Cần gắn kết chặt chẽ trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch

Nguồn nhân lực đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam nói chung và của TP Hồ Chí Minh nói riêng. Chính vì thế, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của ngành du lịch thành phố là rất cần thiết. Sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp (DN) là giải pháp quan trọng nhằm mang lại hiệu quả tích cực trong công tác này.

Sinh viên lớp Quản lý khách sạn (Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist) trong một buổi thực tập.
Sinh viên lớp Quản lý khách sạn (Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist) trong một buổi thực tập.

Trong thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm liên kết giữa nhà trường và các DN trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Nhiều trường đã và đang triển khai hiệu quả mối liên kết này, qua đó đào tạo được lực lượng lao động có chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các DN du lịch, nhất là hoạt động phục vụ nhà hàng, khách sạn.

Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist là một trong những cơ sở đào tạo tiên phong trong việc tạo mối gắn kết giữa nhà trường với DN tại TP Hồ Chí Minh. Bà Võ Thị Mỹ Vân, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhiều năm qua, trường luôn đồng hành với các DN trong đào tạo đội ngũ hoạt động lĩnh vực du lịch, khách sạn. Trường thành lập một DN nhỏ để các học viên có được những bước tiếp cận, trải nghiệm đầu tiên ở ngành nghề mình lựa chọn. Sau khi đã được đào tạo cơ bản, làm quen với công việc, các học viên sẽ được cử đi thực tập tại các DN kinh doanh nhà hàng, khách sạn lớn trong thành phố để tiếp tục được rèn luyện thêm nhằm nâng cao tay nghề. Ngoài ra, nhà trường còn thành lập Trung tâm hợp tác quốc tế và giới thiệu việc làm để gắn kết với các DN trong việc tạo việc làm đúng ngành học cho các học viên; có nhiều chương trình đào tạo liên thông trong nước và quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo.

Từ nhiều năm nay, Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức đã chủ động gắn kết với DN trong công tác đào tạo sinh viên trên nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành du lịch. Trường đã thành lập Khoa Du lịch được 5 năm với các chuyên ngành đào tạo về quản trị du lịch, dịch vụ và lữ hành; quản trị khách sạn; quản trị nhà hàng. Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, trường đã liên kết với Tập đoan Vinpearl để đưa sinh viên đi thực tập, nâng cao kỹ năng. Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức Nguyễn Xuân Toán nhận định: “Chính sự liên kết giữa nhà trường với DN đã giúp cho chất lượng đào tạo của trường gắn với thực tế, xã hội. Từ đó, sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu công việc của DN”.

Tuy vậy, việc gắn kết giữa cơ sở đào tạo với DN trong đào tạo nguồn nhân lực nói chung và trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn nói riêng trên thực tế vẫn chưa thật chặt chẽ, hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. Dù có nhiều chính sách tạo điều kiện cho sự kết nối, nhưng thực tế triển khai thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo ở các trường với thực tế diễn ra tại DN vẫn chưa thật sự gặp nhau.

Theo Giám đốc nhân sự khách sạn New World Tống Thị Nhị Hà, chương trình đào tạo trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng giữa nhà trường với DN vẫn còn khoảng hở. Các trường vẫn quá chú trọng về kiến thức tổng hợp, trong khi những kiến thức nền, kỹ năng trong lĩnh vực các em đang theo học thì chưa được chú ý nhiều. Việc hạn chế ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, cũng là một trong những khó khăn của sinh viên khi đi thực tập tại các DN lớn, có nhiều khách nước ngoài. Nhiều sinh viên thiếu năng động, chưa thích ứng kịp với những thay đổi trong hoạt động của khách sạn, nhà hàng cho nên chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các DN lớn…

Để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, Tiến sĩ Lưu Đức Tiến, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, cơ sở đào tạo và DN cần gắn kết chặt chẽ trên các mặt như: Hướng nghiệp, tuyển sinh; xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức các hoạt động đào tạo, thực tập cho học sinh, sinh viên tại DN; kiểm tra, giám sát kết quả học tập ra sao và gắn kết trong việc tạo việc làm cho sinh viên, học viên như thế nào…

Phó Giám đốc Khách sạn Kim Đô Võ Hữu Tài đề xuất giải pháp: Cần có sự đổi mới trong chương trình đào tạo ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng để nhà trường và các DN có sự gặp nhau, gắn kết hơn. Chương trình đào tạo phải thật sự gắn với thực tế, cần phải tập trung nhiều hơn kỹ năng mềm cho sinh viên, học viên. “Các em phải được đến nhiều DN để xem cách phục vụ của một nhân viên như thế nào, cách xử lý từng tình huống cụ thể ra sao mới là điều cần thiết”, ông Võ Hữu Tài chia sẻ.

Những giảng viên tại các trường đào tạo ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng cũng cần thường xuyên cập nhật kiến thức. Giảng viên cũng cần đến các DN để nắm được hoạt động thực tế, từ đó có sự bổ sung kiến thức phù hợp vào chương trình giảng dạy cũng như thay đổi những nội dung đã lạc hậu. Có như thế, chương trình giảng dạy cho sinh viên, học viên sẽ gắn với DN và thực tế nhiều hơn, góp phần mang lại hiệu quả cao hơn trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch.