Ấm lòng người bệnh

Những ngày giữa tháng Chạp năm Canh Tý, khi mọi người tất bật mua sắm để có một cái Tết tươm tất, thì không ít bệnh nhân tại các bệnh viện (BV) ở TP Hồ Chí Minh vẫn đang "đánh vật" với bệnh tật. Lúc này, một sự quan tâm, dù nhỏ thôi, cũng làm cho họ cảm thấy ấm lòng.

Bệnh nhân truyền hóa chất được chăm sóc chu đáo tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bệnh nhân truyền hóa chất được chăm sóc chu đáo tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Gian hàng "Chia sẻ yêu thương" đặt tại BV Nguyễn Tri Phương (quận 5) dường như đông hơn trong những ngày cận Tết. Đưa đứa con nhỏ đến ngắm nghía những "bé" thú nhồi bông nhỏ xíu, đủ mầu sắc trưng bày trong gian hàng, chị Đỗ An Tâm, quê Nghệ An bất ngờ khi thấy món đồ chơi chỉ có giá từ 5.000 đến 10.000 đồng.

"Con mình bị phát hiện suy tim nên phải ở lại BV điều trị dài ngày. Gia đình khó khăn, có bao nhiêu tiền đều dành cho con trị bệnh, nhiều khi cũng muốn mua vài món đồ chơi con thích mà không dám. Mới hôm qua, mình đi ngang đây thấy nhiều món đồ đẹp nên đưa con vào ngắm thử. Không ngờ giá rẻ quá, mình tranh thủ "sắm Tết" bằng món quà mà con thích, vài bộ quần áo mới cho hai mẹ con mà chưa tiêu hết 100.000 đồng", chị Tâm thật thà cho hay.

Trong quầy hàng này có khá nhiều mặt hàng, từ quần áo, giày dép, bóp, đồ chơi, đồ điện gia dụng… có giá từ 5.000 đến 50.000 đồng/món và có cả những mặt hàng được tặng miễn phí. Tất cả đều là đồ mới, được sắp xếp ngăn nắp trên các quầy kệ, niêm yết giá cụ thể để người mua yên tâm chọn lựa.

Theo Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương Võ Đức Chiến, mỗi năm BV khám trung bình hơn 560 nghìn lượt bệnh nhân ngoại trú, tiếp nhận và điều trị khoảng 45 nghìn lượt bệnh nhân nội trú, trong đó có nhiều bệnh nhân khó khăn. "BV mở gian hàng "Chia sẻ yêu thương" với hy vọng cung cấp các vật dụng cần thiết hằng ngày cho những bệnh nhân khó khăn và tạo điều kiện cho nhân viên BV cũng như bất cứ ai mong muốn thể hiện tấm lòng nhân ái, giúp đỡ người khác trong khả năng của mình. Đây là chuỗi hoạt động thể hiện tinh thần tương thân, tương ái với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, một chút sẻ chia đong đầy hạnh phúc", bác sĩ Võ Đức Chiến trải lòng...

Mỗi ngày, khu vực Phòng Điều trị 1 và 2 của Khoa Hóa trị, Trung tâm Ung bướu, BV Chợ Rẫy có khá đông bệnh nhân tới lắng nghe tiếng nhạc êm dịu phát ra từ chiếc máy bên cạnh trong thời gian vô thuốc, bà Thu Huỳnh (63 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) kể, trước khi đến BV, bà cứ lo lắng phòng bệnh đông đúc, nhân viên y tế bận rộn, khó chu đáo. Nhưng đến nơi, bà được vào làm thuốc đúng giờ hẹn, chỗ ngồi rộng rãi, máy lạnh mát mẻ, có wifi tốc độ cao để gọi điện thoại vi-đê-ô về nhà. Ngoài ra, còn có sách báo, ti-vi chiếu các chương trình giải trí, có nhạc không lời mở vừa đủ nghe, lại dễ ngủ. "Hầu như không có mùi thuốc sát trùng ám ảnh. Bệnh nhân được đối xử như khách VIP. Nhờ vậy tôi cảm nhận thời gian vô thuốc cũng trôi qua mau hơn; có các y, bác sĩ động viên, đau đớn do bệnh tật cũng vơi đi ít nhiều", bà Thu Huỳnh cho biết.

