Chung tay bảo vệ môi trường

Hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị xanh-sạch, phát triển bền vững, TP Hồ Chí Minh triển khai mạnh mẽ Chương trình đột phá giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020 với 16 chỉ tiêu đánh giá và năm nhóm giải pháp thực hiện. Nhờ nỗ lực của hệ thống chính trị và sự tin tưởng, ủng hộ của người dân, chương trình tạo chuyển biến tích cực về vệ sinh, môi trường (MT) toàn thành phố, góp phần nâng cao chất lượng sống người dân.

Ðoàn viên, thanh niên cùng người dân khu phố 4, phường Tăng Nhơn Phú A (quận 9) dọn dẹp vệ sinh đường phố.
Ðoàn viên, thanh niên cùng người dân khu phố 4, phường Tăng Nhơn Phú A (quận 9) dọn dẹp vệ sinh đường phố.

Chuyển biến về vệ sinh, môi trường

Là phường có dân số đông (hơn 9 triệu người), Trung tâm kinh tế - dịch vụ lớn nhất nước, thành phố hiện có 18 khu công nghiệp (KCN) với 1.300 nhà máy hoạt động tập trung trong KCN và khoảng 3.000 cơ sở sản xuất lớn, nhỏ nằm ngoài KCN. Cùng với việc phát triển nhanh về kinh tế, thành phố đang đứng trước thách thức rất lớn về tình trạng ô nhiễm MT. Ðể giải quyết vấn đề này, chương trình giảm ô nhiễm MT giai đoạn 2016-2020 của thành phố đề ra mục tiêu tập trung kiểm soát, ngăn chặn, giảm ô nhiễm không khí, nước mặt, nước ngầm, chất thải; gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ MT. Qua 5 năm, chương trình đã hoàn thành 12/16 chỉ tiêu đặt ra, còn 4/16 chỉ tiêu đang tiếp tục triển khai thực hiện.

Giám đốc Sở Tài nguyên và MT thành phố Nguyễn Toàn Thắng, đánh giá: "Trong những năm qua, công tác nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ MT và ứng phó biến đổi khí hậu, không xả rác ra đường, kênh rạch được triển khai đồng loạt trên toàn thành phố, qua đó đã tạo được chuyển biến tích cực về vệ sinh, MT, giảm đáng kể các điểm ô nhiễm do rác thải, tình trạng rác tồn đọng trên các tuyến đường đã phần nào hạn chế. Công tác nạo vét, dọn cỏ rác, vớt lục bình được triển khai thực hiện thường xuyên, góp phần tạo cảnh quan, thông thoáng dòng chảy. Song song đó, các cơ quan chức năng cũng xử lý nghiêm các đối tượng thực hiện hành vi bỏ rác không đúng nơi quy định, hạn chế tình trạng rác tự phát và rác người dân để trên vỉa hè". Ðến nay, thành phố đã hoàn thành các chỉ tiêu như: Tỷ lệ cơ sở công nghiệp thực hiện xử lý nước thải tăng từ 85% lên 97% với tổng lượng nước thải xử lý là 99%. Tỷ lệ cơ sở công nghiệp đầu tư hệ thống xử lý khí thải tại nguồn hoặc sử dụng nhiên liệu ít gây ô nhiễm (điện, DO, CNG…) đạt chỉ tiêu đề ra (98%). Tất cả các bệnh viện đều được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tỷ lệ năng lượng tái tạo hiện nay đạt khoảng 1,8%, vượt chỉ tiêu 0,06%. Vận dụng hiệu quả các phần mềm điện tử trong công tác quản lý vi phạm trật tự đô thị nhằm giải quyết những phản ánh, bức xúc của người dân về tình trạng ô nhiễm MT…

