Bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường cuối năm

Mặc dù thị trường có nhiều biến động nhưng hoạt động thương mại, dịch vụ của TP Hồ Chí Minh vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định, không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sắp tới, ngành công thương thành phố cùng các doanh nghiệp (DN) đã có kế hoạch sản xuất, dự trữ để bảo đảm hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Người tiêu dùng thành phố mua thịt heo của Công ty C.P. Việt Nam.
Người tiêu dùng thành phố mua thịt heo của Công ty C.P. Việt Nam.

Từ đầu năm đến nay, các DN của TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp tục giữ được mức ổn định trong sản xuất, kinh doanh. Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phương Ðông cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt 845.339 tỷ đồng, tăng 11,9% so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của DN 9 tháng đầu năm đạt 31,03 tỷ USD, tăng 10,5%; tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 37,3 tỷ USD, tăng 8,2% so cùng kỳ.

Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương TP Hồ Chí Minh) Võ Lê Bích Ðồng đánh giá, thị trường hàng hóa của thành phố từ đầu năm đến nay diễn ra ổn định, hàng hóa dồi dào, giá cả không tăng và đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nguyên nhân chính là nhờ các DN đã có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, chứa trữ, phân phối bài bản cùng với chương trình hàng bình ổn giá phát huy hiệu quả trong việc điều tiết giá, mở rộng điểm bán để cung cấp đến tận tay người tiêu dùng những mặt hàng thiết yếu.

Thông thường, quý IV hằng năm là thời điểm "vàng" của thị trường do nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Ðể bảo đảm nguồn hàng phục vụ cho thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới, ngành công thương và các DN chủ lực của thành phố đã lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh với nhiều phương án, cam kết đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Theo Sở Công thương thành phố, chương trình bình ổn thị trường năm 2019 và Tết Canh Tý của thành phố hiện có 2.651 cửa hàng tiện lợi, tăng hơn 200 cửa hàng so cuối năm 2018; đã phát triển được 4.209 điểm bán hàng thực phẩm bình ổn thị trường, tăng 82 điểm bán so với năm 2018. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 5 - 10%; các mặt hàng mùa khai trường thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 10 - 15%; các mặt hàng dược phẩm thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 5 - 10%. Ðối với các mặt hàng sữa, DN kê khai giá và cam kết bán đúng giá quy định…

Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, dự báo thịt heo là mặt hàng "nóng" nhất trong các loại hàng hóa phục vụ cho nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân. Hiện, ngành công thương thành phố và các DN đã có phương án dự trù và bảo đảm đủ nguồn thịt cho dịp cuối năm.

Ông Võ Lê Bích Ðồng cho hay, lượng heo về các chợ đầu mối hiện nay có giảm, nhưng sự sụt giảm không nhiều. Tại chợ đầu mối Hóc Môn, lượng heo về chợ khoảng 6.000 con mỗi ngày; lượng heo về chợ Bình Ðiền đạt 340 tấn/ngày. Giá thịt heo ở chợ đầu mối những ngày giữa tháng 10 đã giảm 3.000 - 5.000 đồng/kg so với một tuần trước đó. Cùng với lượng heo nhập về các chợ đầu mối mỗi ngày, nguồn cung thịt heo bình ổn thị trường khoảng 4.091 tấn/tháng, chiếm 21% tổng mức tiêu thụ của thị trường thành phố. Giá thịt heo trong chương trình bình ổn thị trường đang rẻ hơn 8% so với thịt heo ngoài chương trình.

Sở Công thương TP Hồ Chí Minh dự báo thịt heo sẽ không thiếu vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, nhằm bảo đảm nguồn cung mặt hàng thịt heo trong dịp cuối năm, Sở Công thương thành phố đã yêu cầu các DN chủ lực như Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Vissan, Ba Huân, C.P. Việt Nam có kế hoạch tăng sản xuất hàng dự trữ; nếu khi thị trường có xảy ra biến động về giá, nhu cầu, phương án tăng sản lượng thực phẩm khác (bò, gà, hải sản...) để thay thế thịt heo cũng đã được tính đến.