Y tế tuyến dưới “giữ chân” người bệnh

NDO -

NDĐT – Các kỹ thuật khó nhất trong ngành y tế từ phẫu thuật ung thư, phẫu thuật robot, ghép tạng… đã được các bệnh viện tuyến dưới triển khai thành công, tạo niềm tin cho người dân tin vào y tế tuyến dưới.

Y tế tuyến dưới “giữ chân” người bệnh

Đưa kỹ thuật cao về tuyến dưới

Ngày 28-9 là một sự kiện đặc biệt với ngành y tế tỉnh Phú Thọ. Lần đầu tiên, các bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ áp dụng robot vào phẫu thuật cột sống. Đây cũng là Bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước ứng dụng công nghệ này.

TS, BS Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, việc sử dụng robot thay thế sẽ giúp các bác sĩ định vị và tiến hành các thao tác chính xác nhất trên xương sống của người bệnh (độ chính xác tới 1mm (1/25 inch) trong khi lượng tia phóng xạ phát ra được giảm thiểu tối đa để tránh gây hại cho cả bác sĩ và người bệnh. Việc ứng dụng công nghệ robot định vị chính xác trong phẫu thuật cột sống tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ mang đến cơ hội điều trị tốt hơn cho những người bệnh mắc các bệnh lý về cột sống trong tỉnh và khu vực lân cận.

Đặc biệt, năm 2019 cũng ghi nhận bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên thực hiện ghép thận không cùng huyết thống và nhóm máu do các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thực hiện với sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Bệnh viện tỉnh Phú Thọ đã làm chủ kỹ thuật ghép thận với chín ca thành công, nhưng đây là ca đầu tiên thực hiện ghép không cùng huyết thống. TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc bệnh viện nhấn mạnh, kể từ khi được chuyển giao kỹ thuật này, Phú Thọ đã tự tin triển khai hoạt động ghép thận, giúp người bệnh không cần phải vượt tuyến.

Cũng là thành tựu trong ghép tạng, với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện đầu ngành về ngoại khoa và ghép tạng như Bệnh viện Việt Đức, Cuối tháng 6-2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã chính thức được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện tuyến tỉnh thứ hai đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người cho sống. Đến tháng 7 vừa qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa cũng đã làm chủ kỹ thuật ghép thận từ người cho sống với năm ca thành công.

Ung bướu là một trong năm chuyên khoa được lựa chọn đầu tiên trong Đề án bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế giai đoạn 2013 – 2020. GS, TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, hiện đã có 17 bệnh viện vệ tinh, 11 bệnh viện tham gia dự án Norred, chỉ đạo tuyến cho 30 bệnh viện. Bệnh viện K đã đào tạo cho 2.972 lượt học viên, chuyển giao 291 lượt kỹ thuật cho các bệnh viện; biên soạn 12 cuốn sách chuyên môn phục vụ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật.

Kết quả nổi bật là một số kỹ thuật được đào tạo, chuyển giao đã giúp cho các bệnh viện hoàn toàn có thể tự chủ làm được, có tỷ lệ giảm chuyển tuyến đến hơn 95% như: phẫu thuật ung thư tuyến giáp, phẫu thuật nội soi thực quản, phẫu thuật ung thư cổ tử cung hay xạ trị ung thư vú, cổ tử cung, ung thư buồng trứng. “Có nơi đặc biệt như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, tỷ lệ chuyển tuyến đã giảm từ hơn 70% xuống dưới 1% trong lĩnh vực ung bướu”, GS Thuấn cho hay.

Làm chủ kỹ thuật khó, giữ chân người bệnh

Trung tâm Y tế huyện Tam Đường và Sìn Hồ là hai trung tâm y tế của tỉnh Lai Châu được thụ hưởng nhiều kỹ thuật mới từ sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện E trong thời gian vừa qua.

Theo BSCKII Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, kể từ khi trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện E đến nay, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tăng từ 50 người/ngày lên đến 150 người/ngày, cao điểm có ngày lên gần 200 người trong những tháng gần đây. Nhiều gói dịch vụ kỹ thuật y tế mới được áp dụng đang giúp Trung tâm thu hút bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Người dân miền núi ở Tam Đường đã hết lo vượt tuyến để chữa bệnh.

Đến nay, Trung tâm Tam Đường đã triển khai các dịch vụ kỹ thuật cao, trong đó, bước tiến rõ rệt nhất là từng bước thực hiện kỹ thuật phẫu thuật nội soi. Với sự hỗ trợ của Bệnh viện E, Trung tâm đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân mắc các bệnh viêm ruột thừa, viêm phúc mạc ruột thừa, u nang buồng trứng, viêm túi mật mạn tính.... Các ca mổ đều an toàn, không có biến chứng sau phẫu thuật.

Y tế tuyến dưới “giữ chân” người bệnh ảnh 1

Các bác sĩ Bệnh viện E khám và chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ tại Trung tâm y tế huyện Tam Đường.

Đầu tháng 11-2019, với sự chuyển giao kỹ thuật của PGS, TS Đỗ Trường Sơn, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện E cùng các bác sĩ khoa Ngoại sản của Trung tâm, BS Trần Văn Quyết của Trung tâm y tế huyện Tam Đường đã triển khai thành công phẫu thuật cắt túi mật nội soi cho một bệnh nhân nữ (51 tuổi, dân tộc Mông, ở Khun Há, Tam Đường) có đường mật di dạng, sỏi to, trường phẫu thuật hẹp, mạc treo dính. Trước đây, đối với những ca bệnh này, bệnh nhân phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị.

Các kỹ thuật nội soi tiêu hóa, nội soi tán sỏi qua da, tán sỏi niệu quản ngược dòng, phẫu thuật nội soi đã được chuyển giao tới tuyến huyện, giúp cho người dân ở những địa bàn này tiếp cận với y tế tiên tiến nhất, cứu chữa kịp thời, không cần phải chuyển tuyến.

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, hiệu quả của Đề án Bệnh viện vệ tinh đã được minh chứng bằng việc ngành y tế đã xây dựng và hình thành 23 bệnh viện hạt nhân khoảng 140 bệnh viện vệ tinh. Trong đó, các chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển là ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc. Và đặc biệt, việc chuyển giao kỹ thuật ghép tạng trong ghép thận đã giúp hồi sinh nhiều người bệnh bị suy thận mạn giai đoạn cuối.