Cần giải pháp hiệu quả để xử lý ô nhiễm môi trường

Nhiều ngày qua, không khí tại TP Hồ Chí Minh bị ô nhiễm nghiêm trọng, xuất hiện mù dày đặc, kéo dài cho đến tận chiều tối, khiến không khí ngột ngạt. Ðiều đáng nói là các giải pháp phòng, chống ô nhiễm môi trường đã được thành phố triển khai từ lâu, nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn…

Ô nhiễm không khí tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quỳnh Danh
Ô nhiễm không khí tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quỳnh Danh

Ô nhiễm gia tăng

Theo Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thuộc Sở TN-MT thành phố Hồ Chí Minh, chất lượng không khí những ngày đầu tháng 9 có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO...

Ðặc biệt ghi nhận sự gia tăng bụi mịn PM10, PM 2.5 gấp từ 1,9 đến 2,2 lần. Loại bụi mịn này được khuyến cáo gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người.

Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các chất gây ô nhiễm được Trung tâm quan trắc TN-MT chỉ ra là do độ ẩm trong không khí cao tạo sương mù chứa các chất ô nhiễm do hoạt động giao thông, công nghiệp, sinh hoạt của người dân phát thải ra. Ngoài ra, do trời không có nắng, không có đủ bức xạ làm nóng mặt đất tạo ra lớp nghịch nhiệt làm cho không khí ô nhiễm nằm lớp sát mặt đất không phát tán lên cao được, lớp mù ngày càng dày đặc, lâu tan. Trung tâm cũng cho biết, tình trạng mù gây ô nhiễm không khí thường xảy ra hằng năm vào khoảng tháng 9 và tháng 10.

Ô nhiễm không khí tại thành phố đã diễn ra từ lâu. Theo thống kê, hơn tám triệu xe gắn máy và gần 800 nghìn xe ô-tô các loại mỗi ngày thải ra một lượng rất lớn khói, bụi. Những khu vực có mức độ ô nhiễm cao thường đi kèm với mật độ giao thông đông đúc như khu vực ngã tư An Sương, khu vực ra vào cảng Cát Lái, đường Cộng Hòa, Trường Chinh, ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, ngã tư Hàng Xanh… Kết quả quan trắc trong 10 năm qua tại các khu vực này cho thấy các chỉ số luôn vượt mức quy chuẩn. Tại các quận, huyện vùng ven như quận 12, Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh…có nhiều cơ sở sản xuất đan cài giữa các khu dân cư mới hình thành. Phần lớn đây là các cơ sở sản xuất lạc hậu, thường xuyên xả nước thải, khói thải ô nhiễm ra môi trường.

Tại huyện Bình Chánh có đến 3.500 cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư. Năm 2018, huyện đã kiểm tra, xử phạt 160 cơ sở với số tiền 14 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 27 cơ sở, di dời 118 cơ sở vào các khu công nghiệp. Ðến cuối năm 2019, Bình Chánh quyết liệt di dời thêm 164 cơ sở. Tại khu phố 5, phường Ðông Hưng Thuận, quận 12 có tới 42 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Ðến nay, quận 12 đã di dời được 16 cơ sở vào Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 (huyện Bình Chánh), các cơ sở khác thực hiện các biện pháp khắc phục và còn bốn cơ sở vẫn "bám trụ" ở khu dân cư, tiếp tục gây ô nhiễm môi trường.

Thống kê trên toàn địa bàn thành phố cho thấy, có 188 trong số 504 cơ sở hoàn tất việc khắc phục gây ô nhiễm; 316 cơ sở đang tiếp tục được kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, trong năm 2018, lại có tới 294 cơ sở sản xuất phát sinh mới trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường…

Lúng túng trong xử lý

Phó Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Văn Ðức cho biết, ngoài biện pháp vận động chủ doanh nghiệp chấp hành quyết định của thành phố về các biện pháp khắc phục, di dời, thành phố cần kiến nghị Chính phủ bổ sung biện pháp cưỡng chế phù hợp trong Nghị định số 155/2016/NÐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Nghị định 155). Hiện nay, thành phố đang thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội, quận đề nghị thành phố kiến nghị Trung ương có cơ chế đặc thù cho thành phố trong việc xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, cần có các giải pháp cụ thể để tổ chức cưỡng chế, thực hiện triệt để việc xử lý các cơ sở này. Cùng với đó, cần có hướng dẫn cụ thể về khoảng cách an toàn giữa các cơ sở sản xuất với khu dân cư, với trường học là bao xa để địa phương vận dụng, quản lý và xử lý hiệu quả hơn.

Phó Giám đốc Sở TN-MT thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ cũng cho rằng, việc xử lý cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hiện nay vẫn rất bất cập. Biện pháp cưỡng chế hiện nay là khấu trừ tài khoản ngân hàng và kê biên tài sản. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ phù hợp với việc nộp phạt, chứ không phù hợp cho việc buộc ngừng hoạt động. Thực tế, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, để buộc doanh nghiệp ngừng hoạt động ở những công đoạn gây ô nhiễm thì biện pháp ngưng cung cấp điện là hữu hiệu, khả thi và ít tốn kém nhất, song Nghị định 155 của Chính phủ đã không còn quy định biện pháp này. Ngoài ra, việc đơn giản hóa trong đăng ký và cấp phép kinh doanh cũng đã tạo điều kiện cho việc hình thành mới cơ sở ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Bởi, khi có vi phạm, chủ cơ sở liền thay đổi pháp nhân để né tránh xử phạt, cưỡng chế của cơ quan quản lý.

Phó Trưởng ban Ðô thị, HÐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Nhựt kiến nghị, thành phố cần công khai danh sách cơ sở gây ô nhiễm và tùy mức độ vi phạm để tính tới biện pháp rút giấy đăng ký kinh doanh, hoặc có các biện pháp khác. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần có giải pháp đồng bộ và kiến nghị điều chỉnh các quy định pháp luật về đình chỉ hoạt động, cưỡng chế di dời sao cho đủ sức răn đe; tăng cường giám sát và vận động người dân tham gia giám sát, khoanh vùng nhằm sớm phát hiện cơ sở gây ô nhiễm.

Ðể hạn chế ảnh hưởng của không khí ô nhiễm đang diễn ra, Trung tâm quan trắc TN-MT khuyến cáo người dân, nhất là trẻ em và phụ nữ có thai, người lớn tuổi, hạn chế ra ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động thể thao ngoài trời. Nếu có nhu cầu ra ngoài cần đeo khẩu trang, mang kính che toàn bộ mắt, che chắn khi tiếp xúc trực tiếp với môi trường ô nhiễm. Ðồng thời, người dân nhớ nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý, hạn chế phơi thực phẩm, áo quần, hạn chế sử dụng nước mưa…