Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa

Nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sau thời gian bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19, góp phần hưởng ứng hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình kích cầu tiêu dùng năm 2020…
 

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm hàng hóa, nông sản tại một gian hàng trong khuôn khổ chương trình kích cầu tiêu dùng năm 2020.
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm hàng hóa, nông sản tại một gian hàng trong khuôn khổ chương trình kích cầu tiêu dùng năm 2020.

Chương trình diễn ra từ ngày 2 đến 5-7 tại số 19, đường Đào Trinh Nhất, phường Linh Tây, quận Thủ Đức. Theo Ban tổ chức, có khoảng 650 gian hàng của các DN, cơ sở sản xuất, hợp tác xã… tham gia chương trình. Tại đây, các gian hàng giới thiệu, bày bán những sản phẩm chủ lực, bình ổn thị trường, sản phẩm của các DN uy tín, đặc sản vùng miền, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, nông sản, thực phẩm đạt chuẩn an toàn, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của địa phương... Đây là chương trình kích cầu tiêu dùng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở thành phố. Trong khuôn khổ chương trình, để kích thích tiêu dùng, đẩy mạnh hoạt động bán hàng, tăng doanh số, các DN tham gia được phép khuyến mãi vượt mức 50%, thậm chí lên tới 90% giá trị sản phẩm hàng hóa so với thông thường. 

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Nguyễn Huỳnh Trang, khoảng 90% DN, cơ sở sản xuất tham gia chương trình thực hiện khuyến mãi hàng hóa và đây là cơ hội để người tiêu dùng tìm mua được những sản phẩm có chất lượng với giá bán rất ưu đãi. Ban tổ chức cũng thiết kế riêng một khu vực để các DN gặp gỡ, kết nối trực tiếp giữa đơn vị sản xuất với nhà phân phối, giữa các đơn vị sản xuất với nhau, đơn vị sản xuất với xuất khẩu; triển lãm giới thiệu sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng của thành phố và những sản phẩm đặc sản, đặc trưng của các tỉnh, thành phố; sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu trên cả nước. Chương trình còn có hoạt động quảng bá, thu hút thương nhân chợ đầu mối, chợ truyền thống và người tiêu dùng đến tham quan, tìm hiểu hàng hóa.

Tham gia chương trình, bên cạnh những thương hiệu lớn như sữa Vinamilk, thực phẩm VISSAN, dệt may Việt Tiến, Nhà Bè, điện máy Thiên Hòa…, các DN và cơ sở sản xuất nhỏ cũng xuất hiện khá nhiều. Đại diện cơ sở sản xuất Miền Tây Xanh (huyện Cần Đước, Long An) cho biết: “Trong thời gian diễn ra chương trình kích cầu này, các sản phẩm ống hút bằng cỏ bàng của chúng tôi được giảm 40% giá bán. Hiện, chúng tôi cũng đang có các sản phẩm ống hút cỏ bàng dành cho các quán cà-phê và quán ăn với giá chỉ từ 100 đến 200 đồng/ống”. 

Công ty cổ phần sản xuất nông sản Kim Sáng (quận 12) có chương trình bán gạo sạch đồng giá 60 nghìn đồng/4 kg hoặc 70 nghìn đồng/4 kg, với mức giảm giá từ 17% đến 56% so với ngày thường, tùy theo loại gạo. Tổ hợp tác sầu riêng phụ nữ xã Tân Phú (huyện Châu Thành, Bến Tre) đã mang tới chương trình 200 kg sầu riêng để giới thiệu với các DN phân phối, người tiêu dùng; qua đó mong muốn kết nối được với các DN phân phối, siêu thị lớn để có đầu ra ổn định với giá cả hợp lý cho 15 ha sầu riêng của bà con nông dân tại quê nhà... 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, thị trường nội địa giữ vai trò quan trọng, là trụ cột trong việc khôi phục và phát triển kinh tế. Mục đích của chương trình kích cầu tiêu dùng là tạo điều kiện, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa; hỗ trợ DN phát triển thị trường tiêu thụ; tạo điều kiện, hỗ trợ DN giải quyết nhanh lượng hàng tồn kho; tiếp tục phát huy kết quả đạt được của chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa các năm qua…

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau dịch Covid-19, thành phố đã liên tục phối hợp các tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện những chương trình kích cầu tiêu dùng. Thông qua việc ủng hộ hàng nội địa chúng ta sẽ phát huy, khai thác được ở mức cao nhất tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam…

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nhằm khôi phục lại tình hình sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19, toàn hệ thống chính trị đã tập trung thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, có biện pháp mạnh kích cầu, đẩy mạnh tiêu dùng. Trong đó, tập trung mạnh cho thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

Việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa là nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay, tạo nền tảng thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế của nước ta trong thời gian tới. Để làm được điều này, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công thương và các cấp, ngành, đặc biệt là các địa phương trên cả nước…