Chấn chỉnh tình trạng biến tướng các dự án nhà ở riêng lẻ

Tình trạng biến tướng trong xây dựng làm phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị và không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy… ở TP Hồ Chí Minh đang có chiều hướng gia tăng tại các quận nội thành. Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng có giải pháp kiểm soát tình trạng này…
 

Công trình nhà ở riêng lẻ tại quận Thủ Đức được rao bán là “chung cư mi-ni”.
Công trình nhà ở riêng lẻ tại quận Thủ Đức được rao bán là “chung cư mi-ni”.

Đầu năm 2018, lực lượng chức năng quận Thủ Đức đã phát hiện, xử phạt và yêu cầu tháo dỡ hai công trình nhà riêng lẻ. Theo đó, công trình ở đường số 36, phường Linh Đông khi được cấp phép chỉ là hai khối nhà riêng lẻ, nhưng trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư đã tự gộp hai khối, tăng diện tích sàn, phân chia làm nhiều phòng (diện tích từ 14 đến 20 m2), xây thêm buồng thang máy, cầu thang thép, gác lửng ở các tầng... rồi rao bán với tên gọi “chung cư mi-ni” Vietnam House Tower. 

Còn công trình ở đường số 8, phường Linh Chiểu cũng chỉ được cấp phép cho cá nhân xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ gồm bốn tầng nổi, một tầng hầm, một tầng lửng và mái che cầu thang. Tuy nhiên, chủ đầu tư cũng chào bán ra thị trường những căn hộ mi-ni với giá từ 380 đến 430 triệu đồng/phòng (sở hữu 20 năm) và hơn 600 triệu đồng/căn (sở hữu 50 năm)…

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhận định, hơn 10 năm qua, nhất là từ năm 2010 đến nay, tại TP Hồ Chí Minh đã nở rộ tình trạng biến tướng trong xây dựng nhà ở riêng lẻ thành “chung cư mi-ni”, “chung cư hộp diêm”, có nhiều tầng, nhiều căn hộ mi-ni tại các quận nội thành. Trong đó, có những công trình nhà “chung cư mi-ni” xây dựng trái phép, sai phép, làm phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, không đủ điều kiện để được cấp “sổ đỏ” cho người mua, làm phát sinh tranh chấp ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. 

Cũng theo ông Châu, xảy ra tình trạng nêu trên, nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ những bất cập của các quy định pháp luật về “phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân”. Tiếp đó là những hạn chế, yếu kém trong công tác thực thi pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước, nhất là ở cấp cơ sở. Ngoài ra, còn do các đầu nậu và một số doanh nghiệp liên kết với hộ gia đình, cá nhân và móc nối với một số cán bộ cấp cơ sở để thực hiện các công trình nhà “chung cư mi-ni” trái phép…

Theo Bộ Xây dựng, hiện nay, tại các khu vực đô thị của một số địa phương đã xuất hiện tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, cho nên một số hộ gia đình, cá nhân đã tự ý thực hiện việc xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ, mà không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng. Các sai phạm tập trung chủ yếu là tình trạng xây dựng không phép, sai phép, xây dựng sai quy hoạch, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng... rồi mua bán, chuyển nhượng, không được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các hoạt động này dẫn đến nhiều hệ lụy như: vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy, làm gia tăng nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư; gây quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đô thị; không cấp được Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở cho người mua căn hộ do vi phạm về thiết kế, mật độ xây dựng; làm gia tăng tình trạng tranh chấp, khiếu kiện giữa người mua và người bán căn hộ. Đáng chú ý, việc gia tăng mật độ dân số tại các khu vực này làm trầm trọng thêm tình trạng ách tắc giao thông, không bảo đảm vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương, phá vỡ quy hoạch, làm mất mỹ quan đô thị. 

Bộ Xây dựng đã đề nghị các địa phương phối hợp ngành chức năng tăng cường phổ biến, tuyên truyền quy định của pháp luật và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn, nhất là các công trình nhà ở riêng lẻ kiểu “chung cư mi-ni” có nhiều tầng, nhiều căn hộ, vi phạm các quy định pháp luật như: xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm không gian; hoặc không đúng với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; hoặc xây dựng nhà ở không bảo đảm chất lượng. 

Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương chủ động giải quyết vướng mắc, khiếu kiện, tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện các quy định về quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng, thi công xây dựng, quản lý chất lượng công trình nhà ở trên địa bàn. Đồng thời, với những nội dung cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, các địa phương cần tổng hợp, báo cáo về Bộ Xây dựng để xem xét sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp…

Đại diện Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt xử lý tình trạng xây dựng sai phép, không phép, trong đó có cả sự biến tướng các dự án nhà ở riêng lẻ thành “chung cư mi-ni”, nhưng thực tế tình trạng trên vẫn còn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do sự quản lý trật tự xây dựng nhiều nơi còn chưa nghiêm, trong khi đó, nhu cầu về nhà ở của người dân lại rất lớn. 

Biện pháp lâu dài và căn cơ nhất mà thành phố đang triển khai là tăng cường cải cách hành chính để người dân thực hiện thủ tục hành chính cấp phép xây dựng nhanh hơn, đơn giản hơn, tạo thuận lợi cho người dân, không vướng vào vi phạm xây dựng. Thời gian tới, Sở Xây dựng cần tăng cường kiểm tra hoạt động hành nghề tư vấn thiết kế, giám sát thi công, nhà thầu xây dựng… nhằm lập lại trật tự ở các lĩnh vực này; có chế tài mạnh như rút giấy phép, chứng chỉ hành nghề nếu tái phạm nhiều lần…