Bước chuyển ở một huyện nghèo

Nhà Bè được xem là một trong những địa phương khó khăn nhất của TP Hồ Chí Minh, nhưng đến thời điểm đầu nhiệm kỳ 2015-2020, 100% các xã xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện đã được công nhận hoàn thành toàn bộ 19 tiêu chí. Ðến Nhà Bè hôm nay, ngắm bộ mặt khang trang của huyện nghèo, khiến không ít người cảm thấy ngạc nhiên, khâm phục...

Theo đồng chí Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nhà Bè, công tác tuyên truyền rất quan trọng để người dân hiểu, ủng hộ chương trình. Nhờ phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng, đảng viên ở cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ý thức tự giác, tự nguyện của người dân đã có chuyển biến tích cực. Nhiều hộ gia đình, cá nhân hiến đất làm đường, làm các công trình dân sinh như: điện, truyền thông, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, chất thải, hệ thống chiếu sáng, trường học, các trạm y tế, các trung tâm văn hóa xã (đã thực hiện hoàn thành 74 công trình, với tổng số vốn gần 457,09 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp hơn 137,343 tỷ đồng). Các công trình đầu tư đều mang tính cấp thiết, cho nên khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tích cực, làm thay đổi diện mạo của huyện, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Ðến cuối nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện đã đạt 8 trong tổng số 9 tiêu chí xây dựng NTM và sẽ đạt chuẩn NTM trong năm 2020.

Theo Huyện ủy Nhà Bè, tổng cộng có 21 công trình giao thông nông thôn đã được đầu tư xây dựng tại các xã NTM, bao gồm các tuyến đường trục xã, liên xã, ấp, các tuyến giao thông nội đồng… đã góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương, tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, học tập, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế; 27 công trình thủy lợi, bao gồm nạo vét các tuyến rạch... đáp ứng nhu cầu nuôi trồng thủy sản và dân sinh của người dân. Là cán bộ có nhiều năm gắn bó với địa phương, đồng chí Phạm Minh Huấn chia sẻ: "Thu nhập bình quân đầu người ở đầu nhiệm kỳ từ 38,12 triệu đồng/người/năm, đến cuối nhiệm kỳ tăng lên hơn 65,542 triệu đồng/người/năm. Các chỉ số cơ bản hoàn thành là chỉ số trẻ em đi học, cấp thẻ bảo hiểm y tế, tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh, việc làm, nhà ở, nước sạch, sử dụng viễn thông...".

Là địa phương nghèo, lãnh đạo Huyện ủy Nhà Bè qua các thời kỳ còn chú trọng đầu tư sâu vào chương trình "Học chữ, học nghề, giải quyết việc làm gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững". Theo đó, công tác khuyến học, khuyến tài được tổ chức rộng khắp dẫn đến thu hút được 542 suất học bổng trị giá 1,12 tỷ đồng và 200 chiếc xe đạp trị giá 340 triệu đồng cho các học sinh nghèo học giỏi. Ðồng chí Nguyễn Văn Lưu, Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, nguyên Bí thư Huyện ủy Nhà Bè nhớ lại: "Qua chương trình, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Kết quả công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở và trung học phổ thông được giữ vững, thường xuyên được củng cố. Việc huy động học sinh ra lớp hằng năm ở các cấp, bậc học đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Hiệu suất đào tạo bậc tiểu học và bậc trung học cơ sở tăng; tình trạng học sinh bỏ học bước đầu được ngăn chặn hiệu quả. Ấn tượng là trong nhiệm kỳ, đã đào tạo nghề ngắn hạn cho 15.210 người, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 3.747 người, số học viên có việc làm sau đào tạo hơn 85%, nâng tỷ lệ lao động làm việc qua đào tạo nghề đạt 90,01%".

Huyện ủy Nhà Bè khẳng định, qua một nhiệm kỳ, các ngành kinh tế tại địa phương tăng trưởng ổn định hằng năm từ 12% đến 12,2%, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 12,14%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (12%). Trong đó, ngành thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn và có tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 12,53%, cao hơn tăng trưởng bình quân các ngành kinh tế; ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân hằng năm 10,54%. Số doanh nghiệp và hộ kinh doanh tăng cao cả về số lượng và vốn đăng ký hoạt động. Riêng Khu công nghiệp Hiệp Phước đã thu hút 194 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 1,007 tỷ USD và 19.800 tỷ đồng. Trong đó, có 117 dự án đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của huyện. Thu ngân sách nhà nước luôn đạt và vượt kế hoạch được giao hằng năm, ước tổng thu trong nhiệm kỳ là 5.268,176 tỷ đồng, đạt 102,51% dự toán, bằng 2,83 lần so với nhiệm kỳ trước.

Bí thư Huyện ủy Nhà Bè Dương Thế Trung nhấn mạnh: "Tại Nhà Bè, công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên được quan tâm, thực hiện đúng phương châm, nguyên tắc, quy trình. Số lượng đảng viên mới được kết nạp đã vượt chỉ tiêu đề ra, chất lượng đảng viên được bảo đảm; cơ cấu phát triển đảng viên trên địa bàn dân cư, đoàn viên, hội viên ưu tú của các tổ chức đoàn thể, nông dân, công nhân, lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, lĩnh vực y tế, giáo dục có tỷ lệ hợp lý". Theo đồng chí Bí thư Huyện ủy, Ðảng bộ Nhà Bè đặt ra chỉ tiêu, đến năm 2025 sẽ đưa tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm các ngành kinh tế là 12%. Trong đó, ngành thương mại - dịch vụ tăng 12,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố còn 0,5%; 100% trạm y tế đều có bác sĩ và kết nạp ít nhất 700 đảng viên.