Buýt sông vắng khách

Với kỳ vọng giảm tải cho vận tải đường bộ, thúc đẩy tiềm năng du lịch đường thủy, thế nhưng, sau gần hai năm đưa vào vận hành, tuyến buýt đường sông của thành phố vẫn chưa thu hút được nhiều hành khách để khai thác hết công suất.

Tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Ðằng - Linh Ðông) chủ yếu thu hút khách tham quan du lịch.
Tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Ðằng - Linh Ðông) chủ yếu thu hút khách tham quan du lịch.

Chính thức vận hành từ tháng 11-2017, tuyến buýt đường sông số 1 xuất phát từ bến Bạch Ðằng (quận 1) đến bến Linh Ðông (quận Thủ Ðức) có chiều dài hơn 10 km do Công ty TNHH Thường Nhật làm chủ đầu tư, thu hút khách chủ yếu vào hai ngày cuối tuần. Ngày thường, lượng hành khách rất ít. Ngày thứ bảy, chủ nhật, khách thường đi theo các tua du lịch hay đi kiểu gia đình thưởng ngoạn ngắm cảnh.

Vợ chồng chị Lê Cẩm Thu (quận Phú Nhuận) cùng con trai đi khám phá tuyến buýt đường sông và tỏ ra thích thú, vì lâu nay nhà chị chưa có dịp tham quan ngắm sông Sài Gòn. Chị Thu chia sẻ: "Nghe nói thành phố có tuyến buýt trên sông nên cả nhà quyết định đi trải nghiệm cho biết. Với giá vé 15 nghìn đồng/người mà được ngắm sông nước cũng thú vị". Danh, làm hướng dẫn tua cho một đoàn khách Hàn Quốc cho biết: Khách nước ngoài đến TP Hồ Chí Minh muốn khám phá tuyến buýt sông vì đặc thù của thành phố có con sông Sài Gòn rộng, dài, giá vé cũng hợp lý. Ðây cũng là một điểm du lịch đáng trải nghiệm đối với du khách... Tuy nhiên, theo quan sát cho thấy, lượng hành khách chọn tuyến buýt sông đi lại chủ yếu với mục đích du dịch, thưởng ngoạn và khám phá. Còn hành khách sử dụng phương tiện này để di chuyển, lưu thông rất ít. Một nhân viên bán vé của tuyến buýt sông cho hay: Thông thường hành khách nhộn nhịp vào hai ngày cuối tuần. Khách đi đoàn muốn chủ động phải tới mua vé trước, thậm chí mua luôn vé khứ hồi, còn những ngày khác trong tuần, khách rất vắng nên công suất khai thác của tàu chỉ khoảng từ 20 đến 30% năng lực vận tải. Một số hành khách có nhu cầu sử dụng tuyến buýt sông để di chuyển đến nơi làm việc hay học tập cho biết: Nếu đi buýt sông, hành khách phải di chuyển từ nhà đến các bến tàu để gởi xe máy, sau đó lên tàu đi vào khu vực trung tâm là bến Bạch Ðằng. Nếu di chuyển tiếp đến nơi làm việc, lại phải sử dụng phương tiện công cộng hay xe ta-xi, xe cá nhân… cho nên rất bất tiện so với đi xe buýt thường (vì có nhiều trạm dừng đỗ). Ngoài ra, hành trình của tuyến buýt đường sông vẫn còn thiếu một vài bến đỗ nên không thuận tiện để hành khách tiếp cận với đường bộ hay chọn trạm dừng theo ý muốn.

Tham gia đầu tư và khai thác tuyến buýt đường sông số 1, Công ty Thường Nhật đã đưa vào hoạt động bốn phương tiện chuyên chở phục vụ hành khách mỗi ngày, trong đó mỗi chuyến tàu có sức chở 75 hành khách. Tuy nhiên, trừ hai ngày cuối tuần, công ty bố trí 30 chuyến tàu đi và về, các ngày còn lại trong tuần chỉ bố trí 20 chuyến đi và về vì nhu cầu đi lại của hành khách không nhiều. Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố, chín tháng đầu năm 2019, lượng hành khách sử dụng tuyến buýt đường sông số 1 là 245 nghìn lượt (tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2018); trung bình mỗi ngày có 900 lượt hành khách qua tuyến. Song điểm hạn chế của tuyến buýt đường sông số 1 là từ khi đưa vào hoạt động đến nay mới đầu tư xây dựng năm trong số chín bến dừng đỗ, còn bốn bến chưa được xây dựng và khai thác nên khả năng tiếp cận phương tiện của hành khách còn thấp. Nguyên nhân là do thành phố chưa giao đất cũng như chủ đầu tư chưa xây dựng khai thác, gồm bến Trung tâm Bình Triệu, Sài gòn Pear, Tầm Vu, Thảo Ðiền. Phòng Quản lý vận tải, (Sở GTVT) cho biết: Sở đã có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện các công việc như xác định ranh giới, vị trí khu đất và cắm mốc hiện trạng nhưng tiến độ đầu tư bốn bến còn lại vẫn chậm. Theo dự kiến, trong quý II-2020 các bến còn lại của tuyến số 1 mới hoàn thiện công tác đầu tư để đưa vào vận hành, khép kín toàn bộ lộ trình vận hành của tuyến.

Để tuyến buýt đường sông đầu tiên của TP Hồ Chí Minh và cũng là tuyến buýt đầu tiên của cả nước giữ chân được du khách, góp phần đa dạng hóa phương tiện đi lại cho người dân, thành phố cần nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bến bãi của toàn tuyến, nhất là chú trọng việc bố trí và kết nối thêm nhiều tuyến xe buýt đường bộ để hành khách thuận lợi trong lưu thông di chuyển.

Liên quan đến tuyến buýt đường sông số 2 (từ bến Bạch Ðằng, quận 1 đến bến Lò Gốm, quận 6) có chiều dài 10,3 km, Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố Võ Khánh Hưng cho biết: Thành phố đã có chủ trương đầu tư tuyến buýt này bằng hình thức PPP, nhưng hiện nay, do tuyến buýt đi qua khu vực hai dự án quan trọng của thành phố là dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 và Dự án đầu tư cống kiểm soát triều Bến Nghé cho nên đã ảnh hưởng đến quá trình đầu tư và khai thác dự án. Theo Sở GTVT, sớm nhất trong quý II-2020, tuyến buýt này mới đưa vào vận hành, nhằm mở rộng thêm một tuyến buýt sông, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thành phố bằng đường thủy.