để trả nợ vay ngân hàng nên ngày nào cũng lo sốt vó". Hiện, ông Quý đang quản lý tám chiếc xe buýt chạy tuyến 14 (Bến xe Miền Ðông - Bến xe Miền Tây). Những chiếc xe đóng mới này, ông Quý đều thế chấp tài sản của mình để vay ngân hàng ba tỷ đồng, lãi suất hằng tháng gần 20 triệu đồng. Theo ông Quý và hầu hết các xã viên thuộc các HTX, DN vận tải hoạt động xe buýt thì lượng hành khách đi xe buýt có trợ giá ngày càng vắng, nhất là từ thời điểm sau Tết Nguyên đán cũng là mùa dịch cho đến nay, lượng hành khách giảm mạnh. Các chủ xe vừa phải bảo đảm nguồn thu vừa tích góp tiền trả lãi ngân hàng quả là quá chật vật. Theo ông Phùng Ðăng Hải, Chủ tịch HÐQT Liên hiệp HTX xe buýt TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, hầu như xe buýt không hoạt động, xã viên mất nguồn thu nên thành phố cần xem xét cho giãn nợ đối với xã viên vay đầu tư mua sắm phương tiện. Ông Hải đề nghị, thành phố cần xem xét ban hành một mức trợ giá thiết thực bảo đảm sự tồn tại của xe buýt vì cuối tháng 2 hoạt động chỉ 80% số chuyến,

tháng 3 hoạt động 50% số chuyến, tháng 4 ngưng không hoạt động và chỉ mới hoạt động trở lại từ ngày 4-5. Chưa kể, các tuyến hoạt động lại cũng chắc chắn lỗ vì vẫn phải tốn chi phí như tiền nhiên liệu, lương lái xe, tiếp viên, quản lý phí, bảo hiểm xã hội...

Ðại diện Hiệp hội Vận tải ô-tô hành khách liên tỉnh và du lịch TP Hồ Chí Minh nhận định: Ðợt dịch vừa qua, các DN đang vay ngân hàng phải chịu cảnh không hoạt động nhưng các chi phí vận tải vẫn phải nộp. Do đó, Hiệp hội kiến nghị các sở, ngành thành phố tháo gỡ vướng mắc, trong đó miễn giảm phí bảo trì đường bộ, phí bảo trì hệ thống GPS, giảm thêm lãi suất ngân hàng. Trước mắt, các sở, ngành nên có giải pháp miễn phí vào bến bãi cho các DN kinh doanh vận tải ở ba bến xe lớn là An Sương, Miền Ðông, Miền Tây để tháo gỡ phần nào các chi phí của DN phải bỏ ra. Cụ thể hơn, Sở GTVT kiến nghị UBND thành phố và ngân hàng giảm 50% lãi suất vay cho các khoản phải trả từ tháng 4, 5, 6-2020; kể từ tháng 7-2020 áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho DN nhưng nhiều nhất không quá 6%/năm. Ðồng thời, đề nghị giãn nợ bao gồm cả gốc và lãi từ tháng 6 đến tháng 12 cho các DN vận tải. Riêng đối với các chính sách thuế, các đơn vị vận tải cũng kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng về 0%, giảm 50% thuế thu nhập DN, cho giãn nộp sáu tháng đối với thuế nợ đọng đến ngày 31-3 không tính lãi chậm nộp, miễn phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12-2020, giảm 50% lệ phí trước bạ cho các ô-tô đăng ký mới để kinh doanh vận tải, giảm hoặc miễn thu phí đậu đỗ đón khách tại sân bay, nhà ga, bến xe, cảng.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Chi nhánh TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh cho biết: Hiện, NHNN vẫn chưa có định hướng chính sách tín dụng riêng đối với từng ngành nghề cụ thể mà chỉ đưa ra chính sách trần lãi suất cho vay đối với một số đối tượng vay vốn. Từ ngày 17-3-2020, NHNN đã điều chỉnh mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7%/năm xuống 6,5%/năm. Theo kế hoạch hỗ trợ DN trong và sau dịch Covid-19 của UBND thành phố từ nay đến cuối năm, thành phố giao NHNN, Chi nhánh thành phố làm việc với các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng… Các ngân hàng thương mại cũng được đề nghị kịp thời áp dụng biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ và giảm phí cho khách hàng gặp khó do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Và trong thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại đã triển khai các chương trình tín dụng với nhiều ưu đãi dành cho nhiều loại hình DN. Từ thực tế của ngành kinh doanh vận tải, các chuyên gia tài chính cho rằng, Chính phủ nên có chính sách tín dụng cụ thể hơn với những tiêu chí chung, rõ ràng về mức giảm lãi suất vay vốn, thời gian giãn nợ, chính sách vay vốn mới… đối với từng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại do dịch Covid-19...