Giải pháp hiệu quả xử lý rác thải tái chế

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp thu gom và xử lý chất thải tái chế, nhưng công tác này tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa thật sự hiệu quả, ảnh hưởng chất lượng môi trường và mỹ quan đô thị.

Người dân quận Tân Phú tham gia Chương trình đổi rác tái chế lấy quà tặng của Công ty CITENCO.
Người dân quận Tân Phú tham gia Chương trình đổi rác tái chế lấy quà tặng của Công ty CITENCO.

Tổ chức lại hệ thống thu gom, xử lý chất thải tái chế, khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn là hướng đi được kỳ vọng sẽ tạo ra kết quả khả quan trong công tác xử lý rác thải trên địa bàn thành phố.

Bất cập xử lý rác thải tái chế

Theo số liệu thống kê năm 2019, mỗi ngày toàn thành phố thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, tỷ lệ chất thải hữu cơ chiếm 45% đến 55%; nhựa, ni-lông 10% đến 15%; chất thải tái chế 15% đến 20%; chất thải khác 15% đến 20%. Chất thải nhựa vẫn chiếm tỷ trọng cao với hơn 1.500 tấn. Tỷ lệ gia tăng khối lượng hằng năm khoảng 6% đến 10%. Nguồn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu từ các hộ gia đình; chợ; trung tâm thương mại, dịch vụ; cơ quan, bệnh viện, trường học; khu công nghiệp; công trình xây dựng.

Từ việc tăng nhanh chóng chất thải rắn đô thị với tính chất, thành phần đa dạng, phức tạp đã trở thành áp lực cho các nhà quản lý và các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh - CITENCO) cho rằng: Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn tại TP Hồ Chí Minh hiện khá dàn trải, chưa tập trung; phương tiện, thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển, xử lý chưa đồng bộ và hiện đại; tỷ trọng rác do lực lượng dân lập thu gom cao (60%); cùng với việc thu gom chưa triệt để là những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả kém trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý, làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, thành phố hiện chưa tổ chức được mạng lưới thu gom chất thải tái chế, vì vậy, có hơn 80% khối lượng chất thải tái chế đang chôn lấp cùng với chất thải sinh hoạt gây lãng phí tài nguyên, ngân sách và ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, thành phố chưa có khu xử lý chất thải tái chế tập trung khiến công tác quản lý và xử lý chất thải tái chế chưa đạt hiệu quả.

Ðổi mới cách thu gom rác

Từ thực trạng nêu trên, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là giải pháp rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Nếu thực hiện thành công sẽ giúp các nhà quản lý, các đơn vị xử lý có nhiều giải pháp trong xử lý tái chế chất thải. Ðể giải quyết vấn đề này, CITENCO đã xây dựng đề án "Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn". Khi dự án triển khai, CITENCO sẽ tổ chức lại mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế. Theo đó, giai đoạn 1 dự án được thực hiện tại hai trạm trung chuyển rác Quang Trung (quận Gò Vấp) và Tống Văn Trân (quận 11). Ngoài ra, còn có các điểm thu gom khác là: Các chủ nguồn thải có khối lượng phát sinh lớn; phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể chính trị xã hội tổ chức tuần lễ thu đổi chất thải tái chế định kỳ hằng tuần, hằng tháng. Dự án cũng đề ra hình thức đổi quà là các nhu yếu phẩm, các mặt hàng tiêu dùng của Công ty Unilever, phiếu quà tặng siêu thị Co.op Mart, phiếu ưu đãi mua sắm và du lịch… hay quy đổi thành tiền theo mức giá thị trường.

Theo ông Cao Văn Tuấn, với giải pháp này, CITENCO có nhiều kinh nghiệm do đã tổ chức thí điểm chương trình đổi rác lấy quà tặng nhiều điểm tại quận Tân Phú suốt từ năm 2013 đến nay. Qua nhiều năm thực hiện và có tiếp thu ý kiến người dân, rút kinh nghiệm trong khâu tổ chức, chương trình của CITENCO ngày càng được mở rộng và thu hút nhiều người dân tích cực tham gia thu gom rác tái chế. Tại các địa bàn thí điểm có 60% hộ gia đình (1.102 trong số 1.910 hộ trên địa bàn) tham gia phân loại và chuyển rác cho lực lượng thu gom. Rác thải tái chế sau khi được thu gom sẽ được đưa về các trạm trung chuyển Quang Trung, Tống Văn Trân.

Tại đây, chất thải tái chế tiếp nhận được phân loại sơ bộ thành sáu nhóm (nhựa, ni-lông, giấy, kim loại, thủy tinh, chất thải khác), sau đó được cân xác định khối lượng để quy đổi. Tiếp đó, rác tái chế được vận chuyển về các trạm tiếp nhận để ép kiện, sau đó chuyển cho đối tác tái chế hoặc chuyển về kho lưu chứa tại công trường xử lý chất thải rắn Gò Cát, Nhà máy xử lý tái chế Phước Hiệp, Củ Chi thực hiện tái chế. Theo kế hoạch, dự án này sẽ được triển khai thí điểm từ đầu năm 2021. Sau một năm thí điểm và đánh giá, đơn vị thực hiện sẽ đề xuất thành phố triển khai giai đoạn 2 là xây dựng nhà máy xử lý và tái chế rác thải nguyên liệu từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Ðể tăng cường nguồn lực bảo đảm triển khai thành công dự án nêu trên, Công ty CITENCO và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác "Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn".

Theo biên bản hợp tác, CITENCO và PRO Việt Nam sẽ phối hợp xây dựng các dự án trong các lĩnh vực: Xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ thu gom, phân loại và xử lý sơ bộ chất thải có thể tái chế; xây dựng mạng lưới với các nhà tái chế để phát triển mô hình khuyến khích cho chất thải có thể tái chế; vận động chính sách tạo cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thị trường thuận lợi cho chất thải có thể tái chế, cũng như truyền thông về phân loại rác tại nguồn đến các hộ gia đình và người thu gom rác độc lập. Giám đốc Công ty CITENCO Huỳnh Minh Nhựt cho biết: "Dự án nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả trong triển khai, thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; quản lý, thu hồi, tái chế và tái sử dụng chất thải tái chế một cách hiệu quả và giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất xanh, sản xuất không phát thải góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững".

Bài và ảnh: ANH TUẤN