Giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhất là tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa. Ðể hỗ trợ DN, các cơ quan chức năng của thành phố đã tập trung đẩy nhanh các giải pháp giúp DN mở rộng thị trường xuất khẩu.

Khách tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm tại Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư TP Hồ Chí Minh.
Khách tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm tại Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư TP Hồ Chí Minh.

Là công ty chuyên sản xuất cà-phê sữa hòa tan sử dụng đường ăn kiêng, VN Fine Food, có trụ sở tại quận Tân Bình mong muốn tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm của mình để hồi phục sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19. Bà Trần Thị Kim Tâm, Phó Giám đốc Công ty VN Fine Food cho biết: Hiện, sản phẩm của công ty chủ yếu được bán ở trong nước, chưa xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, ngay tại thị trường trong nước, công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn do cạnh tranh với nhiều thương hiệu nổi tiếng. Cùng với đó, ở thời điểm này, dịch Covid-19 đang diễn biến khá phức tạp trên phạm vi toàn cầu cho nên công ty khó kiếm được thị trường tiêu thụ ở nước ngoài. VN Fine Food kỳ vọng qua sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, công ty tìm được kết nối trực tiếp với đại diện thu mua ở nước ngoài để giới thiệu sản phẩm của công ty, tìm cơ hội xuất khẩu.

Theo Cục Thống kê thành phố, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) chín tháng năm 2020 chỉ tăng 0,77% so với cùng kỳ năm 2019. Ðiều này cho thấy, kinh tế thành phố chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19, các DN vẫn chưa lấy lại được đà phục hồi như mong muốn. Qua hai lần khảo sát của Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh cho thấy, có đến 84% số DN thuộc hiệp hội gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh dẫn đến thị trường bị đứt gãy. Trong số này, có hơn 40% số DN có nguy cơ phải dừng hoạt động vì nguồn cung ứng nguyên liệu, vốn để duy trì sản xuất cạn kiệt, thị trường bị thu hẹp. Ðể hỗ trợ DN giảm tác động tiêu cực của dịch Covid-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh, tiếp cận, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, mới đây, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức hàng loạt chương trình xúc tiến thương mại. Ðây là cơ hội cho các DN trong nước tìm cơ hội xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài, như Thái-lan, Xin-ga-po, Mỹ, Bắc Mỹ... Tại chương trình "Kết nối đưa hàng hóa Việt Nam vào hệ thống siêu thị Big C, siêu thị Go! tại Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường Thái-lan năm 2020", ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc ITPC cho rằng: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Thái-lan trong 9 tháng năm 2020 giảm 12,2%. Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 3,6 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Thái-lan giảm 12,4%, đạt 7,7 tỷ USD. Việt Nam và Thái-lan cùng là thành viên của nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế, như: ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)… Do đó, đây là thị trường còn nhiều tiềm năng cho các DN trong nước khai thác để xuất khẩu. Hiện, Thái-lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thái-lan trong giai đoạn 2016 - 2019 chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam với tất cả các nước trong ASEAN. Riêng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Thái-lan chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu vào ASEAN. Với bề dày hoạt động hơn 70 năm, Tập đoàn Central Retail đã trở thành một trong những tập đoàn bán lẻ nổi tiếng và uy tín hàng đầu tại Thái-lan. Vì vậy, đưa hàng được vào siêu thị Big C, siêu thị Go! tại Việt Nam sẽ mở ra cơ hội rất lớn để DN có thể tiếp cận được thị trường Thái-lan, từ đó làm bàn đạp mở rộng thị trường ra các nước trong khối ASEAN. Bà Trương Tố Uyên, Giám đốc thu mua ngành hàng nước giải khát của Central Retail tại Việt Nam cho hay: Các DN muốn đưa hàng hóa vào hệ thống bán lẻ của Tập đoàn Central Retail cần đáp ứng các điều kiện của nhà phân phối, nhất là đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm…

Là nhà bán lẻ thương mại điện tử (TMÐT) nổi tiếng tại Mỹ, tính đến tháng 2 năm nay, Amazon đứng đầu về doanh số bán lẻ TMÐT ở thị trường cao cấp này, chiếm tới 38,7% tổng doanh số bán lẻ TMÐT. Bà Nguyễn Phương Trinh, Quản lý tài khoản cấp cao của Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ đến các DN trong nước về xu hướng thị trường và ngành hàng tiềm năng, cũng như khuyến nghị về một số sản phẩm có nhu cầu tiêu dùng cao và các yêu cầu về chất lượng liên quan khi bán hàng trên Amazon.

Theo đó, khi lựa chọn sản phẩm để bán hàng trực tuyến, người bán hàng cần xem xét các yếu tố, như sự tăng trưởng, tính thời vụ, thương hiệu, đặc tính, thuộc tính, yêu cầu về chất lượng… của sản phẩm và phân khúc người tiêu dùng mà DN hướng tới. Amazon Global Selling Việt Nam cũng cho biết, để tiếp cận phương thức xuất khẩu trực tuyến trên nền tảng Amazon, các DN cần thực hiện bốn bước tiếp cận. Ðầu tiên, người bán cần phải lựa chọn sản phẩm mà mình muốn bán trên nền tảng TMÐT Amazon. Kế tiếp là đăng tải sản phẩm với các thông tin mô tả chi tiết về sản phẩm. Sau đó, hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon. Ðây là bước phát triển kinh doanh trực tuyến bằng cách tận dụng hệ thống hoàn thiện đơn hàng, sự chuyên nghiệp, dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo và các sự lựa chọn chuyển hàng nhanh chóng, tin cậy, đạt tiêu chuẩn quốc tế của Amazon. Cuối cùng là bán hàng và quảng bá sản phẩm trên Amazon. Người bán có thể sử dụng các công cụ của Amazon để quảng bá và phát triển kinh doanh cho đơn vị mình.