Trân trọng từng hiện vật về Bác Hồ

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Người đã dừng chân tại ngôi nhà của bà Nguyễn Thị An ở thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ (Hà Nội). Ông Công Ngọc Dũng - cháu nội của cụ Nguyễn Thị An, nhiều năm qua, đã gìn giữ từng hiện vật nhỏ nhất liên quan đến Bác, coi đó là niềm tự hào của gia đình, dòng họ.

Ông Công Ngọc Dũng cẩn thận gìn giữ các hiện vật trong ngôi nhà Bác Hồ từng ở, nay được công nhận là Di tích lịch sử cấp thành phố.
Ông Công Ngọc Dũng cẩn thận gìn giữ các hiện vật trong ngôi nhà Bác Hồ từng ở, nay được công nhận là Di tích lịch sử cấp thành phố.

Mỗi buổi sáng, ông Công Ngọc Dũng đều cẩn thận lau chùi từng hiện vật trong căn nhà ở ngõ 319 đường An Dương Vương (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ). Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ từ Việt Bắc về Hà Nội để chuẩn bị cho ngày Quốc khánh, ngôi nhà này là nơi Người dừng chân từ ngày 23 đến 25-8-1945. 74 năm đã trôi qua, nhưng mọi đồ dùng, hiện vật trong ngôi nhà vẫn được giữ nguyên vẹn: Chiếc sập, bộ tràng kỷ, chiếc gương, chậu rửa mặt bằng đồng… mà Bác Hồ từng dùng. Với ông Dũng, dù là những hiện vật nhỏ, nhưng ông luôn coi đó là niềm tự hào của gia đình, dòng tộc.

Ngôi nhà vốn là của cụ Công Ngọc Lâm và Nguyễn Thị An, xây dựng vào năm 1929. Cụ Lâm từng làm Chánh tổng, nhưng mất sớm. Cụ An và con trai là Công Ngọc Kha giác ngộ cách mạng và tham gia hoạt động bí mật tại khu vực này. Tháng 8-1945, mặc dù chúng ta đã giành được chính quyền, Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội để chuẩn bị cho lễ Tuyên ngôn Ðộc lập vào ngày 2-9, nhưng tình hình lúc đó vẫn còn phức tạp, do đó địa điểm để Bác nghỉ phải thật an toàn. Cụ An là người giác ngộ cách mạng, nhưng lại có “tiếng” là vợ Chánh tổng, cho nên ít bị Pháp, Nhật để ý. Các đồng chí lãnh đạo đã chọn nhà cụ An là địa điểm Bác dừng chân trước khi vào nội thành. “Bố tôi kể lại rằng, đồng chí Hoàng Tùng chỉ thông báo với gia đình là có các đồng chí từ chiến khu về nghỉ lại tại gia đình. Lúc ấy, cả nhà không ai biết đó là Cụ Hồ. Mọi người chỉ biết có một ông cụ râu dài, mắt sáng, dáng gầy gò trong đoàn. Ông cụ miệt mài làm việc suốt ngày. Mãi đến ngày 2-9, khi bà tôi đến Quảng trường Ba Ðình dự mít-tinh mới nhận ra, người đứng trên lễ đài đọc Tuyên ngôn Ðộc lập là Cụ Hồ, người đã ở gia đình mình mấy hôm trước. Lúc đó, mọi người òa lên sung sướng”, ông Dũng bồi hồi nhớ lại.

Tuy không được chứng kiến những hình ảnh lịch sử khi Bác Hồ về nhà mình, nhưng từ nhỏ, ông Công Ngọc Dũng đã được bà nội và bố kể về việc gia đình được đón Bác. Tuổi thơ trải qua những năm tháng chiến tranh, ông Dũng càng thấm thía giá trị của tự do, độc lập và hòa bình. Ông hỏi kỹ bà nội và bố về những ngày Bác ở nhà mình và hình dung những hiện vật như có bóng hình của Người. Ngay cả khi chưa được công nhận là di tích, ngôi nhà cũng như tất cả các hiện vật đều được ông gìn giữ một cách hết sức trân trọng. Năm 1996, gia đình ông Công Ngọc Dũng đã hiến ngôi nhà cho Nhà nước để làm nhà lưu niệm. Tính đến giờ, ngôi nhà này đã được 90 năm tuổi, không tránh khỏi những hư hại. Ông Dũng cho biết, muốn sửa chữa phải có ý kiến của cơ quan quản lý văn hóa, nhưng đợi thủ tục thì lâu, cho nên có lần, khi ngôi nhà bị hư hỏng nhẹ, ông tự bỏ tiền thuê thợ sửa sao cho đúng với nguyên gốc nhất. Hay có lần mái ngói bị hỏng, ông đạp xe đi khắp nơi để tìm những ngôi nhà cổ xây cùng thời với ngôi nhà này để xin ngói cũ nếu gia chủ định thay ngói mới. Việc này tốn khá nhiều công sức, nhưng khi xin được ngói cũ, lợp lại thấy giống hệt với lúc xưa, ông mới yên tâm. Ông Công Ngọc Dũng còn là một “hướng dẫn viên” tình nguyện cho bất kỳ đoàn khách nào có nhu cầu tìm hiểu về ngôi nhà giữ kỷ niệm về Bác Hồ. Ông Dũng đã được tuyên dương là tấm gương điển hình về việc trông nom, bảo vệ di tích lưu niệm về Bác Hồ tại lễ kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Bà nội tôi kể, bữa cơm ngày 25-8 trước khi đoàn rời đi, gia đình đoán được “ông cụ râu dài” là người quan trọng, cho nên chuẩn bị cơm cẩn thận, một mâm để trên giường tỏ ý trân trọng hơn để mời Bác, còn lại mọi người ăn dưới chiếu. Thấy vậy Bác bảo để mâm xuống chiếu mọi người cùng ăn. Ðó là hành động vô cùng đáng quý ở một lãnh tụ. Bác đã đi xa nhưng từng hành động nhỏ của Bác là bài học cho mỗi thế hệ chúng ta”, ông Công Ngọc Dũng chia sẻ.

Ðúng vào dịp kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9, 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, UBND thành phố Hà Nội đã chính thức công nhận địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại gia đình cụ Nguyễn Thị An là Di tích lịch sử cấp thành phố và tổ chức lễ trao bằng vào ngày 23-8. Niềm vui như được nhân lên gấp bội với ông Công Ngọc Dũng và gia đình. Ông chia sẻ: “Trước kia bố tôi đã dặn dò tôi phải giữ gìn di tích quý báu này. Trước đây bố tôi lấy ngày 23-8 là ngày họp mặt gia đình để ôn lại kỷ niệm về Bác. Nay tôi vẫn tiếp tục duy trì truyền thống ấy, giáo dục con cháu để những kỷ vật về Bác được gìn giữ mãi mãi”.