Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực quốc tế

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ, nhân lực chính là điểm tựa và khoa học - công nghệ là đòn bẩy cho sự tăng trưởng nhanh, bền vững của TP Hồ Chí Minh. Ðể đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và cả nước, ngành giáo dục và đào tạo (GD-ÐT) thành phố phải không ngừng đổi mới, phát triển mạnh mẽ, hội nhập với nền giáo dục tiên tiến của thế giới.

Triển lãm rô-bốt tự động hóa tại Hội nghị quốc tế thường niên Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh lần thứ 6, năm 2019.
Triển lãm rô-bốt tự động hóa tại Hội nghị quốc tế thường niên Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh lần thứ 6, năm 2019.

Gắn với xu thế hội nhập

Theo thống kê, giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông thành phố hiện có 2.385 trường, tăng 453 trường so với năm 2015, gồm: hơn 1.340 trường mầm non, 500 trường tiểu học, 280 trường THCS, gần 200 trường THPT, 32 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 34 trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Trong đó, khối công lập có 1.383 trường, chiếm tỷ lệ 58%; khối ngoài công lập có 1.002 trường, chiếm tỷ lệ 42%. Về giáo dục đại học (ÐH), thành phố có 54 trường ÐH, học viện với hơn 200 nghìn sinh viên đang theo học với nhiều ngành nghề khác nhau. Hội đồng Hiệu trưởng các trường ÐH đã được thành lập và đi vào hoạt động. Chương trình đào tạo được các trường ÐH thường xuyên điều chỉnh, trong đó, nhiều chương trình đào tạo tiên tiến được giảng dạy tại các trường, đặc biệt là các thỏa thuận hợp tác quốc tế. Có nhiều trường ÐH, cao đẳng triển khai liên kết đào tạo với nước ngoài với hơn 170 chương trình đào tạo liên kết, tạo điều kiện cho người học được tiếp cận các mô hình đào tạo tiên tiến của các nước trên thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh của người học trên thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Các trường ÐH cũng nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút sinh viên quốc tế đến học tập với hơn 4.000 sinh viên các nước trên thế giới đến học tập trong giai đoạn vừa qua. Nhiều sản phẩm từ công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ được đưa vào đời sống xã hội. Nhiều ngành đào tạo được kiểm định theo chuẩn quốc tế đã thật sự góp phần nâng cao vị thế và uy tín của các trường ÐH, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Cụ thể, trong 106 ngành đào tạo của các trường ÐH, cao đẳng được đánh giá và công nhận theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, có 84 ngành đạt chuẩn kiểm định quốc tế và 22 ngành được công nhận theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ÐT. Toàn thành phố có 38 trường ÐH, cao đẳng được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng của Bộ GD-ÐT và chuẩn đánh giá của các tổ chức quốc tế.

Giám đốc Sở GD-ÐT TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn cho biết: “Hiện, nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là nguồn lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ mà phải là nguồn nhân lực trình độ quốc tế, được đào tạo từ các chương trình đạt chuẩn quốc tế. Cùng với đó, lao động được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc trong môi trường toàn cầu, cạnh tranh tích cực với lao động từ mọi quốc gia trên thế giới và thích ứng nhanh chóng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ðại hội đại biểu Ðảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 10 đã xác định Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong bảy chương trình đột phá. Ðại hội đại biểu Ðảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa với việc chỉ đạo xây dựng, triển khai Ðề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, tập trung vào tám ngành trọng điểm, gắn chặt với nhu cầu phát triển trong thời gian tới, kết hợp với việc xây dựng mô hình ÐH chia sẻ”.

Ðào tạo nhân lực cho tám ngành trọng điểm

Cũng theo ông Lê Hồng Sơn, dựa trên quy mô và thực tế của ngành giáo dục, trong thời gian tới, thành phố tập trung xây dựng một số nhóm giải pháp để đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế. Cụ thể, đối với việc xây dựng nguồn nhân lực trình độ quốc tế từ giáo dục phổ thông, thành phố đã sớm đưa mục tiêu hội nhập vào các cấp học phổ thông. Các kỹ năng cần thiết đã được chú ý, giúp học sinh có hành trang vững chắc để hội nhập nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, tham gia thị trường lao động toàn cầu. Những chương trình, đề án đưa các chuẩn quốc tế về tiếng Anh, Tin học, chương trình phổ thông vào nhà trường đã được xã hội, các bậc phụ huynh và học sinh quan tâm, tham gia tích cực. Nội dung giáo dục kỹ năng thực hành xã hội, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tự học… cũng được đưa vào nhà trường ngày càng nhiều hơn. Công tác giao lưu, trao đổi các đoàn giáo viên, học sinh quốc tế được tổ chức thường xuyên, đa dạng, hiệu quả, giúp học sinh thành phố thêm hiểu biết về văn hóa các nước, tự tin và có thêm những kỹ năng giao tiếp với bạn bè thế giới. “Giáo dục phổ thông sẽ tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh sẵn sàng thích ứng, gia nhập vào quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thành phố đã xây dựng đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020 - 2030”. Ðây là tiền đề quan trọng để giáo dục thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả toàn diện công tác quản lý, hình thức tổ chức hoạt động dạy - học...”, ông Lê Hồng Sơn cho biết thêm.

Ngoài ra, Sở GD - ÐT thành phố đã phối hợp với Hội đồng Hiệu trưởng các trường ÐH xây dựng đề án tổng thể “Ðào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020 - 2035 và ÐH chia sẻ” cùng với chín đề án thành phần. Qua đề án này, thành phố tập trung đào tạo nhân lực có trình độ quốc tế của tám ngành trọng điểm: công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản trị doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng, y tế, du lịch, quản lý đô thị. Cùng với đó, thành  phố xây dựng học liệu mở, xây dựng cơ chế, chính sách hình thành mô hình ÐH chia sẻ. Ðây là những bước đi ban đầu trong quá trình xây dựng mô hình ÐH chia sẻ tại thành phố trong thời gian tới.