Chú trọng lợi ích cộng đồng trong quy hoạch bờ sông

Với đặc thù có hơn 100 km tuyến sông Sài Gòn cùng hệ thống kênh, rạch chạy dọc thành phố góp phần phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch, nhưng TP Hồ Chí Minh lại thiếu chiến lược bền vững trong quy hoạch sông nước.

Hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được thành phố cải tạo, chỉnh trang đã tạo bộ mặt đô thị khang trang và hiện đại.
Hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được thành phố cải tạo, chỉnh trang đã tạo bộ mặt đô thị khang trang và hiện đại.

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã cho biết: Tuyến sông Sài Gòn có chiều dài 111,8 km đi qua địa bàn TP Hồ Chí Minh bắt đầu từ ranh giới tỉnh Tây Ninh đến ngã ba Ðèn Ðỏ. Tuy nhiên, thành phố mới xây dựng kè bờ sông được khoảng 33 km trong số 223 km, chiếm tỷ lệ 15%, một tỷ lệ quá khiêm tốn. Ðiều đáng nói, ngoài một số đoạn kè được đầu tư từ ngân sách nhà nước có tính mỹ quan, chất lượng cao, các đoạn còn lại chỉ mang tính tạm thời, không đồng bộ và hiện nay đã xuống cấp, không bảo đảm mỹ quan đô thị. Ngoài ra, năm tuyến kênh, rạch nội thành chính (như Thanh Ða, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Lò Gốm, rạch Bến Nghé, Lò Gốm - Ông Buông) với tổng chiều dài kè bờ 47,13 km đã xây dựng hoàn chỉnh. Các tuyến kênh khác như kênh Tẻ, kênh Ðôi và sông Vàm Thuật - Bến Cát - Trường Ðay - kênh Tham Lương - rạch Nước Lên với chiều dài 71,47 km thì đang được nghiên cứu hoặc đã có dự án đầu tư xây dựng kè bờ nhằm chỉnh trang đô thị. Cũng theo Sở QH-KT, bên cạnh việc đầu tư xây dựng và chỉnh trang bờ kè, thành phố đã quy hoạch mười phân khu dọc sông Sài Gòn, có cập nhật quy hoạch mép bờ cao, hành lang bảo vệ bờ sông rộng từ 30 đến 60 m; thực hiện quy hoạch tuyến du lịch đường thủy, tuyến buýt sông; triển khai dự án chống ngập 10 nghìn tỷ đồng có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu… Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở QH-KT, nhìn chung tính định hướng, kết nối và khai thác tiềm năng, cảnh quan không gian hai bên bờ sông Sài Gòn chưa được quan tâm đúng mức (do chưa có công cụ về quy hoạch và thiết kế đô thị mang tính tổng thể, xuyên suốt toàn bộ tuyến sông), chưa đặt dòng sông, dòng kênh là yếu tố trung tâm trong quy hoạch, kế hoạch thực hiện và đầu tư. Ðáng lưu ý, chất lượng một số đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 còn hạn chế, chưa có giải pháp khai thác giá trị cảnh quan ven sông để phục vụ cho các hoạt động công cộng (thiếu lối tiếp cận công cộng đến công viên hành lang bờ sông). Bên cạnh đó, những bất cập chưa được giải quyết là tình trạng lấn chiếm hành lang bờ sông để sử dụng vào các mục đích cá nhân, xây dựng bến neo đậu ca-nô, tàu bè, kinh doanh nhà hàng,… còn phổ biến, nhất là tại các khu vực có mật độ đô thị hóa cao.

Ðặt vấn đề quy hoạch bờ sông một cách căn cơ, kiến trúc sư Võ Kim Cương cho rằng: Ðể khai thác hiệu quả quỹ đất trên hành lang sông, kênh, rạch, thành phố cần có một đồ án quy hoạch xây dựng gắn kết với các đồ án quy hoạch về giao thông thủy, quy hoạch thủy lợi chống ngập, quy hoạch du lịch, văn hóa giải trí, quy hoạch và thiết kế đô thị hai bên sông, kênh, rạch. Cũng theo kiến trúc sư Cương, để có đồ án quy hoạch có hiệu lực và khả thi, cần chú ý các khâu then chốt như: Khảo sát hiện trạng công trình, các đồ án quy hoạch và dự án thủy lợi chống ngập đang thực hiện; cập nhật thông tin hiện trạng sử dụng đất mặt tiền sông kênh rạch, nhất là các dự án có khả năng tạo nên cảnh quan sông nước của thành phố; cập nhật cơ sở pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến quy hoạch và quản lý xây dựng trên hành lang sông, kênh, rạch… Lưu ý, trước tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng ngày càng rõ rệt, PGS, TS Lê Trình, Viện trưởng Khoa học môi trường và phát triển đề xuất: "Thành phố phải nghiên cứu thêm việc kè hóa cứng hết toàn bộ bờ sông. Với tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng ngập ở thành phố sẽ ngày càng nặng nề, cho nên nếu kè cứng thì đến khi bị ngập sẽ không thể phá được. Thành phố phải có bản đồ độ cao, nơi nào không kè hóa thì mềm hóa, vừa đẹp tự nhiên, đỡ tốn kinh phí, vừa duy trì chức năng sinh thái. Có như vậy, dòng sông mới bảo đảm được việc cấp nước, thoát nước, cảnh quan, môi trường". Theo nhiều chuyên gia, nhà quản lý chuyên ngành về đô thị và quy hoạch, TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với các thách thức về môi trường như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, sụt lún đất... kết hợp với tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, thời tiết thất thường, xâm nhập mặn khiến các vấn đề về ngập úng, ô nhiễm môi trường đô thị càng diễn biến phức tạp. Do đó, việc khai thác không gian dọc các tuyến sông, kênh, rạch nội thành cần được nghiên cứu toàn diện để đưa ra định hướng, giải pháp phù hợp, hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và phát triển đô thị bền vững.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhận định: Tầm nhìn quy hoạch phát triển bờ sông Sài Gòn và các sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố cần được xây dựng trên nền tảng các mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch chung xây dựng thành phố, trong đó tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản như nâng cấp cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường và ngập nước. Trên cơ sở đó, mọi hoạt động đầu tư xây dựng của doanh nghiệp, nhà dân, hoặc quy hoạch phát triển kinh tế hạ tầng, chúng ta đều hướng tới xây dựng đô thị sông nước. Bờ sông, kênh rạch nội thành là không gian chung của người dân thành phố. "Tất cả chúng ta có trách nhiệm giữ gìn và xây dựng không gian ấy trở thành một đô thị sông nước hài hòa với tự nhiên, thân thiện với môi trường và góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố", đồng chí Võ Văn Hoan nhấn mạnh.