"Bà có đói bụng, khát nước không? Con lấy cho bà nhé! Bà ráng ăn uống để có sức khỏe thì thuốc mới có hiệu quả tốt", cô nhân viên Phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy Văn Thị Ngọc Bích nhẹ nhàng thăm hỏi từng bệnh nhân đang vô thuốc. Đẩy xe chở hai bình nước chanh mật ong, nước lọc cùng đầy ắp bánh ngọt vào phòng truyền hóa chất, chị Ngọc Bích kể: Những ngày đầu, bệnh nhân không dám nhận vì sợ phải trả tiền. Chị giải thích các phần đồ ăn đều miễn phí. Đến nay, bệnh nhân và người nhà đã quen hơn với cách phục vụ này. "Ai cũng vui vẻ nhận bánh, chọn nước. Nhìn các cô bác ngon miệng, tôi cũng vui lây", chị Ngọc Bích vui vẻ cho biết thêm.

Giám đốc BV Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức cho biết, với một người khi được chẩn đoán bị ung thư là cú sốc lớn trong cuộc đời họ. Khi được bác sĩ chỉ định phải truyền hóa chất vào cơ thể để điều trị ung thư sẽ khiến cơ thể người bệnh khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý, đau đớn về thể xác. Vì vậy, trong điều kiện cho phép, BV triển khai chuỗi hoạt động này và giao cho Phòng Công tác xã hội thực hiện với mong muốn người bệnh thoải mái về tinh thần và ít khó chịu về thể xác trong lúc đang truyền hóa chất. "Một miếng bánh, một ly nước phục vụ cho cô bác trong quá trình truyền thuốc không phải ly nước, miếng bánh bình thường, mà chứa chan tình cảm của tập thể y, bác sĩ của BV dành cho bệnh nhân ung thư. Chúng tôi muốn khi người bệnh truyền hóa chất trên một cái ghế thì ghế đó phải tương đương với ghế hạng thương gia khi đi máy bay", bác sĩ Nguyễn Tri Thức chia sẻ...

Việc chăm lo bữa ăn ngon lành, an toàn và hoàn toàn miễn phí cùng được BV Nguyễn Tri Phương và BV Chợ Rẫy triển khai. Để giảm bớt sự lo lắng của người nghèo do gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh, bữa ăn, nhất là đối với bệnh nhân "chạy ăn từng bữa", BV Nguyễn Tri Phương ngoài việc hỗ trợ chi phí điều trị cho người bệnh, còn chủ động cung cấp suất ăn dinh dưỡng và các bữa ăn bệnh lý với chất lượng được bảo đảm.

Tại BV Chợ Rẫy còn có căng-tin "Bếp yêu thương" do đơn vị xây dựng để các tổ chức thiện nguyện có nơi phát cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo được thuận lợi, an toàn, bảo đảm vệ sinh. Mỗi năm, BV Chợ Rẫy còn ký kết với các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm để chăm lo bếp ăn cho bệnh nhân nghèo. Không chỉ lo thức ăn ngon, giúp bệnh nhân và người nhà có thêm sức khỏe, BV còn lo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Bởi, những người bệnh điều trị tại BV Chợ Rẫy phần lớn mắc bệnh nặng, ốm yếu, kiệt quệ, nếu xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm thì rất nguy hại. BV đã vận động các nhà hảo tâm tạo điều kiện xây dựng bếp ăn khang trang, rộng rãi để các tổ chức từ thiện thuận tiện phát cơm cho bệnh nhân.

Nhiều BV khác ở TP Hồ Chí Minh cũng có nhiều cách sẻ chia, động viên, an ủi người bệnh, nhất là trong những ngày Tết đến, Xuân về...