Đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt

TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng xã hội không dùng tiền mặt (KDTM) để hướng tới xây dựng đô thị thông minh. Trong đó, các sở, ngành sẽ tăng cường phát triển thanh toán (TT) dịch vụ công KDTM theo Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhân viên Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh hướng dẫn người nhà bệnh nhân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Nhân viên Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh hướng dẫn người nhà bệnh nhân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.

Bước tiến đáng mừng

Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã hợp tác với các đối tác để giới thiệu loại thẻ TT mới với nhiều tiện ích hơn cho khách hàng khi mua sắm KDTM. Hiện, hệ thống bán lẻ thuộc Saigon Co.op đang áp dụng chính sách hoàn tiền từ 20% (từ thứ hai đến thứ năm) và hoàn tiền mức 50% (từ thứ sáu đến chủ nhật) cho khách hàng TT bằng thẻ Sacombank. Giám đốc Ma-ket-ting Saigon Co.op Đỗ Quốc Huy cho biết: Để duy trì thói quen mua sắm KDTM, Saigon Co.op sẽ liên kết với các đối tác để kéo dài thời gian ưu đãi, nhiều chương trình được thực hiện xuyên suốt trong nhiều tháng, thậm chí kéo dài đến cuối năm nay. Đồng thời, Saigon Co.op đặt mục tiêu trong vòng bốn hoặc 5 năm tới tỷ lệ TTKDTM tại các hệ thống bán lẻ đạt từ 30% tổng giá trị mua sắm. Trong tháng 6, nhiều ngân hàng và sàn giao dịch thương mại điện tử cũng áp dụng nhiều chương trình ưu đãi dành cho khách hàng KDTM.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến cho biết: Việc TTKDTM ở lĩnh vực giáo dục và y tế đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, Đề án Thẻ học đường SSC của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã triển khai đến hơn 400 trường ở các cấp học, thực hiện thu phí qua phần mềm quản lý dữ liệu học phí, phụ huynh có thể lựa chọn đóng học phí KDTM qua các kênh của ngân hàng. Đến nay, 80% số trường học ở thành phố đã KDTM đối với việc nộp học phí. Còn ở lĩnh vực y tế, có khoảng 50% số bệnh viện trên địa bàn áp dụng hẹn lịch và TT điện tử, trong đó có các bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Đại học Y dược, Nhi đồng 1, Từ Dũ, Nguyễn Tri Phương, Phạm Ngọc Thạch… Người dân chỉ cần một số thao tác đã có thể đặt lịch hẹn khám - chữa bệnh, TT viện phí từ xa, không cần phải tới bệnh viện từ 5 hoặc 6 giờ sáng để xếp hàng chờ tới lượt… Theo lãnh đạo thành phố, người dân đánh giá cao những lợi ích mà các kênh TT hiện đại, TTKDTM mang lại, góp phần đáng kể để giảm chi phí và thời gian làm thủ tục hành chính và sinh hoạt hằng ngày cho người dân.

Theo Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), trong bốn tháng đầu năm 2020, TT nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; TT qua kênh in-tơ-nét tăng 3,2% về số lượng và 45,7% về giá trị; TT qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019… TT điện tử trong khu vực dịch vụ công đã được chú trọng, tăng cường.

Đẩy mạnh nhiều giải pháp

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, bên cạnh những đơn vị tích cực áp dụng các giải pháp, công nghệ thực hiện TTKDTM, vẫn còn không ít cơ quan, đơn vị chưa nhiệt tình tham gia, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ công. Vì vậy, thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả xây dựng xã hội KDTM, nhất là trong bối cảnh thành phố đang định hướng phát triển đô thị thông minh.

Trong năm nay, lãnh đạo thành phố sẽ làm việc với các sở, ngành, đơn vị cung cấp dịch vụ công để quyết liệt thực hiện các giải pháp phát triển các phương thức TTKDTM trong dịch vụ công. Ở góc độ khác, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển thành phố (HDBank) Lê Thành Trung cho rằng, các đơn vị liên quan đã chuẩn bị đầy đủ, cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ TTKDTM nhưng mức độ hưởng ứng của người tiêu dùng vẫn chưa cao. Do vậy, các nhà cung ứng cần có giải pháp cũng như cách thức thể hiện phù hợp để người tiêu dùng thấy được sự thuận tiện, lợi ích, an toàn khi sử dụng phương thức TTKDTM; phải làm sao chứng minh được cái hay, cái lợi, an toàn hơn của TTKDTM so với cách TT bằng tiền mặt truyền thống thì mới thu hút người dân sử dụng hình thức TTKDTM.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết: NHNN sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm thúc đẩy TTKDTM. Đó là, hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển TTKDTM. Cùng với đó, triển khai có hiệu quả “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22-1-2020; tiếp tục đẩy mạnh TT điện tử trong khu vực Chính phủ; đồng thời, tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai có hiệu quả “Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2025”… Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cấp hạ tầng TT quốc gia, hạ tầng hệ thống TT bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ TT online, xử lý tức thời, dịch vụ 24/7 cho mọi đối tượng và người dân. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phát triển TT thẻ, thúc đẩy việc chuyển đổi thẻ chip; tạo thuận lợi cho việc kết nối với các ngành và lĩnh vực khác để cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ TT tiện ích, TT phi tiếp xúc và góp phần nâng cao tính an toàn, bảo mật trong hoạt động TT thẻ. Song song đó, tăng cường công tác giám sát để bảo đảm các hệ thống TT hoạt động an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong TT điện tử; giám sát để bảo đảm các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian TT hoạt động đúng quy định…