Ðổi rác lấy quà

Hai tuần nay, nhiều người dân tại 10 phường thuộc quận 1, TP Hồ Chí Minh háo hức rủ nhau đem chất thải rắn đi đổi quà. Những vật dụng tưởng chừng bỏ đi, gây ô nhiễm môi trường nay được quy đổi thành gạo, dầu ăn, muối hay chậu cây tái chế… khiến ai cũng phấn khởi.

Người dân tại phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 mang rác thải nhựa đến đổi lấy gạo và chậu trồng cây.
Người dân tại phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 mang rác thải nhựa đến đổi lấy gạo và chậu trồng cây.

Chương trình ý nghĩa này do Quận đoàn và Ủy ban MTTQ quận 1 tổ chức với mục tiêu đồng hành cùng người dân vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid-19, tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế dùng rác thải nhựa.

Con hẻm 153 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Phạm Ngũ Lão mọi ngày yên ắng bỗng sáng nay nhộn nhịp hẳn lên. Nhiều người dân rủ nhau đến đây đổi chai nhựa, giấy cũ lấy gạo hay cây xanh về trang trí trong nhà. Chai nhựa, bình đủ loại hay giấy báo, tập vở cũ được người dân phân loại, chia túi sẵn đem đến đổi lấy quà. Gần hai tuần nay, bà Nguyễn Thị Ðiệp (khu phố 6, phường Phạm Ngũ Lão) cùng người thân gom chai nhựa và chất thải rắn để sẵn mấy túi chờ ngày đổi gạo. Sáng nay bà đổi được bốn ký gạo, lòng thấy vui lắm. "Thay vì bán ve chai cũng chẳng được bao nhiêu, tôi đem tới đây đổi lấy gạo chia cho người khó khăn hơn, vừa ý nghĩa vừa vui. Số gạo được chương trình tặng tôi gửi lại cho bếp cơm từ thiện của khu phố để mấy ngày nữa đến cùng nấu nướng, tặng cơm cho bà con khó khăn những ngày có dịch bệnh. Việc tuy nhỏ nhưng mỗi người chung tay sẽ hay biết mấy", bà Ðiệp cười tươi, tay ôm chặt mấy bịch gạo mầu xanh.

Cũng như bà Ðiệp, tuy chương trình khởi động chưa lâu nhưng hàng trăm người dân đang sinh sống trên địa bàn quận đã cùng nhau gom chất thải rắn đến đổi gạo, nhu yếu phẩm hay cây xanh. Ðến thời điểm hiện tại, hơn 700 ký gạo địa phương vận động được đã đến tay người đổi chất thải rắn. Số chai nhựa, giấy cũ sau khi phân loại đem bán sẽ góp vào quỹ học bổng giúp đỡ học sinh nghèo tại quận. Anh Trần Ðỗ Nam Long, Bí thư Quận đoàn 1, một trong những người khởi xướng chương trình thiết thực này vui vẻ cho biết: "Với chương trình này, mỗi ký rác thải nhựa sẽ được quy sang một ký gạo, có nơi còn thêm quà, bà con vui lắm.

Mỗi người vài ký, nhiều hộ gia đình cùng gom lại thì số rác sẽ không hề nhỏ. Mình vừa trao tặng yêu thương, vừa tạo được thói quen, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc phân loại rác tại nguồn. Từ số gạo nghĩa tình này, nhiều bếp cơm từ thiện đã ra đời, mọi người cùng nhau lan tỏa điều tốt đẹp".

Trên chiếc bàn dài để sẵn những túi gạo, ai cũng thích thú hỏi thăm mấy chậu cây tái chế đủ sắc mầu đặt cạnh đó. Mỗi lần nghe hỏi thăm, bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Trưởng khu phố 6, phường Phạm Ngũ Lão lại cười giòn tan, bà khoe: Mấy chậu cây này do tôi và nhiều người dân tự tay làm ra từ rác thải nhựa, cực mà vui. Nhiều hộ dân đem cây xanh tới tặng, sen đá, trầu bà, lưỡi hổ, nha đam. Chúng tôi tặng cây lại cho bà con đem rác thải tới, ai cũng vui.

Từ ba năm nay, khu phố tôi thực hiện tốt việc phân rác tại nguồn và tích cực tạo mảng xanh từ vật dụng tái chế. Mỗi tuần đều đặn ba ngày, chúng tôi đến tận nhà dân thu gom chất thải rắn đem bán kiếm tiền gây quỹ học bổng Nguyễn Thị Minh Khai. Giờ thêm chương trình đầy tính nhân văn này, nhiều người dân đem rác thải nhựa tới nhận gạo xong gửi tặng lại người nghèo. Chúng tôi sẽ gom số gạo này nấu thành những suất ăn và trao tặng bà con trong vài ngày tới.

Không riêng gì quận 1, thời gian qua, nhiều tổ chức, đơn vị tại TP Hồ Chí Minh đã triển khai những chương trình thiết thực khuyến khích người dân thu gom chất thải rắn, chất thải độc hại. Ðổi pin lấy cây xanh, ống hút tre; đổi giấy cũ lấy túi vải, đổi chai nhựa, vỏ hộp sữa lấy sách, đổi túi ni-lông lấy quà… là các hoạt động cộng đồng hướng đến môi trường được nhiều người ủng hộ. Tại các trường học, việc tái chế rác thải nhựa đã tạo nên nhiều sân chơi bổ ích, kích thích óc sáng tạo của các em học sinh. Nhiều em đã đoạt được các giải thưởng lớn từ ý tưởng biến rác thải thành đồ hữu ích, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường. Không phô trương, cầu kỳ, không cần đầu tư nhiều kinh phí, mọi thứ chỉ gói gọn trong việc cùng nhau thu gom, giảm thiểu lượng chất thải rắn, chất thải độc hại ra môi trường.

Tại Ðường sách TP Hồ Chí Minh, hai năm trở lại đây, các chương trình lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường được triển khai rộng khắp. Trồng cây trong vỏ chai cũ, thu gom vỏ sữa đổi quà, làm đồ chơi từ tất (vớ) cũ/ chai nhựa, gói sách bằng vải, đổi sách cũ hoặc rác thải công nghệ lấy cây xanh, trưng bày hình ảnh thông điệp bảo vệ môi trường, các hoạt động gây quỹ bảo tồn rùa biển, trồng thêm cây xanh… là những hoạt động tiêu biểu mà Ðường sách thành phố phối hợp với nhiều đơn vị triển khai hiệu quả.

Bên cạnh chuỗi chương trình cộng đồng diễn ra xuyên suốt, Ðường sách cũng có nhiều giải pháp "xanh" từng bước hình thành ý thức, thói quen bảo vệ môi trường cho người dân, nhất là trẻ nhỏ. Không dừng lại ở việc tăng mảng xanh, tăng cường chất liệu thân thiện với môi trường từ mỗi gian hàng, Ðường sách còn thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện, giao lưu, giới thiệu sách về lĩnh vực môi trường. Từ những hành động nhỏ nhất, điểm đến văn hóa quen thuộc của người dân thành phố mong muốn có thể lan tỏa ý thức sống xanh bền vững cho mọi người.

Bài và ảnh: GIA MỸ