Chú trọng gìn giữ tài nguyên nước ngầm

UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) thành phố rà soát hiện trạng khai thác sử dụng nước dưới đất của các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN - KCX), các khu dân cư trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, lập kế hoạch thực hiện giảm khai thác sử dụng nước dưới đất, tiến đến ngừng khai thác sử dụng nước dưới đất theo lộ trình, bảo đảm nguồn cung cấp nước sạch đáp ứng yêu cầu sử dụng để thay thế…
Một giếng khai thác nước ngầm ở quận Tân Phú được công nhân của Sawaco trám lấp.
Một giếng khai thác nước ngầm ở quận Tân Phú được công nhân của Sawaco trám lấp.

Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có khoảng 100.000 giếng khoan khai thác nước ngầm với nhiều đường kính và độ sâu khác nhau. Tổng khối lượng nước ngầm đang được khai thác là hơn 680.000 m3/ngày đêm.

Từ năm 2018, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch giảm lưu lượng khai thác nước ngầm từ hơn 700 nghìn m3/ngày đêm xuống còn 100 nghìn m3/ngày đêm đến năm 2025. Mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ TN và MT hạn chế, ngừng cấp giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất trên địa bàn thành phố.

Theo Sở TN và MT TP Hồ Chí Minh, hiện nhu cầu khai thác và sử dụng nước ngầm trên địa bàn thành phố là gần 720 nghìn m3/ngày đêm. Trong đó, lưu lượng khai thác nước ngầm trong các hộ gia đình chiếm khoảng 50% với 356 nghìn m3/ngày đêm. Nhu cầu sử dụng nước ngầm không chỉ phổ biến ở khu vực ngoại thành mà ở khu vực nội thành nhiều hộ gia đình cũng sử dụng nước ngầm từ hệ thống giếng khoan. Bà Nguyễn Thị Hằng, ngụ đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận cho biết, sau khi gắn đồng hồ nước, gia đình bà chỉ dùng nước máy để uống, còn nấu ăn và tắm giặt vẫn bơm từ giếng khoan trong nhà để tiết kiệm chi phí. Sử dụng nước giếng thoải mái hơn nhiều so với nước máy, chỉ tốn tiền điện bơm nước.

Nhiều nơi dù đã phủ kín hệ thống nước máy nhưng không ít hộ dân vẫn sử dụng nước ngầm trong sinh hoạt hằng ngày. Một chủ cơ sở sản xuất nước đá ở đường Phan Văn Hớn, huyện Hóc Môn cho biết, cơ sở mỗi ngày sản xuất gần 30 bao (khoảng 300 ký) nước đá với nguồn nước lấy từ giếng khoan công nghiệp của cơ sở. Không chỉ tại các hộ gia đình, nhiều điểm rửa xe ở khu vực các quận 7, 9, Gò Vấp, Tân Phú và thậm chí ở khu vực quận 1, 3… cũng khai thác và tiêu thụ một khối lượng lớn nước ngầm để kinh doanh dịch vụ này.

Lý giải về thực trạng nêu trên, Phó Giám đốc Sở TN và MT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho rằng, người dân vẫn còn thói quen dùng nước giếng khoan và chưa nhận thức hết những tác hại của việc sử dụng nước ngầm cũng như hậu quả khi khai thác nước ngầm quá mức. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ tài nguyên nước cũng chưa được thực thi nghiêm túc cho nên tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan, sử dụng thiếu hợp lý vẫn tồn tại.

Một nghiên cứu từ Sở TN và MT TP Hồ Chí Minh cho thấy, đến năm 2020, nhiều khu vực ngoại thành sẽ bị sụt lún từ 12 đến 20 cm với nguyên nhân chính là từ hoạt động khai thác nước ngầm. Tình trạng sụt lún này cộng với biến đổi khí hậu, triều cường dâng cao sẽ làm cho tình hình ngập úng ở thành phố ngày càng nghiêm trọng.

Kết quả giám sát chất lượng nước ngầm định kỳ của Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy, chất lượng nước ngầm trên địa bàn thành phố, nhất là các mẫu nước giếng của hộ dân, hầu như có độ pH thấp, hàm lượng a-mô-ni cao vượt giới hạn cho phép, không bảo đảm sức khỏe cho người sử dụng; đạt tập trung tại các quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, huyện Hóc Môn.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) Bùi Thanh Giang nhận định, nguồn nước ngầm tự khai thác có chi phí rẻ hơn so với nước máy là một trong những lý do dẫn đến việc các hộ gia đình, các KCN - KCX sử dụng nguồn nước máy rất hạn chế. Tuy nhiên, hậu quả của việc khai thác nước ngầm quá mức và sử dụng nước ngầm không bảo đảm vệ sinh thì người dân chưa lường hết được.

Hiện, nguồn nước máy đã được cấp đến toàn bộ các hộ dân của thành phố với tổng lượng nước phát ra hơn 1,8 triệu m3/ngày đêm (dư khoảng 500.000 m3/ngày đêm). Trong khi một lượng lớn nước ngầm vẫn được người dân và doanh nghiệp khai thác, sử dụng là sự lãng phí lớn về tài nguyên nước cũng như đe dọa môi trường như đã nói ở trên…

Theo kết quả đo đạc của Bộ TN và MT, trong vòng 12 năm, phường An Lạc, quận Bình Tân bị lún tới 81,4 cm, là nơi có tốc độ sụt lún lớn nhất ở Nam Bộ. Để kiểm soát tình trạng này, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở TN và MT thành phố phối hợp chính quyền địa phương trám lấp các giếng ngầm hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác đúng kỹ thuật nhằm bảo vệ nguồn nước ngầm.

Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ yêu cầu giảm khai thác chứ chưa cấm và chưa có quy định, chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân đã được cấp nước máy nhưng vẫn khai thác, sử dụng nước ngầm. Để bảo vệ nguồn nước ngầm, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố đến năm 2025…