Chung tay vì thành phố sạch đẹp, văn minh

Những năm qua, bên cạnh những thành tựu đạt được trên nhiều lĩnh vực, TP Hồ Chí Minh cũng đang phải đối phó những khiếm khuyết của quá trình đô thị hóa, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường. Đây là vấn đề không thể giải quyết trong thời gian ngắn, của một đơn vị cụ thể nào mà cần có sự đồng bộ thực hiện nhiều giải pháp để đạt được hiệu quả cao hơn…
Đoàn viên, thanh niên Công an TP Hồ Chí Minh dọn vệ sinh, bảo vệ môi trường.
Đoàn viên, thanh niên Công an TP Hồ Chí Minh dọn vệ sinh, bảo vệ môi trường.

Giảm ô nhiễm môi trường là một trong bảy Chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 10, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định. Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình hành động số 13-CTrHĐ/TU ngày 25-10-2016 về giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020 và triển khai cuộc vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.

Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp ở thành phố đã xây dựng kế hoạch, chương trình phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị để thực hiện. Thông qua nhiều hình thức, giải pháp khác nhau, các đơn vị, địa phương đã huy động sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân.

Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã phối hợp các sở, ngành, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, chính trị để triển khai “Giờ trái đất”, “Làm cho thế giới sạch hơn”, “Ngày hội sống xanh”, “Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”,… mang thông điệp về bảo vệ môi trường xanh đến mọi người. Ngành giáo dục và đào tạo thành phố tuyên truyền về vấn đề giảm ô nhiễm môi trường; phát động và triển khai nhiều phong trào hiệu quả như: “Trường học không rác”, “Học sinh không xả rác”, “Môi trường sư phạm xanh - sạch - đẹp”,…

Những chuyển động tích cực trong công tác nâng cao ý thức về môi trường có sự đóng góp của hệ thống MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở thành phố. Ở hầu khắp các đơn vị đều triển khai những phong trào bảo vệ môi trường và đạt được những kết quả bền vững. Có thể kể đến như: Hội Liên hiệp Phụ nữ với mô hình “Biến rác thành tiền”, “Chống rác thải nhựa”; Thành đoàn có mô hình “Công trình thanh niên chuyển hóa các tụ điểm rác ô nhiễm, xây dựng không gian xanh”;… Các quận, huyện cũng có nhiều mô hình hay như: “Cải tạo điểm rác, trồng rau sạch, cây thuốc” tại quận 6; mô hình “Vì dòng kênh xanh quận 8”…

Sau gần một năm triển khai thực hiện, cuộc vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Với hơn 1,3 triệu hộ dân ký cam kết không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định; xóa hơn 500 điểm đen về rác thải; áp dụng các giải pháp (lắp ca-mê-ra giám sát, sắp xếp lại việc thu gom rác,…) là những kết quả tạo tiền đề quan trọng để thành phố, các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả hơn việc xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo Ban Dân vận Thành ủy, bảo vệ môi trường là hoạt động của cả cộng đồng, nhưng trên thực tế, công tác này thời gian qua chỉ mới huy động được đoàn viên, hội viên, cán bộ, công chức và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia. Dù đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, song ý thức giữ gìn môi trường của một bộ phận người dân vẫn chưa có sự chuyển biến đáng kể…

Đến nay, các chế tài để xử lý các hành vi xả rác bừa bãi vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể. Những bất cập trong công tác thu gom, phân loại, vận chuyển rác,… tồn tại nhiều năm nay vẫn chưa có giải pháp phù hợp với thực tế hiện tại. Trong khi đó, nhiều chỉ tiêu về xử lý môi trường như: Khí thải, nước thải môi trường, lượng chất gây ô nhiễm trước khi xả thải,… đều đang có nguy cơ không thể hoàn thành theo mục tiêu đã đề ra.

Các đơn vị, địa phương cần tăng cường nhiều hơn các hình thức tuyên truyền, cổ động trực quan sinh động, đồng thời nhân rộng các mô hình, điển hình, cách làm hay trong bảo vệ môi trường. UBND thành phố cần xây dựng đề án tổng thể về hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải,… để triển khai có hiệu quả tại các địa phương cũng như thu hút nguồn lực xã hội hóa trong giải quyết vấn đề này. Thành phố cần có cơ chế khuyến khích cộng đồng dân cư thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường, kiểm tra, giám sát các vấn đề liên quan môi trường trong cộng đồng dân cư.

Cùng với đó, công tác xử lý vi phạm về môi trường, nhất là khu vực dân cư cũng cần được triển khai nghiêm túc và thường xuyên. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần nâng cao hơn nữa vai trò của mình thông qua triển khai các phong trào, mô hình sát với đời sống nhân dân, khơi gợi ý thức từng người dân thành phố cùng chung tay xây dựng thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn minh…