Công khai, minh bạch để thu hút đầu tư theo hình thức PPP

Ðầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được xem là một trong những giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán thiếu vốn tại TP Hồ Chí Minh hiện nay.

Công trình chống ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu được đầu tư bằng hình thức PPP. Trong ảnh: Khu vực thi công cống ngăn triều thuộc địa bàn huyện Nhà Bè.
Công trình chống ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu được đầu tư bằng hình thức PPP. Trong ảnh: Khu vực thi công cống ngăn triều thuộc địa bàn huyện Nhà Bè.

Do đó, thành phố cần công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính để thu hút nhiều nhà đầu tư thực hiện các dự án bằng hình thức này, tạo đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Hồ Chí Minh cho thấy, để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020), tổng nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách của thành phố là 326 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, khả năng cân đối từ ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được hơn 50% nhu cầu. Do đó, ngoài nguồn vốn từ ngân sách, thành phố đã và đang tập trung huy động vốn đầu tư bằng nhiều hình thức để tạo nguồn lực phát triển trên địa bàn, trong đó có đầu tư theo hình thức PPP.

Tính từ năm 2000 đến nay, thành phố có 22 dự án đã hoàn tất ký kết hợp đồng đầu tư theo hình thức PPP với tổng vốn đầu tư gần 70 nghìn tỷ đồng, gồm: 16 dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, ba dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, hai dự án thuộc lĩnh vực môi trường và một dự án thuộc lĩnh vực văn hóa. Thành phố đang tiếp tục thực hiện 130 dự án đầu tư bằng hình thức PPP. Hiện, các dự án này ở bước chuẩn bị đầu tư, như lập, phê duyệt đề xuất dự án; lập phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; đàm phán ký kết hợp đồng dự án với tổng mức đầu tư dự kiến gần 381 nghìn tỷ đồng.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn từ đầu năm 2000 đến nay, dù có nhiều nỗ lực để huy động các nguồn lực đầu tư, nhưng thực tế khả năng huy động vốn đầu tư theo hình thức PPP của thành phố luôn thiếu hụt lớn so với nhu cầu đầu tư, chưa đáp ứng so với kỳ vọng.

PPP là quan hệ đối tác, bình đẳng giữa các bên tham gia hợp đồng; là hợp đồng dài hạn, ẩn chứa nhiều rủi ro trong tương lai, do đó cần có cách làm bài bản từng bước, bố trí đầy đủ nguồn lực đầu tư, chính sách rõ ràng và quan trọng là phải ổn định về chính sách. Việc thực hiện dự án đầu tư theo hình thức PPP cần bảo đảm nguyên tắc thị trường, đặt yếu tố cạnh tranh, công bằng, minh bạch lên hàng đầu và hợp đồng dự án đầu tư PPP phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và chủ đầu tư.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng, TP Hồ Chí Minh là một đô thị lớn, có tốc độ đô thị hóa nhanh; để duy trì lợi thế cạnh tranh cũng như giải quyết các thách thức hiện nay, thành phố cần đầu tư hạ tầng nhiều hơn, nhất là ở các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục và môi trường. Nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước, thành phố không đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng lớn về hạ tầng và dịch vụ. Thành phố cần thu hút nhiều hơn các dự án đầu tư theo hình thức PPP. Ðây là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề thiếu vốn hiện nay, đồng thời giải quyết được nhu cầu hạ tầng, gia tăng phúc lợi xã hội của thành phố. Ðể dự án đầu tư bằng hình thức PPP thành công, thành phố cần nhìn nhận đây là mô hình hợp tác dài hạn, trong đó khu vực công và tư cùng chia sẻ không chỉ về lợi ích mà cùng chia sẻ cả rủi ro. Ngoài ra, các quy định và thể chế phải cụ thể, rõ ràng nhằm tạo động lực cho các nhà đầu tư và để họ thật sự yên tâm khi bỏ vốn thực hiện các công trình.

Nhiều chuyên gia kinh tế có chung nhận định: Trong những năm gần đây, đầu tư bằng hình thức PPP có tác động lan tỏa hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung. Ðây là hình thức huy động vốn ổn định và giải quyết về nguồn vốn, đồng thời tiết kiệm ngân sách, giảm áp lực nợ công, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và tạo nên sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, theo thống kê, số lượng dự án đầu tư PPP chỉ chiếm 5% trong tổng số dự án đầu tư công của thành phố. Do đó, cần phải đổi mới tư duy mạnh mẽ để phát huy và huy động có hiệu quả nguồn vốn bằng kênh đầu tư này.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tổ chức thực hiện các cơ chế, giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư, trong đó tập trung vào các giải pháp chính về hoàn thiện khung pháp lý, quản lý đầu tư theo hình thức PPP, xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư. Bên cạnh đó, huy động từ nguồn lực đất đai, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để tạo vốn góp của Nhà nước tham gia các dự án đầu tư PPP và xây dựng danh mục dự án mời gọi đầu tư, triển khai một số dự án đầu tư PPP tiên phong…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh: PPP là một trong những phương thức đầu tư hết sức quan trọng, dù chưa đạt kết quả như mong muốn, nhưng thời gian qua đã được triển khai có hiệu quả tại thành phố và sẽ được tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Thành phố đang gặp rất nhiều thách thức, khó khăn trong thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án PPP, nhất là về các quy định pháp luật chưa được cụ thể hóa rõ ràng. Thành phố sẽ đẩy mạnh việc triển khai các dự án đầu tư bằng hình thức PPP với phương châm bảo đảm công khai, minh bạch và chia sẻ rủi ro, thành công đối với các nhà đầu tư.