Cơ hội cọ xát bổ ích cho các vận động viên

Giải bóng bàn quốc tế Cây vợt vàng mở rộng lần thứ 33 năm 2019 vừa kết thúc là dịp cọ xát quan trọng để bộ môn bóng bàn TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đánh giá thực lực của các vận động viên (VÐV).

Tay vợt Lê Đình Huy của TP Hồ Chí Minh thi đấu tại Giải bóng bàn quốc tế Cây vợt vàng lần thứ 33.
Tay vợt Lê Đình Huy của TP Hồ Chí Minh thi đấu tại Giải bóng bàn quốc tế Cây vợt vàng lần thứ 33.

Mục tiêu chính của bóng bàn Việt Nam trong năm 2019 là tìm Huy chương vàng tại Ðại hội thể thao Ðông - Nam Á lần thứ 30 (SEAgames 30) tổ chức tại Phi-li-pin vào cuối năm nay.

Giải bóng bàn quốc tế Cây vợt vàng mở rộng lần thứ 33 năm 2019 đã thu hút hơn 100 tay vợt tên tuổi của Việt Nam và châu lục tham gia. Theo Liên đoàn Bóng bàn TP Hồ Chí Minh, đây là giải bóng bàn quốc tế do TP Hồ Chí Minh tổ chức hằng năm, có chất lượng chuyên môn cao, được đưa vào hệ thống thi đấu tính điểm của Liên đoàn Bóng bàn quốc tế (ITTF) và Liên đoàn Bóng bàn châu Á (ATTU). Ðây là cơ hội tốt để các VÐV nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời tạo thêm động lực để phong trào bóng bàn của Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Tại giải lần này, đội nữ chủ nhà TP Hồ Chí Minh tăng cường thêm hai ngoại binh người Trung Quốc là Sun Chen và Liu Ying để cùng Mai Hoàng Mỹ Trang và Nguyễn Khoa Diệu Khánh tạo ra đội hình khá mạnh để cạnh tranh chức vô địch đồng đội nữ. Tuy nhiên, mục tiêu này đã không thể hoàn thành do chấn thương đáng tiếc của tay vợt Mai Hoàng Mỹ Trang khi giải mới bắt đầu, ngoài ra các tay vợt khác của TP Hồ Chí Minh đã thi đấu không thật sự ấn tượng tại giải đấu lần này, lần lượt bị loại sớm trước các đối thủ đến từ các quốc gia khác. TP Hồ Chí Minh chỉ vô địch ở nội dung đơn nữ nhờ ngoại binh Sun Chen.

Theo Trưởng Bộ môn bóng bàn TP Hồ Chí Minh Từ Nhân Luân: Việc một số tay vợt chủ lực của thành phố chững lại đã được dự báo, nhưng các tay vợt kế thừa chưa theo kịp là điều mà bóng bàn thành phố sẽ phải giải quyết sớm trong thời gian tới. Các tay vợt như Thanh Thư (23 tuổi), Hồ Phương Uyên (21 tuổi) và Diệu Khánh (20 tuổi) đều có nhiều cơ hội tiến xa hơn khi tuổi đời còn rất trẻ. Ngoài ra, với sự phát triển nhanh của các tay vợt khác trong nước cũng sẽ là động lực để các tay vợt trẻ TP Hồ Chí Minh phấn đấu khẳng định tên tuổi của mình.

Những năm qua, với tay vợt chủ lực Mai Hoàng Mỹ Trang, bóng bàn nữ TP Hồ Chí Minh đã gặt hái khá nhiều thành tích ở các giải đấu trong nước cũng như quốc tế. Riêng với lực lượng VÐV nam, bóng bàn TP Hồ Chí Minh vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác đào tạo, tìm kiếm tài năng. Theo ông Từ Nhân Luân, việc cần làm ngay lúc này là Liên đoàn Bóng bàn TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung tìm kiếm "mầm non" tài năng để đào tạo bài bản, lâu dài; có phương án khả thi nhằm giúp các em vừa có thể tập luyện tốt, vừa bảo đảm học văn hóa. Cùng với đó, mở rộng tìm kiếm, thu hút các VÐV triển vọng từ các địa phương khác "đầu quân" cho thành phố.

Một điều đáng mừng với bóng bàn TP Hồ Chí Minh là môn thể thao này vẫn nhận được sự ủng hộ và theo dõi của đông đảo người hâm mộ. Trong những ngày diễn ra Giải bóng bàn quốc tế Cây vợt vàng lần thứ 33, hàng nghìn khán giả đã đến Nhà thi đấu thể dục, thể thao Nguyễn Du để theo dõi các tay vợt thi đấu. Khán giả vẫn dành cho các tay vợt của TP Hồ Chí Minh nói riêng và các đội trong nước nói chung, sự tin yêu, kỳ vọng.