Giảm xây nhà ở riêng lẻ, phát triển bất động sản cao tầng

Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa phê duyệt "Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2016 - 2020". Trong giai đoạn này, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện di dời các hộ dân sống ở trên và ven kênh rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn; xây mới, thay thế chung cư cũ hư hỏng xuống cấp; nâng cấp các khu dân cư hiện hữu góp phần chỉnh trang và phát triển đô thị; tiếp tục xây dựng, phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư đồng bộ, văn minh, hiện đại.

Người dân tham khảo mô hình dự án nhà ở được chào bán.
Người dân tham khảo mô hình dự án nhà ở được chào bán.

Tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm ít nhất 40 triệu m2 sàn; nâng chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người của thành phố đến năm 2020 đạt ít nhất 19,8 m2/người, trong đó ở khu vực đô thị (bao gồm 19 quận) là 16,3 m2/người và khu vực nông thôn (bao gồm năm huyện) là 20,9 m2/người. Nhà ở riêng lẻ do các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng tăng thêm khoảng 31.228.000 m2 sàn xây dựng. Nhà ở trong các dự án tăng thêm khoảng 8.772.319 m2 sàn xây dựng. Nhà ở xã hội tăng thêm khoảng 2.204.000 m2 sàn xây dựng.

Tại khu vực trung tâm hiện hữu (quận 1, 3), từ nay đến năm 2020, không phát triển các dự án nhà ở mới. Tại các quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, tập trung hoàn thiện các dự án dở dang; hạn chế phát triển các dự án nhà ở mới nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng bảo đảm và phù hợp; ưu tiên phát triển nhà ở xã hội. Ðối với các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Ðức, tập trung hoàn thiện các dự án dở dang; ưu tiên phát triển các dự án nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn như tuyến Metro số 1 tại các quận 2, 9, Thủ Ðức hoặc các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng; ưu tiên phát triển nhà ở xã hội. Ðối với khu vực năm huyện, tập trung hoàn thiện các dự án dở dang; rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai; ưu tiên phát triển nhà theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với những tuyến giao thông chính; phát triển các khu du lịch ở kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh; không phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở tại các khu vực chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tương ứng; ưu tiên phát triển dự án nhà ở xã hội.

Theo Trưởng phòng Quản lý Bất động sản (Sở Xây dựng thành phố Phan Trường Sơn, chung cư cao tầng sẽ tiếp tục là xu hướng nhà ở tất yếu của thị trường bất động sản thành phố trong tương lai. 10 đến 15 năm tới, tốc độ phát triển nhà chung cư tại siêu đô thị hơn 10 triệu dân này sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. Theo đó, thành phố cũng hướng đến việc giảm phát triển nhà ở riêng lẻ. Cùng với sự phát triển của bất động sản cao tầng, kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố cũng sẽ ngày càng hiện đại hơn, tiện nghi từ nhà ở đến nơi làm việc. Thị trường bất động sản cao tầng sẽ có thêm nhiều loại hình sản phẩm condotel, offitel hơn nữa, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người mua. Mặc dù chung cư cao tầng trong 10 đến 15 năm tới sẽ trở thành loại nhà ở tất yếu dẫn dắt thị trường nhưng chủ trương của thành phố là phát triển các cao ốc lồng ghép vào chương trình chỉnh trang đô thị, cải tạo kênh rạch, nhằm tránh phát triển quá nóng và hướng đến sự phát triển bền vững.

Báo cáo tình hình thị trường bất động sản thành phố 10 tháng đầu năm nay của Hiệp hội Bất động sản thành phố (HoREA) cho thấy, tổng nguồn cung sản phẩm nhà ở được đưa ra thị trường thuộc 65 dự án với 23.759 căn nhà (trong đó, có 22.684 căn hộ và 1.075 căn nhà thấp tầng), với tổng giá trị huy động vốn đạt 43.761 tỷ đồng. Trong đó, phân khúc cao cấp có 7.444 căn, chiếm tỷ lệ 31,3%; phân khúc trung cấp có 11.731 căn, chiếm tỷ lệ 49,4%; phân khúc bình dân có 4.584 căn, chiếm tỷ lệ 19,3%. So với chín tháng đầu năm 2017, thị trường có dấu hiệu sụt giảm rõ nét. Số lượng dự án giảm 11,1%; tổng số căn nhà đưa ra thị trường giảm 39,2%. Phân khúc căn hộ cao cấp giảm ít nhất, chỉ giảm 9,6%, trong khi đó, phân khúc căn hộ trung cấp giảm 37,5% và phân khúc căn hộ bình dân giảm mạnh đến 68%. "Cơ cấu sản phẩm bị mất cân đối chưa bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản và bảo đảm an sinh xã hội vì tỷ lệ căn hộ bình dân chỉ đạt 19,3%, chiếm tỷ lệ quá thấp. Trong lúc đó, phân khúc cao cấp chiếm đến 1/3 thị trường (tỷ lệ 31,3%) và đã xuất hiện dấu hiệu thừa cung", báo cáo của HoREA nhận định. Dự kiến vốn để phát triển nhà ở trong giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 316.769 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư xây dựng phát triển nhà ở thương mại là 82.274 tỷ đồng; vốn xây dựng nhà ở riêng lẻ của các hộ gia đình, cá nhân khoảng 212.661 tỷ đồng; vốn đầu tư nhà ở xã hội ít nhất 21.834 tỷ đồng.