Ðặc biệt, kết quả quan trọng, đột phá trong giai đoạn này là đã vận động người dân toàn thành phố quan tâm phân loại rác tại nguồn, giảm sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và hình thành ý thức bảo vệ MT trong sinh hoạt hằng ngày, hình thành thói quen tiêu dùng xanh. Thành phố đã triển khai xây dựng và vận hành ba nhà máy đốt rác phát điện công nghệ tiên tiến; công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn bảo đảm kịp thời, không để xảy ra tình trạng tồn đọng chất thải trong ngày. Nổi bật nhất là nhiều điểm đen về rác thải gây ô nhiễm MT trên địa bàn thành phố được các địa phương xử lý dứt điểm. Theo thống kê, toàn thành phố đã giảm 715/747 điểm tồn đọng rác gây ô nhiễm MT, đạt tỷ lệ 95,7%; trang bị thêm hơn 34.000 thùng rác công cộng; xã hội hóa lắp đặt, bổ sung hơn 28.000 ca-mê-ra an ninh kết hợp giám sát chất lượng vệ sinh MT trên đường phố và dọc các tuyến kênh rạch. Thành phố có hơn 2.000 công trình, mô hình của quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các tổ chức chính trị, xã hội đưa vào thực hiện góp phần giảm ô nhiễm MT. Ðến tháng 5-2020, thành phố có 190 phường, xã, thị trấn được công nhận đạt danh hiệu "Phường - xã - thị trấn không xả rác ra đường, kênh rạch" cấp quận, huyện (đạt tỷ lệ 59%).

Phát huy sức mạnh từ trong dân

Là cán bộ địa phương năng nổ trong mọi hoạt động tuyên truyền và triển khai các chỉ đạo của thành phố về công tác bảo vệ MT, ông Nguyễn Văn Thương, Trưởng khu phố 4, phường Tăng Nhơn Phú A (quận 9) được rất nhiều người dân trong khu phố tin tưởng. Ðó là lý do khiến phong trào xóa các điểm đen ô nhiễm MT trên địa bàn phường hay các hoạt động vận động giữ gìn vệ sinh đường phố, vận động người dân mua thùng rác có nắp đậy, thực hiện phân loại rác tại nguồn… được người dân hưởng ứng và đạt kết quả rất khả quan. Ông Nguyễn Văn Thương cho rằng: "Các chủ trương của thành phố về công tác bảo vệ MT trong thời gian qua rất thiết thực nên nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng rất lớn từ người dân. Tuy nhiên, để các chủ trương triển khai được, cán bộ phải tăng cường tuyên truyền, phải nêu gương làm trước, người dân mới tin và làm theo. Qua theo dõi tôi thấy, sau từng tháng, từng quý, công tác giữ gìn vệ sinh MT tại khu phố thay đổi rõ rệt theo hướng tích cực, các điểm đen tự phát không còn nữa, tình trạng vứt rác bừa bãi giảm hơn 70%. Ðó là kết quả của triển khai quyết liệt, kết hợp giữa vận động, chế tài xử phạt và ra quân tuyên truyền thường xuyên đến tận người dân. Nhờ đó, hoạt động bảo vệ MT trên địa bàn khu phố có sự tham gia của tất cả các thành phần từ đoàn viên, thanh niên, sinh viên, dân quân tự vệ đến cả các cụ hưu trí, người cao tuổi…".

Theo kế hoạch triển khai chương trình giảm ô nhiễm MT, trong thời gian tới, UBND thành phố yêu cầu, bên cạnh kết nối lồng ghép các chương trình đột phá, các cấp ủy chính quyền địa phương cần phát huy vai trò của mình trong việc vận động quần chúng nhân dân tham gia cùng chính quyền trong công tác bảo vệ MT. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ MT và ứng phó biến đổi khí hậu đến cộng đồng dân cư thường xuyên, liên tục. Trong đó, tập trung vào thành phần học sinh, sinh viên và lao động nhập cư để thay đổi thói quen bảo vệ MT trong sinh hoạt hằng ngày như hạn chế sử dụng túi ni-lông khó phân hủy, sử dụng pin năng lượng mặt trời để tiết kiệm điện, hạn chế khai thác nước ngầm, sử dụng tiết kiệm nước. Theo đó, thành phố tăng cường thực thi pháp luật như phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ðồng thời, ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc kinh doanh sử dụng túi thân thiện MT thay thế túi ni-lông khó phân hủy; khuyến khích chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp để tăng hiệu quả cho công tác thu gom rác; ưu đãi thu hút các nhà đầu tư vào công trình nhà máy xử lý nước thải đô thị.