Cẩn trọng khi vay tiền trực tuyến

Không thể vay ngân hàng do chưa đủ điều kiện, không có tài sản thế chấp… nhiều người chuyển qua vay nhanh trên các ứng dụng trực tuyến để trang trải cuộc sống, bất chấp khuyến cáo từ cơ quan chức năng.

Vun lại mớ xoài, chôm chôm trên mẹt trái cây cho tươm tất, chị Lê Thị H. (43 tuổi, ngụ hẻm Sinco, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) cho biết, nếu không bán hết mớ trái cây, không biết lấy gì trả nợ đã vay trên các ứng dụng điện thoại. “Dịch bệnh xảy ra, buôn bán khó khăn nhưng nhiều nơi cho vay tiền nhanh mà không cần thế chấp, thủ tục đơn giản chỉ cần chụp bản sao chứng minh nhân dân. Đang lúc khó khăn, tôi liều vay bốn triệu đồng trong bảy ngày, lãi suất 0,02%/ngày, nhưng thực tế chỉ nhận được 2,5 triệu đồng. Với số tiền 1,5 triệu đồng bị trừ, nhân viên cho biết, đó là phí thẩm định và tiền lãi thu trước (tương đương lãi suất 5,5%/ngày, tức 165%/tháng). Đến hạn chưa có tiền, tôi vay ứng dụng khác để “xoay” nợ cũ. Tại một trang cho vay trực tuyến, tôi vay năm triệu đồng, thực lãnh chỉ 3,5 triệu đồng. Cứ thế, lấy đầu nọ đắp đầu kia, giờ số tiền tôi nợ đã hơn 20 triệu đồng, không còn khả năng trả, chủ nợ “truy” khắp nơi”, chị H. kể. Tự nhận mình là “con nợ” của vay nhanh trực tuyến, chị Trần Minh V. (36 tuổi, nhân viên tạp vụ, ngụ huyện Bình Chánh) liệt kê nguyên danh sách nợ nần: Trong năm 2019 đã vay gần 45 triệu đồng sắm xe máy, điện thoại, ti-vi, tủ lạnh. Mỗi tháng chị V. trả gần bốn triệu đồng cho các khoản vay. Đầu năm 2020, chị mất việc do công ty ngừng hoạt động, chồng làm phụ hồ với mức lương “ba cọc ba đồng” không đủ chi trả nợ. Quá bức bí khi nhân viên nhiều lần nhắc nợ, chị V. liên hệ với trang web vay nhanh 10 triệu đồng trong vòng 30 ngày phải trả cả gốc lẫn lãi là 11,5 triệu đồng. Vừa nhẹ được khoản tín dụng, lại đến nợ vay nhanh, chưa có tiền, chị V. liều vay tín dụng đen 10 triệu đồng (lãi 100.000 đồng/ngày) trả khoản vay nhanh. Sau một tháng vẫn chưa trả xong nợ, “xã hội đen” truy tận nơi, công ty tài chính “khủng bố”… cả nhà chị V.

Gõ từ khóa “vay trực tuyến” trên Google, hơn 101 triệu kết quả hiển thị trong 0,74 giây như vaytien4u, vaytindungonline, vtien, idong… Điểm chung của các ứng dụng cho vay là đánh vào tâm lý cần tiền gấp của khách hàng, nhất là trong dịch Covid-19, khiến nhiều người thất nghiệp, lâm nợ. Muốn vay, khách hàng phải chấp nhận để ứng dụng được phép truy cập dữ liệu danh bạ trên điện thoại. Chúng tôi thử liên lạc qua điện thoại với nhân viên của ứng dụng chovaytienmat…, vay tám triệu đồng, thời hạn 10 ngày. Nhân viên nhẹ nhàng cho biết, khách chỉ phải trả lãi 200.000 đồng. Nghe có vẻ đơn giản, song nhiều người đã vay chia sẻ nếu cộng các khoản phí vào thì rất lớn. Chẳng hạn, phí dịch vụ cho khoản vay này là 500.000 đồng, phí tư vấn hai triệu đồng trừ ngay vào khoản vay; đến cuối kỳ, khách vẫn phải trả đủ 8 triệu đồng. Nếu không trả đúng hẹn, lãi cứ thế cộng vào 150.000 đồng/ngày. Giảng viên Trường đại học An ninh nhân dân, Thiếu tá, TS Lê Hoàng Việt Lâm cho biết, vay qua ứng dụng hạn mức rất thấp, chỉ từ 3 - 7 triệu đồng nhưng lãi suất thường “cắt cổ”, từ 130 - 150%/ tháng, thậm chí 1.000%/năm; chưa kể phí phạt đóng trễ rất cao. Theo TS Lâm, bên vay dùng đủ các chiêu trò để “nắm thóp” người vay. Cụ thể, số tiền thực lãnh thường thấp hơn số đi vay; thời gian cho vay ngắn, chỉ tính bằng ngày cho nên khả năng xoay để trả rất khó khăn. Khi vay qua ứng dụng, toàn bộ danh bạ trong điện thoại của khách hàng bị sao chép, nội dung tin nhắn người vay lọt ra ngoài; điện thoại của khách hàng bị định vị... “Theo tôi biết, phần lớn công ty cho vay kiểu này do các đối tượng “xã hội”, có máu mặt thành lập cho nên thường xuyên đe dọa, quấy rối người vay chậm thanh toán. Khách hàng là người bị thiệt thòi rất lớn, khả năng “ôm nợ” do lãi sinh lãi, hoặc bị quấy nhiễu, đe dọa, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng rất cao”, TS Lâm nhấn mạnh.

Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) khuyến cáo mọi người nên cảnh giác với việc vay tiền trực tuyến trong thời điểm dịch Covid-19. Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, trường hợp gặp khó khăn về tài chính, không thể bảo đảm khả năng trả nợ, người tiêu dùng nên chủ động liên hệ với đơn vị liên quan để đề xuất giải pháp hỗ trợ xử lý giãn nợ, tránh tình trạng để trả quá hạn dài ngày, phát sinh các khoản tiền phạt và các trách nhiệm pháp lý liên quan. Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều người gặp khó khăn, cần vốn đột xuất đã “cầu viện” các kênh vay “nóng” bên ngoài, vay nhanh trực tuyến qua điện thoại... Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhiều lần cảnh báo về biến tướng của hoạt động cho vay này khi một số đối tượng có thể núp bóng “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao, ẩn dưới dạng cho vay trực tuyến với lãi suất rất cao. Điều này tiềm ẩn rủi ro cho cả người vay và người cho vay. Để hạn chế “tín dụng đen”, cần phát huy hoạt động tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng uy tín, đồng thời kiểm soát rủi ro, hạn chế tồn tại phát sinh liên quan về lãi suất, phương thức thu hồi nợ, quản lý nợ trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.