“Cánh đồng rực lửa”

Những năm gần đây, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư cho các sân khấu tư nhân dàn dựng những vở kịch mang đề tài cách mạng nhằm giáo dục lịch sử, bồi dưỡng tư tưởng chính trị và phát huy truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân thành phố. Vở kịch Cánh đồng rực lửa là tác phẩm sân khấu tái hiện câu chuyện bi tráng về sự hy sinh của các dân công hỏa tuyến ở xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh hơn 50 năm trước.
Một cảnh trong vở “Cánh đồng rực lửa”.
Một cảnh trong vở “Cánh đồng rực lửa”.

Cánh đồng rực lửa, (tác giả Ngọc Trúc, đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc) được Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh đầu tư cho sân khấu kịch Quốc Thảo dàn dựng và biểu diễn. Kịch bản sân khấu dựa vào câu chuyện có thật về sự hy sinh của 32 dân công hỏa tuyến ở xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh trong đợt 2 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.

Vở diễn đã tái hiện những con người chân lấm tay bùn ở vùng ven thành phố một lòng đi theo cách mạng, cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đó là cô Sáu (NSƯT Tuyết Thu), chú Hai (nghệ sĩ Minh Nhí) âm thầm nuôi giấu bộ đội. Đó là những cô gái, chàng trai không sợ hiểm nguy xung phong đi dân công hỏa tuyến với mong muốn cuộc tổng tiến công sẽ sớm giành thắng lợi, hòa bình sẽ về trên vùng đất nghèo. Nhưng rồi đêm trắng định mệnh ấy đã…

Mạch truyện sân khấu đã đưa người xem về lại đêm 15-6-1968 trên cánh đồng Láng Sấu. Từng đoàn dân công hỏa tuyến đang làm nhiệm vụ tiếp lương, tải đạn vào nội thành và vận chuyển thương binh về tuyến sau thì bất ngờ kẻ địch dùng nhiều trực thăng bố ráp, xả súng xuống cánh đồng tàn sát những người dân, thương binh trong tay không có vũ khí. Đó là một không gian sáng trắng từ đèn pha khu vực chiếc trực thăng, từ pháo sáng của địch cùng với ngọn lửa bao phủ cả cánh đồng Vĩnh Lộc. Trong đêm trắng tang thương đó, riêng xã Vĩnh Lộc đã có 32 dân công hỏa tuyến, hầu hết là nữ, tất cả tuổi đời còn rất trẻ, có những người chỉ mới mười sáu, đôi mươi, đã nằm xuống dưới làn đạn của quân thù. Sự kiện trên cánh đồng Láng Sấu rực lửa đêm ấy đến nay vẫn là nỗi đau thương tột cùng đối với người dân xã Vĩnh Lộc mỗi khi đến ngày giỗ chung.

Dàn diễn viên tên tuổi Tuyết Thu, Minh Nhí, Quốc Thảo đã làm rất tốt trong việc giữ mạch cảm xúc xuyên suốt của vở diễn. Sự duyên dáng của Minh Nhí đã giúp cho vở diễn trở nên mềm mại và tươi mới hơn. Bên cạnh đó, lớp diễn viên đàn anh, đàn chị còn trở thành bệ đỡ vững chắc để những gương mặt trẻ của sân khấu kịch Quốc Thảo tự tin thể hiện mình. Qua đó, khán giả có thể thấy được vẻ hồn nhiên và sự nhiệt huyết của các dân công hỏa tuyến năm nào.

Cảnh đêm trắng định mệnh có lẽ là hình ảnh ấn tượng nhất của vở diễn. Từng cô gái, chàng trai vừa mới thuyết phục người thân để lên đường làm nhiệm vụ lần lượt nằm xuống trên cánh đồng đỏ rực lửa đạn của quân thù. Có người hy sinh nhưng trong tay vẫn giữ chặt chiếc khăn thêu, vẫn còn lưu giữ những kỷ vật của người thân.

Sự hy sinh anh dũng của những chàng trai, cô gái dân công hỏa tuyến huyện Bình Chánh năm xưa đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Những người con vùng đất Vĩnh Lộc sẽ tiếp tục được nhớ mãi trong lòng thế hệ mai sau. Vở Cánh đồng rực lửa ra đời như nén tâm nhang của đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố dâng lên anh linh của những người đã hy sinh vì Tổ quốc.

Trong buổi diễn phục vụ do Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 10 tổ chức mới đây, vở Cánh đồng rực lửa đã nhận được nhiều tràng pháo tay, nhiều lời khen ngợi từ khán giả. Phó Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 10 Nguyễn Thị Yến Hương cho biết: Thông qua những tác phẩm nghệ thuật với đề tài truyền thống cách mạng, lãnh đạo quận mong muốn vun đắp niềm tin, lý tưởng sống cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên và người dân trên địa bàn.