Cảnh giác hàng giả trên mạng xã hội

Đủ các mặt hàng từ mỹ phẩm, quần áo, giày dép, nước hoa, thực phẩm chức năng… nội, ngoại đều được dân buôn đưa lên mạng xã hội để rao bán. Do đó, người mua hàng chỉ có lợi thế là mua nhanh, gọn nhưng khó kiểm tra rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa…, dễ bị mua phải hàng giả.

Dân chuộng hàng ngoại gần như không xa lạ với Facebook H.L.X chuyên bán hàng nhập khẩu của Mỹ, Pháp. Mỗi ngày có năm phiên bán hàng trực tiếp (livestream), mỗi phiên từ 1,5 giờ đến hai giờ đồng hồ. Hơn 20 nhân viên phục vụ cửa hàng mạng này làm việc từ sáng sớm đến nửa đêm vẫn chưa hết việc. “Sau mỗi ngày, doanh thu cửa hàng khoảng 300 triệu đồng; mỗi tháng thu về gần mười tỷ đồng. Đây đều là hàng xách tay chứ không có giấy tờ. Cũng có mấy lần bị cơ quan chức năng tịch thu, xử phạt nhưng sau đó vẫn kinh doanh bình thường” - một nhân viên tiết lộ. Nhan nhản trên mạng xã hội Facebook, Zalo… dân bán hàng online tung đủ lời chào mời mua hàng ngay lúc đang phát trực tiếp để được giá ưu đãi lên tới 70 - 90%. Nhiều shop còn thuê người nổi tiếng bán hàng, dùng mỹ phẩm trực tiếp lên da để thu hút khách. Mỗi lần như vậy có cả nghìn người theo dõi, chốt đơn hàng liên tục. “Từ ngày bán hàng theo hình thức này, tôi không còn lo hàng ế ẩm. Chỉ cần bỏ khoản tiền để chạy quảng cáo trên mạng xã hội là bán hàng thoải mái. Doanh số tăng gấp mười lần so với hình thức kinh doanh tại cửa hàng” - Dung, chuyên kinh doanh thời trang trên mạng cho biết. Điều đáng nói, đa số các mặt hàng được quảng cáo “xịn” này đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. 

Theo các chuyên gia, bán hàng trực tiếp qua mạng xã hội là hình thức tự phát, không qua kiểm duyệt, các chủ kinh doanh bán hàng qua mạng không có địa chỉ cụ thể rõ ràng là những lý do khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát. Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh - Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, đây là một hình thức thương mại, bắt buộc phải đăng ký kinh doanh tại Việt Nam và khi phát sinh thu nhập thì tổ chức và cá nhân có thu nhập phải nộp thuế theo quy định. Nhà nước phải quản lý các tổ chức, cá nhân hoạt động bán hàng trực tiếp trên mạng vì họ có thu nhập rất lớn. Cơ quan thuế phải có trách nhiệm truy thu thuế những tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập từ việc bán hàng này. Để quản lý thu thuế hiệu quả, TS kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, nên áp dụng chính sách khuyến khích để các cá nhân tự nguyện khai báo và đóng thuế. Người kinh doanh nếu nghiêm túc và muốn được Nhà nước bảo vệ thì phải đăng ký và nộp thuế. Như vậy, họ hoàn toàn có thể bán hàng và xuất hóa đơn cho người tiêu dùng. Qua đó, những sản phẩm có giá trị, chất lượng sẽ giúp người mua thêm tin tưởng vào nguồn gốc. Người bán hàng nếu kinh doanh lâu dài thì nên đăng ký và nộp thuế càng sớm càng có lợi.

Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh Lê Duy Minh cho biết: Phương thức mua sắm của người tiêu dùng cũng như người bán hàng đã thay đổi nhiều trong thời gian xuất hiện dịch Covid-19. Trước đây, người tiêu dùng đến mua sắm trực tiếp ở cửa hàng thì trong và sau dịch có thói quen mua hàng qua mạng nhiều hơn. Nhiều người bán hàng cũng đã trả cửa hàng và chủ yếu bán online, livestream để tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng. Người mua đặt hàng qua mạng, người bán giao hàng tận nhà và thanh toán trả bằng tiền mặt dẫn đến khó kiểm soát thuế. Đối với hoạt động thanh toán qua tài khoản ngân hàng, cơ quan thuế có thể phối hợp ngân hàng truy thu thuế đối với các giao dịch thương mại, nhưng với thanh toán bằng tiền mặt thì không dễ. Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã đề xuất phối hợp Tổng cục Thuế về phương thức quản lý chống thất thu thuế trong các hoạt động thương mại điện tử. Việc phối hợp xây dựng phương thức chống thất thu thuế sẽ sớm được triển khai, trong đó có nghiên cứu đến chương trình kiểm soát hoạt động bán hàng, đặt hàng trên mạng... Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), nhờ thành tựu của khoa học - công nghệ nên mua bán online ngày càng phổ biến và có thể nói “cửa khẩu nằm ở cửa nhà của mỗi người dân” nên một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất. Vì thế, Tổng cục QLTT đã lập một bộ phận đặc nhiệm chuyên trách. Qua nắm bắt thông tin và những biện pháp nghiệp vụ, lực lượng đã xử lý một số đường dây, ổ nhóm quy mô lớn trên môi trường in-tơ-nét, đặc biệt là mô hình kinh doanh mới, như trên mạng xã hội, kênh bán hàng livestream. “Việc kiểm soát gian lận thương mại trên môi trường in-tơ-nét sẽ được lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới” - ông Trần Hữu Linh khẳng định.