Cần xử lý triệt để tình trạnglấn chiếm cửa xả, kênh rạch

Nhiều năm qua, tình trạng lấn chiếm cửa xả, kênh rạch ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố vẫn chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiêu thoát nước, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả chống ngập. Chính quyền các địa phương và ngành chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý thực trạng này…

Rạch Ông Học ở phường Thạnh Lộc, quận 12 được địa phương đầu tư nạo vét, kiên cố hóa, góp phần cải thiện môi trường. Ảnh: Tùng Quang
Rạch Ông Học ở phường Thạnh Lộc, quận 12 được địa phương đầu tư nạo vét, kiên cố hóa, góp phần cải thiện môi trường. Ảnh: Tùng Quang

Nằm ở khu vực phường 15, quận Tân Bình, nhiều năm qua, tuyến kênh Hy Vọng, đoạn từ đường Nguyễn Phúc Chu đến Phan Huy Ích, ngày càng bị thu hẹp vì nhiều căn nhà hai bên bờ lấn chiếm ra lòng kênh, rác thải xả tràn lan làm cho con kênh ngày càng đen và hôi thối, nước thoát chậm. Ông Nguyễn Văn Thiện, nhà ở khu phố 4, đường Nguyễn Phúc Chu, cạnh tuyến kênh Hy Vọng than thở: "Thỉnh thoảng đơn vị công ích quận xuống vớt rác thì con kênh thông thoáng, nhưng sau đó, nhiều người không có ý thức, lợi dụng ban đêm mang rác, thùng xốp, đồ đạc cũ vứt la liệt khiến nước kênh lại đen đặc, hôi hám".

Tại một đoạn kênh nằm trên đường Nguyễn Phúc Chu, gần khu vực Cống Lở, một cơ sở rửa xe đã xả thẳng nước thải đầy bọt xà phòng xuống lòng kênh. Gần đó, một cơ sở hàn xì cũng vứt phế phẩm đầy trên bờ kênh nhìn rất nhếch nhác. Một số người dân ở đây phản ánh, con kênh bị ô nhiễm đã lâu, rác thải đổ về ngày càng nhiều, nước kênh bốc mùi hôi khó chịu. Vào mùa mưa, dòng nước đen trào lên ngập nhà dân…

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh), trên địa bàn quận Tân Bình hiện có bốn vị trí kênh, rạch chính bị lấn chiếm, trong đó có nhiều đoạn lòng kênh còn lại chưa đến 2 m, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiêu thoát nước của khu vực. Kênh Hy Vọng dài 2 km là nơi thoát nước chính ở phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng nhiều năm qua, tình trạng xả thải, cơi nới lấn chiếm đã khiến dòng kênh không còn khả năng tiêu thoát nước, đe dọa đến ngập nước sân bay Tân Sơn Nhất, gây ô nhiễm môi trường ở khu vực này. Thành phố đã có dự án cải tạo hệ thống thoát nước khu vực đường Phan Huy Ích, kênh Hy Vọng để giải bài toán ngập nước cho sân bay cũng như cải tạo bộ mặt hai bên tuyến kênh, nhưng tiến độ triển khai rất chậm.

Tại khu vực Rạch Lăng đoạn 2 (Rạch Bến Bồi 2), quận Bình Thạnh, rác thải nằm ken dày trên mặt nước làm cho dòng nước đặc quánh không thể nhúc nhích. Nhiều nhà dân xây dựng ngay trên tuyến kênh, xả thải thẳng ra dòng kênh gây ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối. Bà Trần Thị Phương Mai, một người dân sống ở khu vực Rạch Lăng, phường 13, quận Bình Thạnh, bức xúc: "Ðây là con kênh thoát nước chính nhưng nhiều năm nay lòng kênh đã dần bị rác thải lấp, ruồi muỗi ngày càng nhiều, mùa nắng thì bốc mùi hôi thối, mùa mưa thì nước chảy tràn lan". Nhiều hộ dân cũng lo lắng vì kênh, rạch ẩn chứa nhiều mầm bệnh, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cộng đồng dân cư, rất mong các ngành chức năng sớm có biện pháp khắc phục, cải tạo để trả lại không gian trong sạch cho môi trường.

Cũng theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, tình trạng lấn chiếm hàng trăm tuyến cống, cửa xả kéo dài nhiều năm qua nhưng chưa được chính quyền địa phương xử lý triệt để, tập trung nhiều ở các quận 4, 8, 9, 12, Bình Thạnh, Thủ Ðức và huyện Hóc Môn. Tại quận 4, nhiều hộ dân xây dựng nhà ngay trên cửa xả làm tắc nghẽn dòng chảy nhưng chưa được địa phương xử lý. Tại khu vực cầu Băng Ky, thuộc tuyến đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, có nhà dân lấp cửa xả và xây dựng cầu đi lại bên trên. Tại một số khu vực thuộc địa bàn quận 5 và quận 8, nhiều trường hợp xây dựng nhà trên tuyến cống (loại cống từ 600 đến 800 mm) và hầm ga khiến khả năng tiêu thoát nước ngày càng hạn chế…

Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Vũ Văn Ðiệp cho biết, nhiều công trình xây dựng lấn chiếm kênh, rạch, miệng cửa xả, hố ga dẫn đến hệ thống thoát nước bị thu hẹp dòng chảy, gây ô nhiễm, ngập cục bộ ở một số vị trí; gây khó khăn trong việc nạo vét, duy tu; ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân. Việc lấn chiếm kênh, rạch tồn tại từ rất lâu và khi ấy, trách nhiệm quản lý đất đai, kênh, rạch thuộc về chính quyền các địa phương.

Từ khi tiếp nhận công tác quản lý kênh, rạch, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện khi có hiện tượng lấn chiếm và phối hợp với địa phương xử lý ngay, không để phát sinh các điểm lấn chiếm mới. Hiện, trên địa bàn thành phố có 67 vị trí lấn chiếm sông, kênh, rạch; đã xử lý 34 vị trí, còn lại 33 vị trí. Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật đã kiểm tra, thống kê từng vị trí và có văn bản gửi các địa phương liên quan phối hợp giải tỏa các vị trí lấn chiếm này. Tuy nhiên, việc xử lý chưa thật triệt để, còn kéo dài nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chống ngập chung của thành phố…