Chứng tích một thời hào hùng

Những ngày cuối tháng Tư này, chúng tôi về thăm lại nơi đã diễn ra trận đánh khốc liệt của chiến dịch mùa xuân Mậu Thân 1968. Vùng chiến trường xưa ngay trong lòng thành phố, nay là đường Ngô Đức Kế, phường 12, quận Bình Thạnh. Nơi đây, một chứng tích dù trải qua 55 năm, nhưng vẫn còn nguyên theo thời gian: Ngôi nhà số 62, ngoài là trạm cứu thương, trong nhà còn có căn hầm bí mật phục vụ các đồng chí lãnh đạo cách mạng trú ẩn và làm việc từ năm 1965 cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Căn nhà số 62, đường Ngô Đức Kế, nơi một thời là trạm cứu thương và có hầm bí mật trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Ảnh: ĐINH CÔNG NAM
Căn nhà số 62, đường Ngô Đức Kế, nơi một thời là trạm cứu thương và có hầm bí mật trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Ảnh: ĐINH CÔNG NAM

Trạm cứu thương trong lòng địch

Căn nhà số 62, đường Ngô Đức Kế, phường 12, quận Bình Thạnh của bà Nguyễn Thị Cúc, được xây dựng bình thường như những phòng trọ cho thuê. Nơi đây, vẫn còn lưu giữ một chứng tích của một thời hào hùng, thể hiện tinh thần bền gan vững chí của những cán bộ cách mạng, mưu trí hoạt động ngay trong lòng địch. Đằng sau cánh cổng là một dãy nhà xây liền nhau được ngăn ra từng phòng cho các hộ gia đình sinh sống. Bà Nguyễn Thị Cúc vui vẻ kể về căn hầm bí mật trong nhà và “Trạm cứu thương” điều trị thương binh ngay trong những ngày chiến dịch Mậu Thân 1968, chính là ngôi nhà bà đang sinh sống. Bà là con dâu ông Nguyễn Thanh Giảng, cán bộ hoạt động bí mật trong Ban Trí vận Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định. Ông đã xây dựng căn nhà này với mục đích làm trạm cứu thương, chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân. Lúc đó, ông còn mưu trí xây thêm hầm bí mật ngay trong nhà. Nghe bà Cúc giới thiệu về căn hầm bí mật, chúng tôi ngạc nhiên nhìn quanh, trong căn phòng chỉ rộng khoảng 12 m2, hoàn toàn không có dấu hiệu của căn hầm bí mật nào cả. Bà Cúc giải thích: “Cái độc đáo của căn hầm bí mật này không giống như bất kỳ căn hầm nào khác. Bố chồng tôi không đào đất làm hầm mà xây hầm trên trần nhà”. Chúng tôi nhìn quanh trên trần nhà vẫn không tìm ra nơi nào biểu hiện có hầm bí mật. Bà Cúc cười vui: “Như vậy mới gọi là hầm bí mật”. Rồi bà hướng dẫn: “Các anh hãy nhìn vào cây đà trên trần nhà, bắt ngang bằng phẳng, không ai nghĩ được bên trong đó lại là cái hầm kín mít chỉ có một lỗ thoát hơi nhỏ xíu dẫn ra tới ngoài đường. Miệng hầm được đậy kín, phẳng y hệt trần nhà cho nên nhìn bằng mắt thường khó lòng phát hiện ra được”. Bà Cúc nói: “Bố chồng tôi xây căn nhà này từ năm 1965, để chuẩn bị làm trạm cứu thương, còn căn hầm ông xây để phục vụ cán bộ cách mạng. Do đó, căn nhà được thông qua nhà ông Đặng Xuân Nhật kế bên, làm nơi tiếp viện hậu cần cho mặt trận năm 1968”. Khi biết ông Nguyễn Thanh Giảng là cán bộ của Ban Trí vận Mặt trận, chúng tôi tìm gặp ông Kiều Xuân Long, vì trong thời điểm chiến dịch Mậu Thân 1968, ông Kiều Xuân Long là Chánh Văn phòng của Ban Trí vận Khu ủy Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, hiện nay đang sinh hoạt tại Ban Liên lạc Khối Trí vận của Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam. Ông Kiều Xuân Long xác nhận: Căn nhà của ông Nguyễn Thanh Giảng chẳng những là trạm cứu thương tiền phương, mà còn là nơi đón nhận nhiều cán bộ cấp cao của Mặt trận về đây trú ngụ, công tác, như ông Đặng Xuân Phong (gọi là Tư Đen) một cán bộ lãnh đạo của Trí vận cũng từng trú ngụ ở đây. Ông Nguyễn Thanh Giảng mất năm 1971, để lại căn nhà nơi mà ông đặt làm trạm cứu thương và hoạt động cách mạng cho tới nay, các con của ông vẫn gìn giữ nguyên hiện trạng, xem như một di tích chiến tranh quý hiếm.

Di tích quý

Vùng Đồng Ông Cộ xưa kia mênh mông và còn hoang vắng, chưa có đường nhựa, rất ít nhà xây tường, không điện, đêm về cả xóm chìm trong tối tăm mịt mờ vắng tanh. Nhà cửa thưa thớt, những ánh đèn dầu leo lét ảm đạm giữa đêm trường, từ những căn nhà ọp ẹp nép mình dưới những hàng tre rậm rạp, hoặc dưới những gốc cây sao cổ thụ cao chất ngất. Cứ mỗi khi triều cường nước dâng cao ngập khắp xóm. Người dân trong xóm phải làm những chiếc xuồng dã chiến để đưa trẻ con đi học. Sau khi nước rút, đường đất lầy lội, trơn trượt đi lại rất khó khăn. Các tích kể lại rằng, xưa kia có ông già làm ruộng, cứ mỗi năm đến mùa nước nổi, ông đánh trâu kéo cộ đưa các cháu đi học. Ngày qua tháng lại, với câu chuyện thắm đượm tình người như vậy, mọi người gọi đây là Đồng Ông Cộ. Chỉ cách Chợ Bà Chiểu chừng ba cây số, vậy mà hai nơi rất khác biệt. Với địa hình như vậy, rất thuận lợi cho công tác hoạt động cách mạng. Căn nhà của ông Nguyễn Thanh Giảng tuy nằm giữa cánh đồng hoang vắng, nhưng lại là một điểm nóng luôn bị rình rập, bố ráp ngày đêm. Trong bao hiểm nguy, cán bộ cách mạng vẫn gan dạ, bền bỉ, mưu trí hoạt động an toàn. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, cả khu vực Đồng Ông Cộ bị oanh kích tan hoang. Thế nhưng, thật may mắn, căn nhà là một cứ điểm tiền phương ngay mặt trận Đồng Ông Cộ, tiếp nhận thương binh tại chiến trường để sơ cứu chuyển về tuyến sau, lại còn gần như nguyên vẹn. Khi chiến dịch Mậu Thân kết thúc, căn nhà này vẫn hoạt động với căn hầm bí mật, vẫn luôn có cán bộ cách mạng đi về công tác cho đến ngày giải phóng. Căn hầm bí mật hiện vẫn còn như xưa. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng nên tạo điều kiện bảo vệ, gìn giữ những di tích một thời hào hùng của chiến dịch Mậu Thân lịch sử như căn nhà 62 Ngô Đức Kế.