"Ðánh thức" di sản thành phố

Thành phố Hồ Chí Minh với hệ thống tài nguyên du lịch văn hóa phong phú, đa dạng, trong đó, tiềm năng phát triển du lịch di sản văn hóa là rất lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, tiềm năng này vẫn chưa được thành phố khai thác đúng mức. Phần lớn di sản văn hóa thành phố vẫn "ngủ yên", chưa được "đánh thức" để phát huy hết giá trị tinh thần lẫn vật chất mà nó mang lại.

Hát bội cần được xuống phố để phục vụ thêm nhiều du khách.
Hát bội cần được xuống phố để phục vụ thêm nhiều du khách.

Quận 5 tự hào là nơi có 19 di tích được công nhận với 11 di tích cấp quốc gia và tám di tích cấp thành phố. Trong đó có nhiều di tích lịch sử quan trọng như: Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi Bác Hồ dừng chân trước khi ra đi tìm đường cứu nước; trại giam Bệnh viện Chợ Quán - nơi đồng chí Trần Phú bị giam giữ và hy sinh; chùa Thiên Tôn cơ sở nội thành, nơi tiếp tế nuôi quân, bảo vệ các cán bộ Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh trong hai cuộc kháng chiến. Ngoài ra, quận 5 có sáu hội quán lớn thuộc các nhóm ngôn ngữ được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia như: chùa Bà Ông Lãng, chùa Bà Hà Chương, nhà thờ tổ thọ bạc Lệ Châu Hội quán…

Những năm gần đây, Quận ủy và UBND quận 5 đã đẩy mạnh phát triển du lịch, trong đó kết hợp với các đơn vị lữ hành thực hiện các tua du lịch đến các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, thu hút nhiều du khách, nhất là du khách nước ngoài. Trưởng phòng Văn hóa thông tin quận 5 Trần Thị Minh Tân cho biết, công tác bảo tồn di sản luôn được quận đặt lên hàng đầu. Ngoài kinh phí nhà nước dành cho công tác bảo tồn di tích lịch sử, các di tích văn hóa tại các hội quán đều được xã hội hóa. Hiện nay, lượng du khách, nhất là du khách nước ngoài đến tham quan di tích tại các hội quán ngày càng đông, có những hội quán mỗi ngày đón hơn 1.000 du khách như Tuệ Thành, Nghĩa An…

Về di sản văn hóa vật thể, TP Hồ Chí Minh có nhiều điểm tham quan nổi tiếng như di tích lịch sử địa đạo Bến Dược, di tích lịch sử căn cứ Rừng Sác - Cần Giờ, hội trường Thống Nhất, trụ sở UBND thành phố, Bưu điện thành phố,… Danh lam thắng cảnh của thành phố thu hút du khách như rừng ngập mặn Cần Giờ, hệ sinh thái dọc sông Sài Gòn… Ngoài ra, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được lưu trữ tại hệ thống bảo tàng được rất nhiều du khách biết đến như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh… Trong đó, hơn 536 nghìn hiện vật, tài liệu lưu giữ trong hệ thống bảo tàng thuộc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố quản lý. Không chỉ có di sản văn hóa vật thể, thành phố còn có các lễ hội, các loại hình nghệ thuật, nghề thủ công truyền thống đưa vào khai thác phục vụ du lịch như: Lễ hội Ðường hoa, Lễ hội Áo dài, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ, nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương, hát bội… Là cửa ngõ kết nối, giao lưu văn hóa của cả nước và khu vực, TP Hồ Chí Minh có các loại hình nghệ thuật trình diễn khác đã đưa vào phục vụ du lịch như múa rối nước, múa lân sư rồng, biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Một số làng nghề thủ công truyền thống như làng bánh tráng Phú Hòa Ðông, làng mây tre lá Thái Mỹ (Củ Chi), phố da giày, phố đông y,… cũng là điểm đến của du khách trong nhiều năm nay.

Việc phát triển du lịch góp phần quan trọng phục hồi và bảo tồn di sản văn hóa, mang lại lợi ích kinh tế không chỉ cho doanh nghiệp mà cả cộng đồng sống chung quanh khu vực có di sản. Tuy nhiên, với hệ thống di sản hiện có, đến nay thành phố chỉ mới khai thác hiệu quả một số di sản. Nhiều di sản văn hóa khác chưa được khai thác hoặc khai thác nhưng tính hấp dẫn của sản phẩm còn hạn chế, chưa thu hút du khách. Theo Giám đốc Sở Du lịch thành phố Bùi Tá Hoàng Vũ, thực tế không phải di sản văn hóa nào cũng có thể đưa vào khai thác du lịch. Vừa qua, Sở Du lịch phối hợp Trường đại học Kinh tế - Luật thực hiện Ðề án kiểm kê tài nguyên du lịch trên địa bàn thành phố cho thấy 111 trong số 258 tài nguyên du lịch văn hóa được đánh giá thì chỉ có 24 tài nguyên được đánh giá là có tiềm năng cao. Với 172 di tích được xếp hạng của thành phố, nhưng chỉ có khoảng 40 di tích thật sự được du khách trong nước và quốc tế quan tâm, có nhu cầu tham quan du lịch (chiếm 23%).

Việc các di sản phân bố không đồng đều ở các địa phương, một số nơi hạn chế về bến bãi, chỗ đậu xe, điểm diễn cố định cũng làm ảnh hưởng đến phát triển du lịch di sản văn hóa. Một số di sản còn đơn điệu, chưa hấp dẫn du khách, thời gian mở cửa chưa phù hợp, cộng với nguồn nhân lực khai thác du lịch di sản hạn chế cả về số lượng và chất lượng cũng là rào cản để thành phố phát triển du lịch di sản văn hóa một cách xứng tầm.

Để du lịch di sản văn hóa ở thành phố thật sự phát triển, đòi hỏi ngành chức năng cần đánh thức các di sản có tiềm năng du lịch, mang đến cho các di sản một sức sống mới, đủ sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Di sản văn hóa thành phố cần được nhìn một cách tổng thể của một di sản đô thị, chứ không nên nhìn ở di sản riêng lẻ, có vậy thành phố mới có được chiến lược bảo tồn di sản, phát triển du lịch di sản văn hóa phù hợp. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huỳnh Thanh Nhân cho biết, nhiều năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn thành phố có nhiều tiến bộ. Năm 2018, nguồn vốn đầu tư cho công tác tu bổ di tích của thành phố khoảng 250 tỷ đồng (trong đó khoảng 100 tỷ là nguồn xã hội hóa), nhiều di tích lịch sử văn hóa vì thế đã được bảo quản, tu bổ, tôn tạo và khai thác hiệu quả. Thành phố cũng thực hiện nâng cấp, cải tạo, mở rộng, hiện đại hóa hệ thống bảo tàng. Ðối với di sản văn hóa phi vật thể, thành phố sẽ có kế hoạch đưa các loại hình như đờn ca tài tử, cải lương, hát bội xuống phố, tiếp cận du khách một cách rộng rãi, thường xuyên. Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, cần có sự thay đổi trong cách quản lý, phối hợp giữa các sở, ngành, nhất là đối với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch để có thể phát huy tốt giá trị di sản văn hóa. Chủ tịch Hội Di sản thành phố Lê Tú Cẩm cho rằng, thành phố cần cơ chế, chính sách nhằm tạo nguồn kinh phí để tu bổ, bảo tồn di sản từ quá trình phát triển du lịch di sản văn hóa. Cùng bàn về vấn đề này, Giám đốc Sở Du lịch Bùi Tá Hoàng Vũ mong muốn vai trò của cộng đồng cần được phát huy hơn nữa trong phát triển du lịch di sản văn hóa, đồng thời công tác đào tạo nguồn nhân lực bảo đảm về số lượng và chất lượng cần được chú trọng nhằm đưa loại hình du lịch này ngày càng phát triển.