AI - nền tảng đổi mới mô hình tăng trưởng

TP Hồ Chí Minh vừa phê duyệt Chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giai đoạn 2020 - 2030, với kỳ vọng lĩnh vực này sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển nhanh, bền vững. Ðồng thời, AI cũng được kỳ vọng trở thành một trong những công nghệ cốt lõi xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh.

Trưng bày các ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất công nghiệp tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.
Trưng bày các ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất công nghiệp tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.

Tháng 10-2020, Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) đưa vào sử dụng Trung tâm ươm tạo chuyên về AI (AI Innovation Hub). Các chức năng chính của AI Innovation Hub bao gồm: Thu hút các doanh nghiệp (DN) lớn trong lĩnh vực AI đồng hành cùng hoạt động của trung tâm; triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển các giải pháp AI cho DN khởi nghiệp, DN và sinh viên; thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực AI... Sự ra đời của AI Innovation Hub chính là hướng đến sự đột phá, đáp ứng nhu cầu phát triển tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của thành phố nói chung và SHTP nói riêng. PGS,TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý SHTP cho biết: AI được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là xu thế phát triển tất yếu của các quốc gia trên thế giới. AI tác động chuyển đổi to lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, sản xuất… Trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế, Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng xác định tập trung phát triển công nghệ AI - một mũi nhọn được dự báo sẽ trở thành ngành công nghệ đột phá nhất trong 10 năm tới. Việc hình thành AI Innovation Hub chính là hướng đến các đột phá trên, đồng thời là bước chuẩn bị đầu tiên cho việc hình thành Trung tâm nghiên cứu ứng dụng phát triển AI trong tương lai của SHTP.

Trong xu thế phát triển hàng loạt công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ số như: in-tơ-nét vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và các kỹ thuật máy học mới đã tạo thuận lợi cho AI phát triển vượt bậc, đóng góp mạnh mẽ cho phát triển kinh tế, xã hội toàn cầu. AI được xem là nền tảng quan trọng cho phép tăng năng suất lên một mức hoàn toàn khác biệt, làm thay đổi về chất mối quan hệ phối hợp người - máy, người - thiết bị và tiếp theo là máy - máy cho các cấp độ: giao diện, tương tác, tích hợp và trí tuệ. AI được coi là một loại năng lượng mới, đóng vai trò quan trọng tương tự như năng lượng điện trong hai cuộc cách mạng công nghiệp điện khí hóa và tự động hóa trước đây. Trên phạm vi toàn cầu, AI đóng vai trò then chốt trong việc định hình các mô hình kết nối thế giới thực - không gian số một cách tự động và thông minh trong hầu hết các lĩnh vực ứng dụng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và chất lượng dịch vụ của con người. Theo các chuyên gia, thành phố cần nhanh chóng xây dựng một hệ sinh thái phát triển AI liên kết với các trường đại học, DN và phải liên minh cùng các thành phố khác trong và ngoài nước để phát triển hệ sinh thái này. Ðặc biệt, quan tâm việc đào tạo nhân lực AI, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN vừa và nhỏ cũng như DN khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Ðồng thời, thành phố cần lựa chọn để đầu tư, hỗ trợ cho các đơn vị chiến lược của mình từ trường đại học đến DN nhằm đạt lợi thế trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về kỹ thuật AI trong thời gian tới. PGS,TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng: Thành phố là đầu tàu nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ của cả nước. Thành phố đã, đang triển khai tinh thần chủ động và gấp rút trong phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin để trở thành một đô thị thông minh, dẫn đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Vì thế, thành phố cần nhanh chóng nghiên cứu, triển khai AI và đây được xem là nền móng cơ bản để thực hiện mục tiêu trên. Trong đó, cần xác định các lĩnh vực chính trong việc ứng dụng AI và xây dựng thành phố kỹ thuật số thông minh, bao gồm: cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, an toàn thông tin, hạ tầng dữ liệu, quản lý, năng lượng, môi trường, thương mại, công nghiệp 4.0, giáo dục, văn hóa, y tế - sức khỏe, xã hội, an ninh.

Để đổi mới mô hình tăng trưởng và làm nền tảng xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, TP Hồ Chí Minh vừa phê duyệt Chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI giai đoạn 2020 - 2030. Theo đó, thành phố đưa ra mục tiêu trong vòng 10 năm tới xây dựng và phát triển hệ sinh thái AI để đưa thành phố trở thành một trong những trung tâm của Việt Nam và khu vực ASEAN về nghiên cứu, triển khai và chuyển giao các ứng dụng AI. Ðồng thời, thực hiện chiến lược đưa AI trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển bền vững theo chiều sâu. Thực hiện mục tiêu trên, thành phố đưa ra hàng loạt giải pháp triển khai. Trong đó, chú trọng thúc đẩy gia tăng số lượng DN khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực AI, các DN triển khai ứng dụng AI trong chuyển đổi số nhằm phát huy nội lực, tăng tính cạnh tranh. Triển khai các giải pháp huy động vốn đầu tư cho phát triển các DN và thương hiệu làm AI. Tập trung xây dựng các sản phẩm, ứng dụng AI có giá trị thực tiễn, được nhiều đơn vị, cá nhân sử dụng. Cùng với đó, thu hút nguồn lực trong và ngoài nước; đầu tư xây dựng ít nhất hai trung tâm nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ về AI ngang tầm khu vực ASEAN. Xây dựng đội ngũ nhân lực AI đủ số lượng và bảo đảm chất lượng ở các lĩnh vực khoa học dữ liệu, phân tích dữ liệu lớn, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, nhận dạng tiếng nói, an toàn thông tin, in-tơ-nét vạn vật…