Việt Nam tiếp cận công nghệ mới trong nghiên cứu vaccine phòng Covid-19

NDO -

NDĐT – Để nghiên cứu vaccine phòng Covid-19, lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu sản xuất vaccine theo cách thức rất mới và tiếp cận với những nghiên cứu của thế giới.

Tiêm thử nghiệm trên chuột.
Tiêm thử nghiệm trên chuột.

Hôm nay là ngày thứ 11, Việt Nam thành công thử nghiệm tiêm vaccine phòng Covid-19 trên chuột. TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH - Bộ Y tế) - đơn vị đang phát triển vaccine ngừa Covid-19 cho biết, hiện chuột thí nghiệm khỏe mạnh và tiếp tục được theo dõi đánh giá khả năng sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.

Bước tiếp cận mới của Việt Nam

Ngay sau khi trình tự gene của Covid-19 được công bố, công ty VABIOTECH đã nhanh chóng hợp tác cùng Đại học Bristol - Anh để nghiên cứu vaccine phòng virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ vector virus.

Đối với phát triển vaccine có nhiều lựa chọn khác nhau, nhưng công nghệ mới và đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phù hợp đối với các vaccine đại dịch là công nghệ vector virus, công nghệ tổng hợp gene DNA và RNA.

Vector virus là hệ thống được cài đặt một hoặc nhiều vùng gene mã hóa vùng kháng nguyên mong muốn. Khi tiêm chủng, kháng nguyên protein sẽ được biểu hiện tương tác với vật chủ để tạo ra đáp ứng miễn dịch phòng tác nhân đích gây bệnh.

TS Đỗ Tuấn Đạt cho biết, để kiểm tra được đoạn gene mình đã cài đặt có tính kháng nguyên hay không, các nhà khoa học đã “cài” được kháng nguyên virus SARS-CoV-2 vào vaccine, tiến hành tiêm thử nghiệm vaccine trên chuột để theo dõi tính sinh miễn dịch.

“Sau 10 ngày tiêm, chuột thí nghiệm khỏe mạnh, tiếp tục theo dõi các đáp ứng miễn dịch trong giai đoạn 1. Có thể nói đây là thành công bước đầu của nghiên cứu. Công nghệ này tuy khó khăn ở bước đầu để tạo ra protein đáp ứng miễn dịch nhưng các bước sau sẽ nhanh hơn so với công nghệ tổng hợp gene, giúp rút ngắn thời gian phát triển và sản xuất vaccine”, TS Đạt cho hay.

Việt Nam tiếp cận công nghệ mới trong nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 ảnh 1

Chuột sau tiêm được theo dõi sát sao về khả năng đáp ứng miễn dịch.

Dự kiến, chuột có thể được đánh giá theo từng đợt. Giai đoạn đầu tiên có thể sau 14-15 ngày sẽ lấy máu lần đầu, sau đó khoảng 28 ngày lấy máu lần 2. Việc theo dõi đoàn chuột được tiến hành sâu sát từng ngày để xem đáp ứng miễn dịch đến sớm hay muộn.

Các nhà khoa học mong đợi kháng nguyên của chủng vaccine hoạt động tốt, tức có đáp ứng miễn dịch, sau đó, sẽ xây dựng các bước như quy trình sản xuất. Sau đó, chúng ta sẽ sản xuất ra dự tuyển cho vaccine, đánh giá sâu hơn trên động vật cả về đáp ứng miễn dịch và khả năng phòng vệ và tiến tới sản xuất vaccine hoàn thiện.

Giám đốc VABIOTECH cho biết, Việt Nam được coi là quốc gia có nền công nghiệp sản xuất vaccine, đã sản xuất được vaccine từ những năm 1960, tuy nhiên đây là lần đầu tiên các nhà phát triển vaccine Việt Nam nghiên cứu sản xuất vaccine tiếp cận một công nghệ hoàn toàn mới, vì thế càng phải cẩn trọng.

Nỗ lực rút ngắn thời gian sản xuất vaccine

Các mẫu máu trên chuột thí nghiệm sẽ được chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để đánh giá về tính đáp ứng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2. Nếu đáp ứng miễn dịch tốt tức là tính kháng nguyên của chủng vaccine hoạt động tốt. Sau đó, vaccine phòng Covid-19 sẽ tiếp tục được nghiên cứu để xây dựng quy trình sản xuất, định liều, thử nghiệm chính thức trên động vật nhằm đánh giá thêm về tính đáp ứng miễn dịch cũng như khả năng bảo vệ của dự tuyển vaccine này. Cuối cùng là thử nghiệm trên người ở nhóm nhỏ và nhóm lớn.

Trên thế giới hiện có khoảng 100 nhà phát triển và sản xuất đang cùng nghiên cứu phát triển vaccine ở giai đọan thử nghiệm trên động vật tương tự Việt Nam và đã có tám nhà sản xuất đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người. Việt Nam đang theo dõi kết quả thử nghiệm của tám nhà sản xuất này, nếu đạt hiệu quả và độ an toàn, các nhà nghiên cứu cũng xem xét để tiến hành bước đi tương tự.

Hiện tại, tại Việt Nam có bốn đơn vị cũng đang tiến hành nghiên cứu vaccine phòng chống Covid-19 nhưng VABIOTECH là đơn vị đầu tiên tiến hành thử nghiệm trên chuột và thu được các kết quả ban đầu rất khả quan.

Việt Nam tiếp cận công nghệ mới trong nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 ảnh 2

Các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu thận trọng và nỗ lực rút ngắn thời gian để sớm có vaccine ngừa Covid-19.

Anh Mạc Văn Trọng, phòng Công nghệ cao, Công ty VABIOTECH cho biết, đây là một vaccine mới mà ngay cả trên thế giới cũng chưa có vaccine nào liên quan đến virus chủng corona. Khó khăn hiện nay nhất là về công nghệ, vì thế giới hầu hết đều chưa có mẫu chuẩn nên chưa có mẫu đối chứng. Đồng thời, trong quá trình hợp tác với Đại học Bristol, do nước Anh cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, nên sau khi tạo được kháng nguyên virus SARS-CoV-2, việc tiếp cận, đánh giá về vaccine giữa hai bên hạn chế, chủ yếu là các trao đổi trực tuyến làm ảnh hưởng ít nhiều đến công tác nghiên cứu.

TS Đỗ Tuấn Đạt cho hay, với kinh nghiệm sẵn có, VABIOTECH cũng phải mất ít nhất 8-9 tháng nữa mới có được ứng viên vaccine để thành một vaccine hoàn chỉnh để thử nghiệm trên động vật trước, đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt rồi sau đó mới tiêm sang người.

“Khi có một ứng cử viên tốt cho vaccine, việc có sản xuất được vaccine đó hay không cũng là một câu hỏi lớn. Chúng tôi rất mong muốn rút ngắn được thời gian sản xuất vaccine và đang nỗ lực thúc đẩy quá trình nghiên cứu vì điều đó”, TS Đạt cho hay.